Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bảo vệ quyền nhân thân khi tác giả qua đời – dễ mà khó

Nguyễn Thái Hải Lâm(*) - Nguyễn Ngô Thành Danh(**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm là hai nhánh quyền hợp thành quyền tác giả. Trong khi quyền nhân thân bảo vệ cho các lợi ích tinh thần của tác giả thì quyền tài sản đảm bảo họ được hưởng các lợi ích vật chất thông qua việc khai thác tác phẩm. Bằng việc ghi nhận các quyền lợi này, pháp luật khuyến khích hoạt động sáng tạo, làm giàu kho trí thức chung của nhân loại.

Hai cơ chế vận hành độc lập

Hai nhánh quyền - nhân thân và tài sản - nêu trên tuy song hành nhưng có “tuổi thọ” và mối liên kết khác nhau trong quan hệ với tác giả. Quyền tài sản được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả, cộng thêm 50 năm sau khi tác giả chết. Trong một số trường hợp cá biệt, tùy vào loại hình tác phẩm và thời điểm công bố mà thời hạn bảo hộ có thể là 75 năm kể từ ngày công bố hoặc lên đến 100 năm kể từ ngày định hình tác phẩm.

Bên cạnh đó, những quyền tài sản này có thể được bán, chuyển giao hay cho người khác sử dụng, kèm theo ràng buộc về không gian, thời gian. Ngược lại, quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn, gắn liền với tác giả và không thể chuyển giao cho người khác, trừ quyền công bố và đặt tên tác phẩm.

Ví dụ, tiểu thuyết “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi xuất bản lần đầu năm 1957. Tác giả đã mất vào năm 1989, nếu áp dụng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (Luật SHTT) thì việc bảo hộ các quyền tài sản sẽ được chấm dứt vào năm 2039. Tuy nhiên, các quyền nhân thân của ông đối với “đứa con tinh thần” vẫn được pháp luật bảo vệ vô thời hạn. Vì vậy, người khác không thể tùy ý thay đổi tên tác phẩm, xóa bỏ tên tác giả hay cắt xén, sửa đổi dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của nhà văn, kể cả khi ông đã qua đời.

Bảo hộ vĩnh viễn quyền nhân thân: diễn ngôn và thực tế

Có thể thấy rằng, quyền nhân thân và cụ thể hơn là quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm vẫn được duy trì, kể cả khi tác giả chết. Tuy nhiên, với đặc tính là không thể chuyển giao - kể cả cho người thừa kế, thì khi tác giả qua đời, việc thực thi các quyền nhân thân này có thể gặp không ít cản trở. Cụ thể hơn, những quyền lợi này bị người khác xâm phạm thì ai sẽ là người đứng ra xử lý và bảo vệ chúng, cũng như bằng biện pháp gì?

Khoản 2 điều 198 Luật SHTT có đưa ra một giải pháp. Theo đó, “tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả… có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền quy định tại khoản 4 điều 19… của luật này”. Tuy nhiên, đây là giải pháp chưa triệt để.

Một mặt, điều luật chỉ nói đến những hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, còn những quyền nhân thân khác thì bỏ ngỏ. Có thể nhà làm luật đã nghĩ rằng những quyền nhân thân khác (như quyền đặt tên cho tác phẩm và quyền đứng tên trên tác phẩm) ít bị tranh chấp hơn so với việc bảo vệ sự toàn vẹn nên không cần thiết phải điều chỉnh?

Mặt khác, người được trao quyền đứng ra xử lý được xác định là người thừa kế quyền tác giả. Nhưng ai sẽ được coi là người thừa kế quyền tác giả, đặc biệt là khi tác giả đã chuyển một phần hoặc toàn bộ quyền tài sản của mình cho người khác khi còn sống. Khi đó, chủ thể nhận chuyển giao các quyền tài sản có được yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với hành vi xâm phạm quyền nhân thân hay không? Hay đây là “độc quyền” dành cho người thừa kế và liệu họ có muốn thực hiện quyền trong khi bản thân không có bất kỳ lợi ích thiết thực nào?

Minh họa cho trường hợp nêu trên, một cuốn tiểu thuyết được tác giả chuyển giao quyền làm tác phẩm phái sinh cho nhà sản xuất phim A và chuyển giao quyền sao chép, in ấn, mua bán và các quyền tài sản khác cho nhà xuất bản B. Khi tác giả qua đời, tác phẩm bị cắt ghép, sửa chữa gây ảnh hưởng đến uy tín tác giả. Khi đó, ai sẽ là người có quyền đứng ra xử lý vi phạm: người thừa kế của tác giả hay người nắm giữ các quyền tài sản? Liệu người thừa kế của tác giả có động lực để làm trong khi họ hầu như không được lợi gì từ việc này? Trường hợp họ không thực hiện quyền, nhà sản xuất phim A hay nhà xuất bản B có thể thực hiện quyền hay không (vì đâu đó hành vi xâm phạm này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi mà họ đang hưởng)?

Một vấn đề khác nằm ở quyền năng mà nhà làm luật trao cho người thừa kế. Theo đó, người thừa kế không được trực tiếp thực hiện mọi biện pháp xử lý như tác giả khi còn sống mà chỉ được phép “yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền”. Quy định trên vừa thừa lại vừa thiếu.

Thừa ở chỗ, nếu chỉ là quyền yêu cầu cơ quan nhà nước đứng ra xử lý, thì đây là quyền của mọi người chứ không chỉ riêng của người thừa kế. Bởi lẽ, chính đoạn đầu tiên của khoản 2 điều 198 Luật SHTT hiện hành đã nói rõ “tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Mặt khác, quy định trên thiếu sót ở chỗ nó đã bỏ qua khả năng áp dụng các biện pháp xử lý khác, như thương lượng, đòi bồi thường thiệt hại và quyền áp dụng các chế tài khác. Hãy thử hình dung, con của tác giả - người được thừa kế quyền tài sản đối với một tác phẩm - lại không thể trực tiếp thương lượng với bên xâm phạm quyền nhân thân của cha mình, không thể buộc người vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại, mà chỉ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước can thiệp?! Rõ ràng, nếu không cho phép người thừa kế được yêu cầu bồi thường, hoặc ít nhất là bồi hoàn các chi phí đã bỏ ra để theo đuổi vụ tranh chấp, thì họ sẽ thiếu động lực kinh tế để bảo vệ quyền nhân thân của tác giả.

Lối ra nào cho việc bảo vệ quyền nhân thân sau khi tác giả qua đời?

Chúng tôi cho rằng, điều luật hướng tới việc bảo vệ quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm khi họ qua đời là một ý tưởng tốt. Thoạt nhìn, quy định hiện hành cũng có phần hợp lý. Bởi lẽ điều luật hướng đến bảo vệ quyền nhân thân (tinh thần) của tác giả chứ không phải của người thừa kế. Bản thân người thừa kế không được hưởng những quyền nhân thân này nên không thể đứng ra trực tiếp xử lý hay yêu cầu người khác bồi thường. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó thì có thể sẽ gây ra vấn đề khó khăn trong khi thực thi quyền như trên.

Theo kinh nghiệm ở những nước có truyền thống bảo hộ quyền tác giả cho thấy, việc thừa kế quyền nhân thân là một giải pháp có thể được cân nhắc. Ví như ở đoạn 4 của điều L121-1 Bộ luật về quyền SHTT của Cộng hòa Pháp ghi rõ “Quyền nhân thân có thể được chuyển nhượng, do cái chết của tác giả, cho những người thừa kế của tác giả”.

Tương tự, pháp luật quyền tác giả của Đức thừa nhận rằng các quyền nhân thân có thể chuyển giao bằng con đường thừa kế(1), như là một ngoại lệ của nguyên tắc không thể chuyển giao quyền tác giả. Khi đó, người được tác giả chỉ định theo pháp luật về thừa kế sẽ được coi là người nắm giữ toàn bộ các quyền mà tác giả có(2).

Song, để đảm bảo rằng việc thực thi quyền có thể bám sát với các giá trị và mong muốn mà tác giả đã thể hiện khi họ còn sống - mục đích của các quyền nhân thân - thì việc thực thi quyền của người thừa kế cũng có thể được đặt dưới sự giám sát của toà án.

Với tính chất là một quan hệ dân sự và ít khi ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, sẽ hợp lý hơn nếu pháp luật cân nhắc trao quyền cho các bên thay vì để các cơ quan nhà nước đứng ra can thiệp và xử lý như pháp luật hiện hành. Điều này chẳng những giúp bảo vệ quyền nhân thân của tác giả hiệu quả hơn mà còn tiết kiệm chi phí và các nguồn lực xã hội.

(*) Luật sư cộng tác tại Văn phòng Luật sư NGUYỄN & TRẦN

(**) Chuyên viên pháp lý tại Văn phòng Luật sư PHAN LAW VIETNAM

(1) Điểm 2 Mục 28 Đạo luật về Quyền tác giả và các Quyền liên quan của Liên Bang Đức.

(2) Mục 30 Đạo luật về Quyền tác giả và các Quyền liên quan của Liên Bang Đức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới