Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nền kinh tế số Đông Nam Á dự kiến đạt 100 tỉ đô la doanh thu trong năm 2023

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bất chấp các bất ổn vĩ mô toàn cầu, các nền kinh tế số của Đông Nam Á dự kiến đạt tổng giá trị giao dịch hàng hóa và dịch vụ 218 tỉ đô la Mỹ và tổng doanh thu 100 tỉ đô la trong năm 2023, theo báo cáo chung của Google, Temasek và Bain & Company, công bố hôm 1-11.

Thanh toán kỹ thuật số bao gồm quét mã QR đang tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á. Ảnh: Jakarta Post

“Đông Nam Á đã vượt qua những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô toàn cầu với khả năng chống chịu cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Niềm tin của người tiêu dùng trong khu vực bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm 2023 sau khi giảm xuống mức thấp hơn trong nửa đầu năm 2023”, báo cáo ghi nhận.

Báo cáo thường niên của Google, Temasek và Bain & Company phân tích năm lĩnh vực chính của nền kinh tế số Đông Nam Á gồm thương mại điện tử, du lịch, thực phẩm và vận chuyển, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Báo cáo chỉ đề cập sáu nền kinh tế lớn trong khu vực Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Nếu tính theo thước đo tổng giá trị giao dịch hàng hóa và dịch vụ (GMV), nền kinh tế số Đông Nam Á dự kiến đạt giá trị 218 tỉ đô la, tăng 11% so với năm 2022. Báo cáo tiết lộ doanh thu của nền kinh tế số Đông Nam Á dự kiến đạt 100 tỉ đô la trong năm nay, tăng nhanh hơn 1,7 lần so với tốc độ tăng trưởng GMV của khu vực. Điều này là do các công ty đang chuyển trọng tâm từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang lợi nhuận, trong nỗ lực xây dựng hoạt động kinh doanh “lành mạnh”.

“Nền kinh tế số của Đông Nam Á thực sự đang bước vào giai đoạn chuyển hướng chưa từng có hướng tới lợi nhuận”, Fock Wai Hoong, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của Temasek, quỹ đầu tư chính phủ Singapore, nhận xét trong cuộc trao đổi với CNBC.

Theo ông, các công ty và doanh nhân trong khu vực đang nhận ra rằng cách tốt nhất để phát triển không phải là bằng mọi giá mà chuyển tiếp nhanh nhất có thể qua giai đoạn tăng trưởng để hướng tới sự bền vững tài chính.

Đông Nam Á có hơn nửa tỉ người, với dân số trẻ, sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi và tầng lớp trung lưu đang phát triển, giúp khu vực này trở thành một trong những thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới.

Theo báo cáo, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025, nhanh nhất Đông Nam Á và đang trên đà đạt giá trị 45 tỉ đô la vào năm 2025.

“Việc tập trung vào giải quyết vấn đề khoảng cách tham gia kỹ thuật số và kiên quyết xóa bỏ các rào cản để cho phép nhiều người Đông Nam Á trở thành người dùng tích cực các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số sẽ giúp khu vực mở ra sự tăng trưởng hơn nữa trong thập niên kỹ thuật số”, Sapna Chadha, Phó chủ tịch Google phụ trách khu vực Đông Nam Á, cho biết trong báo cáo.

Báo cáo lưu ý, các nền tảng thương mại điện tử của Đông Nam Á đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút người dùng có giá trị cao, tăng quy mô giao dịch cũng như tìm kiếm các nguồn doanh thu như dịch vụ quảng cáo và giao hàng để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Tổng giá trị giao dịch hàng hóa của lĩnh vực này ước tính sẽ đạt 186 tỉ đô la vào năm 2025, tăng từ mức 139 tỉ đô la trong năm 2023.

Nhóm người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng đầy đủ đang tham gia vào nền kinh tế số của khu vực. Xu hướng này giúp lĩnh vực vay kỹ thuật tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm phần lớn doanh thu trị giá 30 tỉ đô la từ các dịch vụ tài chính kỹ thuật số của Đông Nam Á dự kiến trong năm nay. Singapore được dự báo sẽ là thị trường cho vay kỹ thuật số lớn nhất trong khu vực đến năm 2030.

“Thanh toán kỹ thuật số tiếp tục phát triển ở Việt Nam nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, đầu tư từ các ngân hàng thương mại và sự phổ biến rộng rãi của mã phản hồi nhanh (QR)”, báo cáo cho biết.

Xu hướng này dự kiến tăng tốc khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Theo báo cáo, nhờ sự phục hồi sau Covid-19, các dịch vụ du lịch và vận chuyển dựa trên nền tảng trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào năm 2024. Dù hoạt động ăn uống trực tiếp tại các nhà hàng đã trở lại bình thường và các nền tảng cắt giảm các chương trình khuyến mãi, doanh thu giao đồ ăn, thuộc lĩnh vực vận chuyển, ở Đông Nam Á dự kiến đạt 800 triệu đô la trong năm 2023, tăng 60% so với một năm trước. Với mức tăng trưởng dự kiến 85% so với năm ngoái, dịch vụ du lịch trực tuyến là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Thái Lan trong năm 2023.

Tổng giá trị giao dịch ở lĩnh vực truyền thông trực tuyến của Đông Nam Á dự báo tăng lên 26 tỉ đô la trong năm nay, cao hơn 10% so với năm ngoái. Quảng cáo và phát video trực tiếp dự kiến sẽ vẫn là động lực tạo doanh thu dài hạn khi lĩnh vực này hướng tới 34 tỉ đô la giá trị giao dịch vào năm 2025.

Báo cáo cho biết, nguồn tài trợ tư nhân cho các lĩnh vực liên quan đến kinh tế kỹ thuật số ở khu vực Đông Nam Á giảm xuống mức năm 2017 từ mức cao kỷ lục vào năm 2021. Nhưng dự trữ tiền mặt cho đầu tư ở các lĩnh vực này vẫn tăng bất chấp các nhà đầu tư ngày càng trở nên thận trọng. Theo báo cáo, các nhà đầu tư mạo hiểm có sẵn 15,7 tỉ đô la để thúc đẩy các giao dịch vào cuối năm 2022, so với 12,4 tỉ đô la vào cuối năm 2021.

“Điều này cho thấy có sẵn nhiên liệu để thúc đẩy nền kinh tế số của Đông Nam Á chuyển sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo”, báo cáo nhận định.

 Theo Reuters, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới