Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hai thương vụ thâu tóm 110 tỉ đô la báo hiệu dầu mỏ chưa hết thời?

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – ExxonMobil và Chevron, hai tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ, đang theo đuổi các thương vụ thâu tóm với tổng giá trị hơn 110 tỉ đô la Mỹ. Động thái của họ dường như cho thấy ngành công nghiệp dầu mỏ tin rằng nhu cầu dầu và khí đốt vẫn mạnh mẽ trong nhiều năm tới. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng họ cần củng cố sức mạnh cạnh tranh thông qua thâu tóm để ứng phó rủi ro nhu cầu nhiên liệu hóa thạch suy giảm nhanh chóng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

ExxonMobil và Chevron dự định chi tổng cộng hơn hơn 110 tỉ đô la Mỹ để thâu tóm các đối thủ. Ảnh: Energy Now

Ngành dầu mỏ đặt cược lớn về nhu cầu tương lai

Trong vài tuần qua, ExxonMobil và Chevron công bố kế hoạch chi những khoản tiền khổng lồ để thâu tóm các đối thủ trong ngành. Đầu tiên, vào hôm 11-10, ExxonMobil xác nhận đã đồng ý mua lại nhà sản xuất dầu khí đá phiến Pioneer, với giá 59,5 tỉ đô la Mỹ trong một giao dịch hoán đổi cổ phiếu. Thương vụ dự kiến hoàn tất vào nửa đầu năm 2024. Chưa đầy hai tuần sau đó, Chevron cho biết sẽ chào mua nhà sản xuất dầu khí Hess Corp., có trụ sở ở New York, với giá 53 tỉ đô la.

Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nhận định sự trở lại của thỏa thuận lớn về dầu mỏ là minh chứng cho thấy rằng tương lai của công nghiệp sản xuất nhiên liệu hóa thạch vẫn sáng sủa. Quan điểm của ông, được nhiều người trong lĩnh vực dầu mỏ đồng tình, là tại sao Chevron và ExxonMobil lại chi tổng cộng hơn 110 tỉ đô la để mua lại Hess và Pioneer nếu họ cho rằng nhu cầu dầu có nguy cơ suy giảm?

“Tôi không nghĩ ai đó sẽ mua một tài sản mà họ sẽ phải đóng băng và không sử dụng đến nó”, Hoàng tử Abdulaziz phát biểu tại một hội nghị ở Saudi Arabia hôm 24-10.

Mike Wirth, CEO của Chevron, nhấn mạnh nhu cầu dầu mỏ sẽ chưa sớm đạt đỉnh. Ông nói, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) không “hoàn toàn đúng” khi cho rằng nhu cầu của tất cả nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả dầu và khí đốt, sẽ đạt đỉnh vào trước cuối thập niên này và sau đó suy giảm vĩnh viễn.

“Bạn có thể xây dựng các kịch bản dự báo, nhưng chúng ta đang sống trong thế giới thực và cần phải phân bổ vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu của thế giới thực”, ông nói với tờ Financial Times trong cuộc phỏng vấn vào tháng trước.

Ngành công nghiệp dầu mỏ đang lấy lại sự tự tin sau khi vấp phải trở lực từ mọi phía trong những năm gần đây, từ các nhà hoạt động môi trường đến các nhà đầu tư không chắc chắn về tương lai lâu dài của dầu mỏ. Hai tuần trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nơi Saudi Arabia giữ vai trò dẫn dắt, dự báo rằng thay vì đạt đỉnh, nhu cầu dầu từ nay đến năm 2045 sẽ tăng khoảng 15% để đạt 116 triệu thùng/ngày.

IEA bị chỉ trích

Các nước thành viên của OPEC cáo buộc IEA, tổ chức giám sát thị trường dầu mỏ đại diện cho các nước phương Tây, có xu hướng chính trị hóa và đổ lỗi IEA đã gây ra biến động trên thị trường dầu mỏ.

Các nhà sản xuất dầu mỏ của OPEC không tin nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh ít nhất là trong vài chục năm tới. Các bộ trưởng năng lượng và giám đốc điều hành dầu mỏ ở OPEC có thể không hoàn toàn thoát khỏi thành kiến khi dự báo về nhu cầu nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, tin tức về các vụ thâu tóm đình đám đến từ các công ty năng lượng lớn nhất nước Mỹ.

Những ý kiến đối lập cho rằng kế hoạch chi tiêu thâu tóm rầm rộ của Chevron và ExxonMobil không mở ra một kỷ nguyên dầu mỏ kéo dài, mà thay vào đó, phản ánh thời đại mới của sự bất ổn của thị trường năng lượng.

Mở rộng quy mô kinh doanh trước một tương lai đầy nghi vấn có thể là một thế trận phòng thủ của các ‘ông lớn’ dầu mỏ. Các công ty dầu mỏ độc lập nhỏ hơn dường như sẵn lòng bán tài sản. Trong khi đó, nhà sản xuất lớn sẽ không nhất thiết bị thiệt hại nặng nề nếu nhu cầu sụt giảm vì họ có thể khai thác dầu hiệu quả hơn các đối thủ sau khi tiến hành các thương vụ thâu tóm khổng lồ.

Các nhà phân tích đánh giá, thương vụ thâu tóm Pioneer sẽ cải thiện hiệu quả sản xuất của ExxonMobil vì cả hai đều có các hoạt động khai thác rộng lớn bồn chảo Permian, khu vực dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ.

Sự không chắc chắn về tương lai của thị trường dầu tạo ra nỗi sợ hãi. Fatih Birol, người từng làm việc cho OPEC, bị một số người trong thế giới dầu mỏ miêu tả là “kẻ phản bội” kể từ khi lập luận vào năm 2021 rằng không cần phát triển dầu khí mới nếu thế giới muốn đạt mục tiêu ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng không quá mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Thỏa thuận khí hậu Paris.

Dù vậy, IEA vẫn kiên định lập trường. Trong tuần này, IEA đã công bố các kịch bản dự báo hàng năm về nhu cầu dầu. IEA cho biết, nếu các chính phủ tuân thủ các chính sách hiện tại, nhu cầu dầu vẫn đạt đỉnh trong thập niên này nhờ sự trỗi dậy nhanh chóng của xe điện ở Trung Quốc. Nhưng cơ quan này cũng lưu ý trong kịch bản đó, mức tiêu thụ dầu sẽ không giảm đáng kể, và chủ yếu đi ngang trong 30 năm tới.

Trong kịch bản mà các chính phủ tuân thủ các cam kết về môi trường đã được đưa ra, nhưng chưa thể hiện đầy đủ dưới dạng chính sách, bức tranh thị trường dầu sẽ thay đổi đáng kể. Theo IEA, trong kịch bản này, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm gần một nửa vào năm 2050 so với hiện nay, chỉ còn 55 triệu thùng/ngày.

Trong kịch bản dự báo tham vọng nhất của IEA, nếu các chính phủ nghiêm túc với mục tiêu khống chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C, nhu cầu dầu trên thực tế sẽ sụp đổ trong 25 năm tới, giảm xuống còn khoảng 25% so mức hiện tại.

Nhu cầu năng lượng xanh đạt đỉnh trước?

Tất nhiên, dự báo của IEA có thể sai lầm nghiêm trọng nếu các chính phủ ngày càng mệt mỏi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi người dân của họ cho rằng vấn đề này quá phức tạp hoặc tốn kém.

Nhưng phạm vi rộng và sự không chắc chắn của các kịch bản dự báo của IEA cung cấp một cái nhìn sơ bộ về con đường gập ghềnh sắp tới của ngành công nghiệp dầu mỏ.

Thực tế là dầu khí đang mang lại lợi nhuận trên vốn cao hơn năng lượng tái tạo, ngay cả khi lĩnh vực nhận được những khoản trợ cấp xanh khổng lồ của các chính phủ. Đây là lý do tại sao BP và Shell giảm quy mô đầu tư vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch.

Các dự án điện gió xa bờ trên khắp thế giới đang bị loại bỏ hoặc trì hoãn vì chủ đầu tư dự kiến chúng sẽ không mang lại lợi nhuận trong bối cảnh lãi suất và chi phí vật liệu cao hơn. Hai hãng xe Ford và General Motors của Mỹ đang đặt kế hoạch sản xuất xe điện ở trạng thái trung lập trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng chậm lại. Tesla gần đây cũng đã hủy bỏ kế hoạch mở rộng sản xuất.

Nhu cầu về năng lượng xanh và xe điện có thể đạt đỉnh sớm hơn nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch. Dân số và nhu cầu năng lượng đang tăng chủ yếu ở các nước thu nhập thấp. Người dân ở Nigeria sẽ không lái xe Tesla hay cung cấp năng lượng cho ngôi nhà của họ bằng các tấm pin mặt trời. Chi phí cao và những thách thức về công nghệ cũng hạn chế việc triển khai rộng rãi năng lượng xanh và xe điện ở các nước giàu có.

Theo Financial Times, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới