(KTSG Online) - Các công ty cho vay vi mô (vay tiêu dùng) ở Campuchia đang bị chỉ trích sau khi có báo cáo về những vụ tự tử của người dân trốn nợ vì lâm đường cùng, các hộ nghèo phải bán đất hoặc bắt trẻ em trong độ tuổi đi học đi làm để trả nợ. Không chỉ các công ty tài chính, các tổ chức cấp giấy chứng nhận cho các công ty này và những định chế tài chính quốc tế cũng bị vạ lây.
- Các tập đoàn Nhật Bản đổ xô vào thị trường tài chính tiêu dùng Indonesia
- Gỡ khó cho thị trường tài chính tiêu dùng
Hiện có đến 2,89 triệu người trên tổng số dân 17 triệu người của Campuchia đang mắc nợ. Ngành tài chính vi mô ở đây có tổng giá trị 14 tỉ đô la Mỹ, nhưng Campuchia lại đứng đầu thế giới về số nợ tính theo đầu người. Một trong những nguyên nhân là do công ty tài chính thiếu phân tích dòng tiền để xem người vay có thể sau khi vay xong có thể trả được nợ hay không. Bên cạnh đó là những điều khoản không chặt chẽ trong việc "đòi nợ" đã khiến các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB) phải nhìn lại rằng, liệu họ có “tiếp tay cho ác”.
IFC phải nhìn lại hoạt động của mình
Tháng 8-2023, cơ quan giám sát của Công ty tài chính quốc tế (IFC) thuộc WB đã mở cuộc điều tra về việc liệu IFC đã không tiến hành thẩm định một cách nghiêm túc trước khi đầu tư vào sáu công ty tài chính vi mô của Campuchia hay không. Đây là 6 công ty đang kiểm soát 75% thị trường tài chính vi mô của nước này.
Cuộc điều tra diễn ra sau khi IFC nhận được đơn tố cáo vào tháng 5-2023 từ hai tổ chức phi chính phủ tại Campuchia - đại diện cho “những nạn nhân bị ảnh hưởng”. Theo hai tổ chức này, IFC đã cấp hơn 400 triệu đô la cho sáu công ty là ACLEDA, Hattha Bank, Sathapana Bank, Amret, LOLC và Prasac – trong năm năm qua. IFC đã tài trợ cho sáu công ty này thông qua các khoản vay trực tiếp, các khoản vay hợp vốn, đầu tư cổ phần và các khoản vay từ các quỹ được hỗ trợ. Cả sáu công ty này đang đối mặt với các cáo buộc cho vay nặng lãi.
Cuộc điều tra của IFC đã làm dấy lên mối lo ngại ngày càng tăng về cơ chế quản lý yếu kém và việc thực thi lỏng lẻo các tiêu chuẩn bảo vệ khách hàng của ngành tài chính tiêu dùng Campuchia.
Cuộc điều tra của IFC diễn ra chỉ một tháng trước khi nhóm giám sát của chính phủ Hà Lan nhận được các cáo buộc tương tự chống lại nhà đầu tư xã hội Oikocredit.
Điều đáng nói, hai công ty tài chính của Campuchia có tên trong cả hai đơn khiếu nại là Amret và LOLC - đã được chứng nhận là cung cấp mức độ bảo vệ khách hàng cao nhất theo các tiêu chuẩn toàn cầu do tổ chức Cerise và Lực lượng Đặc nhiệm hiệu quả xã hội (SPTF) đưa ra.
Một vòng luẩn quẩn thiếu minh bạch
Các nhà đầu tư, ngân hàng phát triển của các nước giàu và các định chế tài chính cho biết, họ buộc phải có những chứng nhận như vậy để quyết định các khoản vay ưu đãi, trị giá hàng chục triệu đô la cho các công ty tài chính. Tuy nhiên, giấy chứng nhận của bốn trong sáu công ty lớn nói trên đã được xem xét vào mùa hè này, sau khi có nhiều người dân quyết định tự vẫn vì không thể trả nợ các khoản vay tiêu dùng.
Quá trình cấp giấy chứng nhận bao gồm phân tích chính sách của các tổ chức cho vay vi mô dựa trên hàng chục "chỉ số" bảo vệ khách hàng. Cơ quan cấp giấy cũng phỏng vấn các thành viên hội đồng quản trị và nhân viên của họ, bên cạnh đó, các chuyến thăm thực địa bất ngờ và phỏng vấn người vay - với sự có mặt của nhân viên công ty tài chính. Còn theo CEO Laura Foose của SPTF, quá trình cấp giấy chứng nhận rất đắt với khoảng 12.000 – 15.000 đô la cho mỗi giấy chứng nhận.
Chuyên gia tư vấn Daniel Rozas, cựu thành viên hội đồng quản trị của SPFT cho rằng, các chứng chỉ hiện tại không còn là thước đo đủ để đánh giá các công ty tài chính ở Campuchia vốn “chỉ nói miệng”, mà không thực thi.
Kể từ năm 2018, nợ cho vay vi mô ở Campuchia được cho là đã tăng gấp đôi từ 8 tỉ đô la lên 16 tỉ đô la, Hiệp hội Tài chính vi mô Campuchia cũng mở rộng thành 120 hội viên. Các công ty đang chạy theo lợi nhuận khiến các hành vi vô trách nhiệm gia tăng, ngay cả các công ty được xem là đàng hoàng.
Naly Pilorge, giám đốc phụ trách tiếp cận nạn nhân của tổ chức phi chính phủ Licadho ở Campuchia cho biết, các chứng nhận chỉ là tờ giấy đóng mộc. Bà cảnh báo các nhà tài trợ rằng, nếu chỉ dựa vào tờ giấy như vậy thì có thể làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực tài chính vi mô của Campuchia mà thôi.
Hồi đầu năm 2023, cơ quan xếp hạng tín dụng M-CRIL đã cấp chứng nhận “vàng” cho Amret vì tin rằng “hệ thống bảo vệ khách hàng của Amret rất mạnh mẽ”, giám đốc Frances Sinha của M-CRIL nói. Cơ quan này cấp chứng nhận cao nhất cho AMK vào tháng 7 vừa rồi. Một tháng sau, AMK nhận được khoản vay 15 triệu đô la từ ngân hàng phát triển của Bỉ, và giấy chứng nhận vàng trên được đưa vào xem xét.
Một nghiên cứu hồi tháng 8 của tố chức Licadho cho thấy, tại một tỉnh của Campuchia có hơn một phần tư số người đi vay (từ các công ty có giấy chứng nhận) nói rằng, họ đã dùng hơn 70% thu nhập của mình để trả nợ. Tức là điều này đã vi phạm các tiêu chuẩn đã định ra.
Những cơ quan thiết lập tiêu chuẩn như Cerise và SPTF kêu gọi các nhà đầu tư “kiên nhẫn ở lại và giúp giải quyết các vấn đề” ở Campuchia, đồng thời kêu gọi các công ty tài chính vi mô “nêu cao tinh thần bảo vệ khách hàng”.
Tài chính vi mô là việc cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp các khoản vay nhỏ (gọi là tín dụng vi mô), nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ. Tài chính vi mô thường kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác như tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, vì những người nghèo, người có thu nhập thấp có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm tài chính, nhưng khó tiếp cận được các thể chế tài chính chính thức.
Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ, theo Ngân hàng Nhà nước.
Theo Nikkei Asia