(KTSG) - Nếu tỷ giá vẫn chịu áp lực và đe dọa kéo theo những bất ổn vĩ mô, bên cạnh giải pháp hút bớt thanh khoản tiền đồng như đang thực hiện, nhà điều hành có thể tăng cường mức độ can thiệp vào thị trường ngoại hối như thế nào?
- Áp lực tỷ giá tăng cao và động thái của Ngân hàng Nhà nước
- Tỷ giá trung tâm lập đỉnh, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có động thái mạnh
Tỷ giá lầm lũi tăng
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy Việt Nam ghi nhận xuất siêu hàng hóa kỷ lục 21,68 tỉ đô la trong chín tháng đầu năm 2023, gấp hơn 3 lần mức xuất siêu 6,9 tỉ đô la của cùng kỳ năm 2022. Nếu trừ đi số nhập siêu dịch vụ trong chín tháng qua là 6,7 tỉ đô la, cán cân thương mại thặng dư 14,98 tỉ đô la, là mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Cũng theo TCTK, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-9-2023 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 20,21 tỉ đô la, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần tăng vọt 47% so với cùng kỳ lên mức 4,83 tỉ đô la. Đáng chú ý là lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong chín tháng qua cũng lên tới 15,91 tỉ đô la, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của chín tháng trong năm năm qua.
Như vậy, chỉ tính riêng ở hoạt động thương mại, giá trị góp vốn mua cổ phần và vốn FDI giải ngân đã mang về lượng ngoại tệ lên đến 35,72 tỉ đô la. Ngoài ra, còn phải kể đến kiều hối luôn là một trong những nguồn cung ngoại tệ lớn từ trước đến nay, cũng như hoạt động du lịch đang tiếp tục xu hướng phục hồi. Báo cáo của TCTK cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam trong chín tháng đầu năm nay ước đạt 8,9 triệu lượt, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước.
Dù cặp tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng có dấu hiệu tăng nhanh hơn gần đây, nhưng nếu so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực, tiền đồng vẫn đang giữ được giá trị nhất định, thậm chí còn tăng giá so với nhiều đồng tiền khác.
Bất chấp nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thị trường ngoại hối thời gian gần đây chịu không ít áp lực với tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn lầm lũi đi lên. Sau khi tăng 219 đồng trong tháng 8, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng tiếp tục tăng 112 đồng trong tháng 9, theo đó so với đầu năm đã tăng hơn 2%. Tương tự, giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại sau khi tăng hơn 420 đồng trong tháng 8, tháng 9 tiếp tục tăng gần 300 đồng, nâng mức tăng so với đầu năm lên 3,5%.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra trên thị trường phi chính thức, với giá đô la Mỹ tự do tăng thêm 270 đồng trong tháng 9, tiếp nối mức tăng đến 480 đồng trong tháng 8. Dù vậy, so với đầu năm nay, giá đô la Mỹ tự do chỉ đang ghi nhận tốc độ tăng 2,8%, thấp hơn mức tăng của giá giao dịch tại các ngân hàng. Đáng lưu ý là trong khi chênh lệch mua bán giá đô la Mỹ tự do chỉ quanh 80-100 đồng, chênh lệch mua bán đô la Mỹ tại các ngân hàng lên đến 300-350 đồng.
Bối cảnh đô la Mỹ tiếp tục tăng mạnh trên thị trường quốc tế, với chỉ số USD Index đã có lúc vượt mốc 107 điểm vào đầu tháng 10 này, theo đó ghi nhận mức tăng xấp xỉ gần 8% tính từ giữa tháng 7 đến nay, phần nào giải thích cho mức tăng mạnh của đô la Mỹ ở thị trường trong nước thời gian qua.
Tuy nhiên, như nhiều phân tích đã chỉ ra, một trong những yếu tố gây áp lực lên tỷ giá trong nước còn đến từ hoạt động đầu cơ ngoại tệ của các tổ chức, khi nhiều ngân hàng dư thừa vốn và tranh thủ cơ hội lướt sóng để ăn chênh lệch lãi suất đô - đồng đã mở rộng quá mức trên thị trường liên ngân hàng, cũng như kỳ vọng tỷ giá tiếp tục đi lên theo xu hướng quốc tế.
Vì vậy, để giải tỏa bớt áp lực và hạn chế hoạt động đầu cơ tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) những tuần gần đây đã chủ động hút bớt thanh khoản tiền đồng ra khỏi hệ thống. Thống kê cho thấy chỉ trong vòng 13 phiên, tính từ ngày 21-9 đến 9-10, NHNN đã phát hành lượng tín phiếu có tổng giá trị 145.700 tỉ đồng, lãi suất từ 0,5 - 1,3%/ năm với kỳ hạn 28 ngày.
Còn giải pháp nào?
Hoạt động trên của nhà điều hành đã góp phần kéo lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng tăng trở lại từ đầu tháng 10 đến nay, với lãi suất qua đêm tăng từ mức dưới 0,2%/năm trước đây lên trên 1%/năm. Đà đi lên của tỷ giá cũng chững lại trên thị trường chính thức, với tỷ giá trung tâm đến ngày 10-10 đang ghi nhận giảm 26 đồng so với đầu tháng, giá giao dịch tại các ngân hàng cũng giảm nhẹ 10 đồng. Dù vậy, giá đô la Mỹ tự do vẫn đang tăng thêm 130 đồng so với tháng 9.
Tín hiệu hạ nhiệt của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế cũng phần nào giảm bớt áp lực lên thị trường ngoại hối trong nước. Tuy nhiên, với chiến sự tại dải Gaza vừa mới nổ ra khi lực lượng Hamas tấn công Irsael, không loại trừ khả năng đô la Mỹ có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, khi nhà đầu tư có xu hướng trú ẩn vào những đồng tiền an toàn trong bối cảnh chiến tranh. Ngoài ra, thông điệp mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục củng cố quan điểm “diều hâu hơn” trong chính sách tiền tệ, theo đó lãi suất cơ bản đô la Mỹ sẽ còn neo cao lâu hơn, cũng đang hỗ trợ cho sự tăng giá của đồng bạc xanh.
Ở trong nước, càng về cuối năm - giai đoạn cao điểm của hoạt động nhập khẩu, nhu cầu ngoại tệ càng gia tăng. Nếu tỷ giá vẫn chịu áp lực và đe dọa kéo theo những bất ổn vĩ mô, bên cạnh giải pháp hút bớt thanh khoản tiền đồng như đang thực hiện, nhà điều hành có thể tăng cường mức độ can thiệp vào thị trường bằng cách bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá, chính sách từng được lựa chọn trong năm 2022.
Cụ thể, trong năm 2022, cơ quan này đã bán ra khoảng 20% dự trữ ngoại hối, xuống còn khoảng 89 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2022, theo ước tính của một số tổ chức. Còn theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối năm 2022 ở mức 86,7 tỉ đô la, giảm khoảng 22,7 tỉ đô la so với cuối năm 2021. Cũng theo IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến tháng 6-2023 đã tăng lên lại 89,24 tỉ đô la, tương đương 15 tuần nhập khẩu, nhờ cán cân thương mại thặng dư nên áp lực tỷ giá chưa phải là quá lớn.
Còn theo chia sẻ từ đại diện NHNN hồi tháng 4 năm nay, cơ quan này đã mua vào 6 tỉ đô la Mỹ tính từ đầu năm. Theo đó, một số tính toán của các công ty chứng khoán trong nước cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên hơn 95 tỉ đô la, cao hơn so với con số thống kê nói trên của IMF. Trong thông cáo mới nhất được công bố ngày 27-9, IMF ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng lên mức 98,7 tỉ đô la vào cuối năm nay và 110,5 tỉ đô la khi kết thúc năm 2024.
Một công cụ khác để kìm hãm đà tăng của tỷ giá là kéo lãi suất tiền đồng đi lên trở lại, nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ, nếu như giải pháp hút bớt thanh khoản dư thừa chưa đủ liều lượng. Dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tăng trưởng chậm, hoạt động của doanh nghiệp khó khăn, mục tiêu giữ ổn định lãi suất và thậm chí kéo giảm thêm có lẽ cần được ưu tiên hơn.
Trong khi đó, xu hướng mất giá của tiền đồng so với đô la Mỹ trong năm nay là điều có thể chấp nhận được, nếu nhìn vào diễn biến đô la Mỹ đã tăng giá quá mạnh trên thị trường quốc tế, cũng như xu hướng giảm giá mạnh của hàng loạt đồng tiền khác trong khu vực so với đô la Mỹ. Dù cặp tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng có dấu hiệu tăng nhanh hơn gần đây, nhưng nếu so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực, tiền đồng vẫn đang giữ được giá trị nhất định, thậm chí còn tăng giá so với nhiều đồng tiền khác.