Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thụy Sĩ, Singapore dẫn đầu thế giới về thu hút nhân tài

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thụy Sĩ và Singapore một lần nữa duy trì vị trí thứ 1 và thứ 2 trong Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu năm 2023 (GTCI 2023) của Viện quản trị kinh doanh châu Âu (INSEAD), có trụ sở tại Pháp.

Báo cáo GTCI 2003 của INSEAD chỉ ra một thực tế rằng các nền kinh tế giàu có khả năng thu hút nhân tài vượt trội so với các nền kinh tế đang phát triển. Ảnh: Insead.edu

Báo cáo thường niên của INSEAD lưu ý rằng Thụy Sĩ đã giữ ngôi vương trong 10 năm liên tiếp về cạnh tranh thu hút nhân tài khi nước này được hưởng lợi từ mức độ bảo vệ xã hội cao và chất lượng môi trường tự nhiên cao.

Tương tự, Singapore cũng giữ vững vị trí thứ 2 nhờ lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và nền kinh tế đổi mới. Đứng ở vị trí thứ 3 trong chỉ số GTCI 2023 là Mỹ, nước đã tiến lên một bậc so với bảng xếp hạng năm 2022.

Phối hợp với Viện Tương lai Descartes (Thụy Sĩ) và Viện Lãnh đạo nguồn vốn con người (Singapore), hàng năm, INSEAD chấm điểm cách 134 nước thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài của họ. Mười nước dẫn đầu vẫn ổn định điểm số trong thập niên qua, trong đó, Thụy Sĩ và Singapore liên tục đứng đầu bảng xếp hạng với tư cách là “những nước dẫn đầu rõ ràng”.

“Trong thập niên qua, chúng tôi đã nhận thấy mối liên hệ chắc chắn giữa sự giàu có của một quốc gia và khả năng cạnh tranh nhân tài của quốc gia đó. Các nền kinh tế giàu hơn tiếp tục vượt trội so với các nền kinh tế nghèo hơn (trong thu hút nhân tài)”, báo cáo cho biết thêm.

Các nước châu Âu khác cũng có thứ hạng tốt trong chỉ số GTCI 2023. Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan và Na Uy lần lượt đứng ở vị trí thứ 4, 5,6 và 7. Trong khi đó Úc và Anh lần lượt chiếm vị trí thứ 8 và thứ 10. Trung Quốc đã tăng thứ hạng từ vị trí thứ 47 vào năm ngoái, lên vị trí thứ 40 trong năm nay.

Ấn Độ, vốn được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 vào năm 2030, đứng ở vị trí thứ 103. INSEAD giải thích, thứ hạng thấp của Ấn Độ là do “sự sụt giảm niềm tin trong tâm lý kinh doanh”, làm giảm khả năng thu hút nhân tài cả từ nước ngoài và trong nước. INSEAD cho rằng, điều này sẽ khiến Ấn Độ gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nhân viên có kỹ năng.

Tại Đông Nam Á, ngoài Sinagpore đứng ở vị trí thứ 2, các nước khác đứng ở khoảng cách khá xa ở phía sau trong chỉ số GTCI 2023, với Brunei xếp thứ 41, Malaysia (42), Việt Nam (75), Thái Lan (79), Indonesia (80), Philippines (84), Lào (101), Campuchia (106).

Báo cáo GTCI 2023 cũng nêu ra sáu xu hướng chính nổi lên trong cuộc đua thu hút nhân tài toàn cầu trong 10 năm qua.

Chúng bao gồm sự bất bình đẳng về tài năng ngày càng gia tăng và vẫn còn cao, với các nền kinh tế nghèo hơn sẽ kém khả năng thu hút nhân tài hơn so với các nền kinh tế giàu hơn. Hơn nữa, báo cáo lưu ý, ở hầu hết các nơi trên thế giới, ở mức độ đào tạo và trình độ tương đương, phụ nữ được trả lương thấp hơn nam giới. Phụ nữ cũng có ít cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn và ít được tiếp cận với các cấp độ trách nhiệm cao hơn. Ngoài ra, sự xuất hiện của công nghệ trí tuệ nhận tạo (AI)  trong các ngành kinh doanh khác nhau có thể làm trầm trọng thêm sự bình đẳng về tài năng.

“Lao động không có trình độ hoặc trình độ thấp sẽ chịu thêm nhiều áp lực, trong khi các nhóm lao động mới, với một số có kỹ năng cao hơn, sẽ phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các thuật toán và thiết bị chuyên dụng”, báo cáo của INSEAD cho hay.

Báo cáo cho rằng, chiến lược nhân tài của các nước và tổ chức cần phải thích ứng với “môi trường giáo dục, công việc và hoạt động thay đổi đáng kể” trong một thế giới hậu Covid-19. Chẳng hạn như báo cáo cho rằng, làm việc từ xa và làm việc nhóm trực tuyến sẽ trở nên phổ biến hơn ở tất cả các loại hình kinh tế và xã hội.

Một phát hiện quan trọng khác từ báo cáo là thế hệ lao động mới, với những ưu tiên đang thay đổi, đang định hình lại thế giới việc làm. Ví dụ, báo cáo lưu ý đến tỷ lệ ngày càng tăng của nhóm lao động trẻ, có trình độ học vấn cao đang tìm kiếm những công việc có ý nghĩa mà họ có thể đóng góp cho xã hội hoặc những công việc giúp họ cân bằng với cuộc sống tốt hơn.

“Khi xem vai trò của các thành phố là trung tâm nhân tài, chất lượng cuộc sống đã trở thành yếu tố then chốt trong sự lựa chọn của thế hệ trẻ về môi trường sống và làm việc của họ”, báo cáo cho biết.

INSEAD  nhận định, cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài của các nước sẽ trở nên khốc liệt hơn trong thập niên tới khi những bất ổn và căng thẳng quốc tế tiếp tục gia tăng trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và chính trị.

Bruno Lanvin, đồng tác giả báo cáo và nhà nghiên cứu của INSEAD, nói: “Cạnh tranh nhân tài sẽ là một trong những trụ cột của thời đại toàn cầu hóa tiếp theo. Khả năng của chúng ta nhằm làm cho thế giới bớt bất bình đẳng hơn và hành tinh này bền vững hơn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phát triển, thu hút và nuôi dưỡng những tài năng phù hợp”.

INSEAD nhấn mạnh, chất lượng cuộc sống và tính bền vững sẽ là “tài sản quan trọng” đối với các nước đang nỗ lực trở thành trung tâm nhân tài.

Theo CNBC, Insead.edu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới