(KTSG Online) - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội, đó là tăng mỗi tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng.
- Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao, ngành nào cắt giảm nhân viên nhiều nhất?
- Công nhân Pouyuen nhận trợ cấp thôi việc trong tháng 9, cao nhất 370 triệu đồng/người
Theo TTXVN, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung về chính sách trợ cấp xã hội đối với nhóm người thuộc diện bảo trợ xã hội. Trong đó, đối với phương án 1, mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng, tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Với phương án này thì kinh phí thực hiện một năm sẽ khoảng 37.113 tỉ đồng, tăng hơn so với mức hiện tại là 9.465 tỉ đồng.
Với phương án 2, bộ đề xuất nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Khi đó, tổng kinh phí thực hiện khoảng 54.000 tỉ đồng/năm.
Dự kiến, nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Năm 2024, ngân sách nhà nước bố trí thêm khoảng 13.100 tỉ đồng so với năm 2023.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn phương án 1, tức nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 500.000 đồng/tháng. Cơ quan này lý giải, mức này sẽ đảm bảo thực hiện lộ trình trong mối tương quan với các chính sách xã hội khác.
Từ năm 2018 đến nay, nhóm người hưởng chính sách thường xuyên tăng từ 2,863 triệu người (chiếm 2,95% dân số) lên thành 3,718 triệu người vào năm 2023.