Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường dầu bước vào ‘chu kỳ gấu’, gây áp lực lên OPEC

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dầu thô hướng tới tuần giảm giá thứ tư liên tiếp sau khi tiến vào chu kỳ “con gấu” (thị trường giảm giá) do có những dấu hiệu cho thấy nguồn cung và tồn kho tăng, bù đắp việc cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu.

Sau khi giảm giá hơn 20% từ mức cao trong tháng 9, thị trường dầu đang chờ đợi động thái tiếp theo của liên minh OPEC+. Ảnh: Sharecafe.com.au

Hôm 16-11, giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York giảm 4,9%, xuống còn 72,9 đô la Mỹ/thùng, còn giá dầu Brent ở London thoái lùi 4,6%, còn 77,42 đô la/thùng. Cả hai hợp đồng dầu tương lai này đều đã giảm giá hơn 20% so với mức cao trong tháng 9, vượt qua ngưỡng giảm xác lập chu kỳ “con gấu”.

Giá dầu giảm sau khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô trên toàn quốc của Mỹ tăng tuần thứ tư liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ tháng 8. Một phần sự gia tăng đó đến từ trung tâm lưu trữ dầu mỏ quan trọng ở Cushing, bang Oklahoma, nơi lượng dầu tồn kho tăng thêm 3,6 triệu thùng trong tuần gần nhất, cao gấp 2 lần so với mức dự báo.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch cũng bi quan về triển vọng nhu cầu. Số liệu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cho thấy, các nhà máy lọc dầu ở đây đã cắt giảm công suất chế biến hàng ngày trong tháng 10 do nhu cầu dầu giảm rõ rệt với một tháng trước đó. Trong khi đó, trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm, báo hiệu sự suy giảm nhu cầu ở nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới.

“Chuỗi dữ liệu vĩ mô yếu kém, cùng với dự trữ dầu thô của Mỹ ngày càng tăng, đã gây ra làn sóng bán tháo dầu”, Han Zhong Liang, nhà chiến lược đầu tư của ngân hàng Standard Chartered nói.

Những lo ngại rằng chiến tranh Israel-Hamas sẽ lan rộng và làm gián đoạn nguồn cung dầu cho đến nay vẫn chưa xảy ra.

Andy Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates, nói: “Các cuộc khảo sát sản lượng dầu trong tháng 10 cho thấy hoạt động sản xuất của OPEC+ ngày càng tăng. Kết hợp với lượng tồn kho cao hơn ở Mỹ và lo ngại về nhu cầu, điều này khiến giá dầu giảm”.

Lipow cũng lưu ý khi giá dầu vượt qua ngưỡng 78 đô la/thùng, lực bán tăng nhanh khi chương trình bán tự động được lập trình sẵn bắt đầu kích hoạt.

Thị trường dầu chịu áp lực trong phần lớn năm 2023, nhưng giá bắt đầu tăng vào mùa hè sau khi liên minh OPEC+, bao gồm tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dưới sự phát động của Saudi Arabia và Nga, cắt giảm thêm sản lượng và xuất khẩu. Saudi Arabia lần đầu tiên thực hiện một số đợt cắt giảm tự nguyện bổ sung đối với sản lượng bắt đầu từ tháng 7 và cho biết sẽ tiếp tục cho cắt giảm cho đến ít nhất là cuối năm nay.

Hôm 14-11, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dư báo thị trường dầu mỏ sẽ trở lại trạng thái dư thừa vào đầu năm 2024, ngay cả khi Saudi Arabia cắt giảm sản lượng.

Nguồn cung tiếp tục tăng bên ngoài các nước OPEC+, trong đó Mỹ, Guyana và Brazil đều có sản lượng dầu tăng. Chính phủ Brazil đã đặt mục tiêu trở thành nước sản xuất dầu lớn thứ tư thế giới vào năm 2029.

Nhiều loại dầu bị trừng phạt cũng đang quay trở lại thị trường. Theo Rystad Energy, xuất khẩu dầu của Nga đã vượt mục tiêu của nước này khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 10. Các nhà phân tích theo dõi tàu biển trong những tháng gần đây cũng báo cáo sự gia tăng trong hoạt động giao hàng của Iran cho các nhà máy lọc dầu tập trung ở phía đông bắc Trung Quốc.

Edward Gardner, nhà kinh tế hàng hóa của Capital Economics, cảnh báo việc cắt giảm sản lượng sẽ khiến thị phần của OPEC+ bị thu hẹp.

“Giá dầu giảm là do sự thay đổi trong cán cân cung cầu. Nguồn cung dường như không bị hạn chế như mong đợi”, ông nói.

Thị trường dầu suy yếu đang gây áp lực lên các nhà lãnh đạo của OPEC+ trước thềm cuộc họp định kỳ của họ vào ngày 26-11 tới. Họ dự kiến sẽ thảo luận cách vực dậy thị trường trong bối cảnh nhu cầu có thể suy yếu hơn nữa do tăng trưởng toàn cầu có nguy cơ chậm lại đáng kể.

“Bây giờ, OPEC+ phải đưa ra những tín hiệu mạnh mẽ trong cuộc họp sắp tới. Tôi nghĩ Saudi Arabia sẽ yêu cầu Kuwait, Iraq và Các Tiểu vương quốc Arab (UAE) cắt giảm thêm sản lượng và đó sẽ là một cuộc thảo luận căng thẳng”, Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa chính của ngân hàng SEB, nhận định.

“Chúng tôi tin rằng OPEC sẽ tìm cách duy trì giá dầu Brent ở mức 80-100 đô la/thùng vào năm 2024 bằng cách đảm bảo mức thâm hụt vừa phải và tận dụng sức mạnh định giá”, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs viết trong một báo cáo.

Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group, nói: “Tâm lý thị trường đang tiêu cực, đồ thị giá dầu cũng tiêu cực. Sẽ cần phải có điều gì đó để thay đổi tâm lý, và cho đến lúc đó, mọi người sẽ tiếp tục bán khống dầu”.

Dữ liệu của Mỹ cho thấy các nhà quản lý tiền tệ bao gồm các quỹ phòng hộ thực sự tăng cường bán khống các hợp đồng dầu tương lai trong những tuần gần đây.

Giá dầu trượt dốc đã đè nặng lên cổ phiếu của các nhà sản xuất dầu, các nhà lọc dầu lớn và các nhà khai thác đường ống. ExxonMobil, nhà sản xuất dầu khí lớn nhất Mỹ, chứng kiến giá cổ phiếu giảm hơn 7% trong năm nay, trong khi đó, giá cổ phiếu của đối thủ Chevron giảm đến 21%.

Theo Bloomberg, Financial Times, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới