Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng trung ương châu Á sử dụng công cụ sáng tạo để bảo vệ ngoại hối

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà hoạch định chính sách ở các thị trường mới nổi của châu Á đang chuyển sang sử dụng các công cụ phi truyền thống để bảo vệ đồng nội tệ và dự trữ ngoại hối. Động thái này diễn ra khi họ lo ngại Mỹ sẽ duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài và căng thẳng địa chính trị gia tăng trên toàn cầu.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đang bán trái phiếu như là giải pháp để hút tiền, giúp củng cố đồng rupee, đồng thời giúp hạn chế bán dự trữ ngoại hối. Ảnh: Economic Times

Các đồng tiền châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương khi dòng vốn tháo chạy vì lãi suất chuẩn trong khu vực nhìn chung thấp hơn so với các thị trường mới mới nổi khác trên thế giới, dẫn đến mức chênh lệch lãi suất lớn so với Mỹ.

Sau khi trì hoãn tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương ở châu Á đang can thiệp thông qua thị trường trái phiếu để bảo vệ giá trị đồng nội tệ. Trong tháng này, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) thông báo sẽ bán thêm trái phiếu để thu hút tiền mặt, giúp thúc đẩy giá đồng rupee. Hồi tháng 9, Ngân hàng trung ương Indonesia (BoI) đã phát hành trái phiếu mới để thu hút dòng vốn chảy vào. Trung Quốc đã bán một lượng nợ chính phủ bằng nội tệ kỷ lục ra nước ngoài để tăng nhu cầu đồng nhân dân tệ (NDT).

Eddie Cheung, nhà chiến lược cấp cao về thị trường mới nổi của Credit Agricole CIB ở Hồng Kông, cho biết Indonesia và Ấn Độ đang phát hành thêm trái phiếu có lãi suất cao hơn để khuyến khích dòng vốn đổ vào.

“Đây là cách mới để họ vẫn có thể hỗ trợ đồng nội tệ mà không cần phải sử dụng dự trữ ngoại hối. Đó là giải pháp khá thông minh”, ông nhận xét.

Sử dụng các hoạt động thị trường và bán nợ là một cách để các nhà hoạch định chính sạch tiền tệ ở châu Á thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan khi họ đối mặt với các lựa chọn khó khăn: cho phép đồng tiền suy yếu, sử dụng dự trữ ngoại hối, hoặc tăng lãi suất, khiến kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số đồng đô la Mỹ của Bloomberg đã tăng hơn 6% so với mức thấp nhất trong tháng 7 khi các nhà đầu tư đặt cược rằng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng cao hơn trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ. Đồng thời, chiến sự Ukraine và xung đột Israel-Hamas đang đẩy giá dầu lên cao, thúc đẩy nhu cầu tìm nơi trú ẩn ở đồng bạc xanh.

Triển vọng của các đồng tiền châu Á sẽ tác động lớn đối với các chỉ số thị trường mới nổi toàn cầu. Đồng NDT, rupee của Ấn Độ và rupiah của Indonesia chiếm tỷ trọng 45% trong chỉ số tiền tệ MSCI EM, theo dõi các đồng tiền ở các thị trường mới nổi. Trong khi đó, trái phiếu chính phủ của Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tỷ trọng 22,2% trong chỉ số trái phiếu chính phủ của các thị trường mới nổi do ngân hàng JPMorgan theo dõi.

Dự trữ ngoại tệ Ấn Độ đang giảm, cho thấy RBI đã tăng cường bán dự trữ ngoại hối trong năm nay để củng cố đồng rupee. Gần đây, các nhà hoạch định chính sách của RBI đã tìm thêm cách khác để bảo vệ đồng nội tệ. Tại cuộc họp hồi đầu tháng 10, RBI công kế hoạch bán trái phiếu để hút thêm tiền mặt và hỗ trợ đồng rupee bằng cách tăng lợi suất trái phiếu. Thực tế, RBI đã bán trái phiếu trong thời gian gần đây nhưng chỉ với khối lượng nhỏ.

Các biện pháp mà Ấn Độ áp dụng cho đến nay phần lớn đã thành công vì đồng rupee hầu như không biến động nhiều trong năm nay ngay cả khi hầu hết các đồng tiền ở các thị trường mới nổi khác đều suy yếu.

BoI bắt đầu bán trái phiếu bằng đồng nội tệ vào giữa tháng 9 với mục tiêu thu hút thêm dòng vốn chảy vào đất nước. Động thái này diễn ra khi Indonesia chứng kiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1,1 tỉ đô la trái phiếu của chính phủ Indonesia vào tháng trước, mức cao nhất trong gần một năm.

Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược tại của ngân hàng Mizuho Bank, nhận định các biện pháp của Ấn Độ và Indonesia là sự bổ sung rất sáng tạo để hỗ trợ tiền tệ, giúp hạn chế sử dụng dự trữ ngoại hối.

Trung Quốc đang sử dụng một loạt các biện pháp để củng cố đồng NDT. Trong tuần này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) xác nhận đã phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng NDT trị giá 26 tỉ NDT (3,6 tỉ đô la) trong quí này, nâng giá trị trái phiếu bán trong năm 2023 lên mức kỷ lục 55 tỉ NDT. Các nhà đầu tư xem mục tiêu chính của các đợt phát hành trái phiếu của Trung Quốc là nhằm hỗ trợ đồng NDT bằng cách tăng nhu cầu về đồng tiền này.

Tháng trước, PBoC đã can thiệp vào thị trường đồng NDT ở nước ngoài, làm tăng chi phí cho các ngân hàng vay mượn NDT của nhau ở Hồng Kông, khiến hoạt động bán khống trở nên kém hấp dẫn.

Tuy nhiên, một số biện pháp này có những mặt hạn chế. Trong trường hợp của Trung Quốc, các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu của chính phủ Trung Quốc đang gặp khó khăn hơn trong việc phòng ngừa rủi ro khi lãi suất vay đồng NDT ở nước ngoài tăng.

Robert Samson, đồng giám đốc bộ phận đa tài sản toàn cầu của Nikko Asset Management, nói: “Trái phiếu Trung Quốc đột nhiên không còn hấp dẫn đối với chúng tôi khi PBoC đột ngột tăng lãi suất vay NDT ở nước ngoài”.

Mặc dù các biện pháp sáng tạo nói trên không thể thay thế hoàn toàn biện pháp bán dự trữ ngoại hối để củng cố đồng nội tệ, nhưng chúng giúp các ngân hàng trung ương ở châu Á giảm số ngoại tệ cần bán.

Hầu hết các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi ở châu Á đều có tỷ lệ thanh toán nhập khẩu, tức số tháng nhập khẩu mà dự trữ ngoại hối có thể chi trả, cao hơn nhiều so với quy tắc truyền thống là ba tháng.

“Dự trữ ngoại hối đầy đủ không phải là mối lo ngại ở hầu hết các nước châu Á. Có sự chênh lệch về mức dự trữ ngoại hối ở các nước trong khu vực, nhưng phần lớn chúng đều vượt quá các tiêu chuẩn an toàn”, Arindam Sandilya, người đứng đầu chiến lược thị trường địa phương châu Á mới nổi của Ngân hàng JPMorgan Chase ở Singapore, nhận xét.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới