(KTSG Online) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính đến cuối tháng 9, cả nước vẫn còn 29 bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn.
- Lâm Đồng còn hàng chục dự án chưa được giải ngân hoặc giải ngân chậm
- Bộ Tài chính đề nghị giải ngân nhanh ba dự án cao tốc trọng điểm
TTXVN dẫn báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 8, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công của cả nước là hơn 300,34 ngàn tỉ đồng, đạt hơn 39% kế hoạch; ước thanh toán đến hết tháng 9-2023 là hơn 363,31 ngàn tỉ đồng, đạt 47,75% kế hoạch và đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2022, tỷ lệ này là 42,16% kế hoạch và đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cụ thể, có 12 trong số 52 bộ, cơ quan trung ương và 30 trong số 63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên 50%. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Ngân hàng phát triển giải ngân 100% kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước đạt gần 70% kế hoạch, Đồng Tháp giải ngân đạt hơn 79% kế hoạch, Long An là gần 75%, Tiền Giang gần 78%.
Bên cạnh đó, vẫn còn 29 bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn. Báo cáo này cho biết thêm, tuy chỉ có 3 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 30%, song có 57 địa phương còn tồn tại nhiều dự án giải ngân dưới 10% và 109 dự án tại 41 địa phương chưa thực hiện giải ngân.
Những vướng mắc làm cho việc giải ngân diễn ra chậm là việc giao đất, chuyển đổi đất rừng tại một số dự án còn phức tạp, tốn nhiều thời gian cho chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu điều chỉnh vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển triển kinh tế với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nhưng lại chưa thực hiện do phải chờ hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.