Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Festival Áo Bà Ba 2023: Sức mạnh kinh tế nằm ở ‘cách kể xanh’, ‘cái nhìn xanh’

Diễm Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiếc vỏ lãi sơn hai màu xanh trắng như mây trôi êm trên Lung Ngọc Hoàng. Người đàn ông có giọng nói rặt Nam bộ ngồi ở đầu vỏ tươi cười hỏi: “Các anh chị có biết cây này là cây gì không?”. Thấy mọi người ngơ ngác, anh lại cười: “Đây là cây cà na”. Anh bắt đầu giới thiệu tỉ mỉ cho chúng tôi về các loài thực vật trong khu rừng nguyên sinh nước ngọt như cà na, bần, dừa nước, tràm, sao dầu, bèo cám, bèo hoa dâu...

Những đặc điểm vùng tựa truyện kể sinh thái

Anh còn hóm hỉnh: “Ở đây không có nhiều loài chim, chỉ có cu gáy xanh. Lá tràm rụng xuống lung quá dày khiến nước lung vàng sẫm, đồng thời làm cho tôm cá không sinh sản được, phải bơi ra nơi khác. Thành ra, lung và bàu nơi này chỉ có tôm cá tía má (tức tôm cá đã trưởng thành), rắn, rùa, ếch, nhái, rái cá; chim chóc thường không tụ về đoạn này vì không thể tìm được thức ăn...”.

Người đàn ông còn say sưa mô tả về sự trù phú của các vựa lúa sông Hậu với đặc điểm “hai năm bảy vụ”, bao gồm Đông Xuân sớm, Hè Thu muộn, Thu Đông và vụ giữa Thu - Đông; các vườn khóm, mãng cầu, cam, chanh, mít... cho sản lượng và chất lượng cao ở Hậu Giang.

Vỏ lãi đưa khách nước ngoài tham dự Festival Áo Bà Ba 2023 Hậu Giang tham quan lung Ngọc Hoàng. Ảnh: Kiều Anh

Những câu chuyện của anh và người kiểm lâm ngồi ở đầu mũi vỏ khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những chi tiết mà các anh kể chính là các đặc điểm tự nhiên của lung Ngọc Hoàng và vùng đất Hậu Giang nói chung.

“Cách kể xanh”, “cái nhìn xanh” khiến người nghe hoàn toàn có thể hình dung ra một cốt truyện sinh thái của riêng Hậu Giang. Nó hấp dẫn không thua gì các trang đặc tả thiên nhiên trong sử thi cổ đại của Hy Lạp, Ấn Độ, Lưỡng Hà hay những tiểu thuyết hiện đại đậm tính sinh thái như Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Ông già và biển cả, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát, Cá hồi... Cho đến khi kết thúc chuyến tham quan, chúng tôi mới biết người kể chuyện về lung Ngọc Hoàng là ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang.

Dù được đánh giá cao về giá trị sinh thái và tiềm năng du lịch nhưng cho đến thời điểm này, chính quyền tỉnh Hậu Giang vẫn chưa cho phép sử dụng, khai thác lung Ngọc Hoàng trên diện rộng. Ảnh: Hải Đông

Trong vài ba thập kỷ trở lại đây, các lý thuyết về văn hóa sinh thái (Ecoculture), văn học sinh thái (Ecoliterature), phê bình sinh thái (Ecocriticism)... ngày càng được nghiên cứu rộng rãi và trở nên phổ biến trên thế giới. Bởi lẽ, những tri thức này đã và đang góp phần định hướng quan trọng cho con người trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với thực trạng biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên. Trong đó, văn học sinh thái với những cốt truyện, tình tiết, chi tiết mang đậm tính sinh thái là cầu nối hữu hiệu trong việc nâng tầm nhận thức của con người về thái độ ứng xử với môi sinh.

Nhà nghiên cứu, nhà văn đi tìm cốt truyện sinh thái từ việc quan sát tự nhiên. Nhưng trong trường hợp của Hậu Giang, các chi tiết cho một cốt truyện sinh thái đã hiển lộ một cách dồi dào mà chẳng cần tìm kiếm đâu xa.

Câu chuyện sinh thái của tỉnh Hậu Giang

Đó là sự lạ kỳ của câu chuyện lão bà bỗng chốc cải lão hoàn đồng thành cô gái 20 tuổi. Tỉnh có diện tích rộng nhất nhì miền Tây Nam bộ Việt Nam này sẽ mừng sinh nhật tuổi 20 vào năm 2024 nhưng một số địa danh như Vị Thủy, Phụng Hiệp, Vị Thanh, Nàng Mau... đã được hình thành từ cuối thế kỷ 18 cho đến thời kỳ kháng Pháp và chống Mỹ. Vì lẽ đó, cô gái mang tên Hậu Giang vừa ở độ tuổi xuân thì và đang “kén chồng”. Chồng của cô có thể là ai? Chính là những yếu tố ngoại sinh sẽ được đề cập ở phần cuối bài viết.

Một góc rừng nguyên sinh nước ngọt Lung Ngọc Hoàng nhìn từ đài quan sát. Ảnh: Diễm Trang

Đó còn là gốc tích đậm màu thần thoại của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có giá trị như một kho báu của Việt Nam. Ngoài ý nghĩa “vùng đất trũng ngập nước của trời”, Lung Ngọc Hoàng còn được người địa phương giải nghĩa là cái rún (rốn) của ông Trời. Sở dĩ gọi như vậy vì họ cho rằng khu rừng nguyên sinh này được trời ban cho hệ động thực vật quý hiếm cùng vô số sản vật. Chỉ cần bước vào không gian hoang sơ mà yên bình đó, tâm hồn của cỏ cây, sóng nước và con người lập tức quấn quyện khó tách rời.

Dù đã được đánh giá cao về giá trị sinh thái và tiềm năng du lịch nhưng cho đến thời điểm này, chính quyền tỉnh Hậu Giang vẫn chưa cho phép sử dụng Lung Ngọc Hoàng trên diện rộng. Nên giữ cho nơi này “bình yên” nhằm bảo vệ lá phổi xanh của toàn bộ khu vực miền Tây Nam Bộ hay nên khai thác các tiềm năng kinh tế - văn hóa - du lịch dồi dào của nó? Đó là nỗi trăn trở lớn của người Hậu Giang và cũng là mạch tư tưởng chính trong các câu chuyện sinh thái.

Việc chú trọng xây dựng các biểu tượng cho Hậu Giang cũng là một chiến lược phát triển kinh tế đồng thời là một phần của câu chuyện sinh thái tỉnh. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho biểu tượng “Bé Khóm” vào năm 2022. Sở dĩ trái khóm Cầu Đúc trở thành biểu tượng của Hậu Giang là vì loại nông sản này nằm trong nhóm 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh (khóm, mít, mãng cầu, chanh không hạt, bưởi, lúa gạo, cá thát lát, lươn, heo).

Bên cạnh khóm Cầu Đúc, cá thát lát cườm cũng dần trở thành biểu tượng quan trọng của Hậu Giang. Các sản phẩm từ cá thát lát cườm của Hậu Giang vô cùng phong phú: chả lụa thát lát, thát lát một nắng, thát lát rút xương, thát lát quết dẻo, bánh phồng thát lát... Thực đơn của các hàng quán lớn nhỏ ở Hậu Giang hiện diện nhiều món được chế biến từ loài cá này.

Catwalk sinh thái kết nối khóm Cầu Đúc và cá tt t cườm

Trong Festival Áo Bà Ba vừa được tổ chức tại Hồ Sen, Vị Thanh - Hậu Giang từ ngày 29/09/2023 - 01/10/2023, khóm Cầu Đúc và cá thát lát cườm cũng như các thực phẩm được chế biến từ hai loại nông sản này được quảng bá, bày bán rộng rãi trong hội chợ. Lồng đèn khóm và lồng đèn cá thát lát được treo từ tiền cảnh cho tới hậu cảnh của lễ hội cũng thể hiện được sức mạnh biểu tượng của hai nông sản này.

Đặc biệt, hầu hết các bộ áo bà ba được nhà thiết kế Minh Hạnh – tổng đạo diễn Festival Áo Bà Ba 2023 Hậu Giang sử dụng trong lễ hội được sáng tạo từ chất liệu tơ khóm Cầu Đúc - mịn màng và nhẹ bẫng. Tơ khóm sẽ trở thành một vật liệu tự nhiên mới mang tính khả thi của ngành may mặc trong tương lai gần, góp phần bảo vệ môi sinh và tận dụng nguyên liệu tự nhiên.

Festival Áo Bà Ba Hậu Giang 2023 đã dùng hình ảnh trái khóm và cá thát lát (ảnh trên) để định vị rõ những sản phẩm chủ lực nhằm phát triển kinh tế của tỉnh Hậu Giang.

Và chiếc áo bà ba - vốn gắn bó với hình ảnh con người Tây Nam bộ - đã thực sự trở thành biểu tượng của Tây Nam bộ thông qua sự nhắc nhớ trang phục này bằng một lễ hội có quy mô lớn và chuyên nghiệp ở Hậu Giang. Lần đầu tiên, Việt Nam có một lối catwalk trên nước được ghép lại bằng các thanh tràm - vật liệu tự nhiên sẵn có của Hậu Giang và có vẻ như sẵn sàng “làm khó” gót giày của các người mẫu. Vậy mà không có sự cố “đo sàn” nào xảy ra suốt 90 phút khai mạc trừ những màn “té có chủ ý” của tiết mục kéo co sôi động và duyên dáng với sự tham gia của các em học sinh Hậu Giang cùng các giáo sư người Mỹ Ethan C. Brown, Jasmine N. An của Đại học Fulbright Việt Nam.

Festival Áo Bà Ba – tú cầu gieo duyên hữu hiệu

Có thể thấy, lễ hội Áo Bà Ba 2023 vừa qua đã thu hút một lượng lớn sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, truyền thông cũng như công chúng trong và ngoài nước. Sự tham dự kết hợp biểu diễn thời trang áo bà ba của đại diện các nước Hà Lan, Cộng hòa Czech, Palestine, Canada, Mỹ, Liên bang Nga... cho thấy tình hữu nghị và sự hứng thú với trang phục truyền thống Việt Nam từ bạn bè quốc tế. Họ là: Ngài Hynek Kmoníček, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Czech tại Việt Nam; Ngài Vahram Kazhoyan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Armenia tại Việt Nam; Ngài Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam; Ngài Daniël Stork, Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TPHCM; Ông Kouteili Adib, Canada, Đồng sáng lập, Tổng giám đốc PEB Steel; Bà Laura Fontan Pardo, Tây Ban Nha, Đồng sáng lập và CEO Chula Fashion tại Hà Nội; Vladovich Victor, Giám đốc khối kinh doanh UPCONCRETO – nhà sản xuất và thiết kế nội thất bê tông và Kseniia Kholkina, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM; David Emmanuel Pederson, Lập trình viên máy tính đến từ Chicago, bang Illinois, Mỹ và vợ là Jasmine N. An (Mỹ), Giảng viên ngành Văn học, Đại học Fulbright Việt Nam; Ethan C. Brown, Tiến sĩ tâm lý học Đại học Minnesota (Mỹ) hiện đang giảng dạy các phương pháp nghiên cứu khoa học-xã hội và nhận thức thống kê tại Đại học Fulbright Việt Nam

Nhà thiết kế Minh Hạnh, Tổng đạo diễn Festival Áo Bà Ba 2023 Hậu Giang. Ảnh: Hải Đông

Tiếng vang của lễ hội tựa như một sự đánh tiếng cho các “vương tôn công tử” phương xa nhận thức được tiềm năng của cô gái đôi mươi Hậu Giang vốn còn lặng lẽ, khiêm nhường. Chiếc áo bà ba bỗng trở thành tú cầu gieo duyên lý tưởng. Sự thành công của lễ hội khiến cho những người tham dự trực tiếp và theo dõi chương trình qua sóng truyền hình không khỏi ngạc nhiên và nức lòng về một Hậu Giang giàu có văn hóa truyền thống, tài nguyên, các tiềm năng kinh tế - du lịch và sẵn lòng đón nhận các yếu tố ngoại sinh cũng như các công nghệ mới.

Những trải nghiệm và nhận thức mới mà Festival Áo Bà Ba 2023 mang lại khiến chúng ta nhận ra rằng Hậu Giang đã và đang âm thầm xác lập cho mình những câu chuyện và biểu tượng văn hóa - kinh tế từ nền tảng sinh thái vùng. Điều đáng bận tâm là làm sao để chính quyền và nhân dân Hậu Giang có thể quảng bá và phát huy đến cùng các thế mạnh của tỉnh như cách mà người Đài Loan đã làm với quả dứa, người Hàn Quốc đã làm với củ sâm, người Canada đã làm với lá phong, người Na Uy đã làm với cá hồi...

Có thể thấy, sức mạnh kinh tế của Hậu Giang nằm ở câu chuyện sinh thái, đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế bền vững phải luôn song hành với bài toán gìn giữ và cân bằng môi trường. Chắc chắn, khả năng hái ra tiền từ câu chuyện và biểu tượng sinh thái không chỉ là trường hợp của riêng tỉnh Hậu Giang.

Festival Áo Bà Ba diễn ra trong ba ngày (từ 29-9 đến 1-10-2023) tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập tỉnh Hậu Giang (2004-2024) với chủ đề “Phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững”. Festival Áo Bà Ba do UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức với sự hỗ trợ của Công ty VietMode, ISC-Innovation Services Center và Saigon Times Foundation.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới