Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Công ty quản lý tài sản hàng đầu Trung Quốc cảnh báo mất khả năng trả nợ

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Zhongzhi Enterprise Group (ZEG), một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất Trung Quốc, cảnh báo công ty có thể thiếu hụt vốn đến 260 tỉ nhân dân tệ (36,5  tỉ đô la Mỹ) và mất khả năng trả nợ nghiêm trọng. Tình hình tài chính ngày càng tồi tệ tại ZEG làm nổi bật các vấn đề thanh khoản trong thị trường tài chính ngầm trị giá gần 3 nghìn tỉ đô la của Trung Quốc và rủi ro tiếp xúc của ngành này với cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản của đất nước.

Tòa nhà văn phòng của Zhongrong International Trust, công ty tín thác đầu tư liên kết của ZEG, ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Trong thư gửi cho các nhà đầu tư hôm 22-11, ZEG thừa nhận, tổng tài sản của công ty chỉ còn 200 tỉ nhân dân tệ (vào khoảng 27 tỉ đô la Mỹ) so với tổng nghĩa vụ nợ lên tới 460 tỉ nhân dân tệ (tương đương 64 tỉ đô la).

Công ty giải thích sự thiếu hụt nguồn vốn là do nhiều lãnh đạo cấp hành cấp cao và nhân sự chủ chốt ra đi cũng như cái chết của nhà sáng lập Xie Zhikun, người “đóng vai trò then chốt trong việc ra quyết định” tại ZEG, vào năm 2021.

ZEG cho biết hoạt động quản lý nội bộ trở nên hỗn loạn do những sự ra đi này. “Các sản phẩm đầu tư của tập đoàn lần lượt bị vỡ nợ và chúng tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc đến các nhà đầu tư”, bức thư của ZEG có đoạn.

ZEG đang quản lý số tài sản khoảng 1.000 tỉ nhân dân tệ (137 tỉ đô la). ZEG cho biết vì tài sản của công ty tập trung ở các khoản đầu tưvốn cổ phần và nợ có kỳ hạn dài, nên việc thu hồi gặp khó khăn. ZEG và Zhongrong International Trust, công ty tín thác đầu tư liên kết của ZEG, đã không thể thanh toán cho một số sản phẩm đầu tư trong tháng 8, làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng thanh khoản đang gia tăng.

Các khoản thanh toán bị trễ của Zhongrong ngày càng gia tăng. Kể từ tháng 8, ít nhất 16 công ty niêm yết ở Trung Quốc đại lục cho biết, họ không nhận được tiền lãi hoặc tiền gốc cho các sản phẩm do Zhongrong quản lý. Những khoản thanh toán bị trễ đó có giá trị tương đương 144 triệu đô la.

“Nếu xét theo trường hợp riêng lẻ, đây là vấn đề khá lớn, nhưng so với toàn bộ ngành đầu tư tín thác của Trung Quốc, nó không lớn lắm”,  Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng cấp cao của CreditSights, cho biết.

Bà nói thêm rằng, chính quyền khó có thể bảo lãnh cho ZEG. Các nhà đầu tư cá nhân giàu có sẽ gánh chịu hầu hết những thiệt hại (từ các vụ vỡ nợ quỹ tín thác), vì vậy, nhà nước sẽ can thiệp vào thời điểm này.

Nguồn tài trợ từ hệ thống ngân hàng ngầm ở Trung Quốc thường xuyên được rót vào các tập đoàn bất động sản. Việc ZEG chậm thanh toán cho các sản phẩm đầu tư làm dấy lên mối lo ngại về tác động lan tỏa tiềm ẩn từ cơn khủng hoảng bất động sản hiện tại đối với lĩnh vực ngân hàng ngầm trị giá 3 nghìn tỉ đô la của Trung Quốc , gần bằng quy mô của nền kinh tế Pháp

Các công ty quản lý tài sản liên kết với ngân hàng ngầm ở Trung Quốc thường hoạt động bên ngoài nhiều quy tắc quản lý các ngân hàng thương mại. Họ chủ yếu sử dụng tiền thu được từ các sản phẩm quản lý tài sản để cho vay và đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa. Trong những năm gần đây, ngay cả khi các quỹ tín thác đối thủ giảm bớt rủi ro, ZEG và các đơn vị liên kết, đặc biệt là Zhongrong, vẫn mở rộng tài trợ cho các nhà phát triển đang gặp khó khăn và thu mua tài sản từ các công ty, trong đó có China Evergrande, tập đoàn bất động sản đã vỡ nợ.

Một nhà quản lý chuyên mua các tài sản khó khăn ở Bắc Kinh cho biết, ông đã từ chối lời đề nghị mua lại tài sản của ZEG vào tháng trước vì chúng có giá trị “thấp hơn nhiều so với mức công ty tuyên bố” và còn đi kèm với các nghĩa vụ nợ.

Giới chức trách Trung Quốc đang đốc thúc các ngân hàng nhà nước tăng cường cho vay đối với các tập đoàn bất động sản như Country Garden, từng là nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu nhưng gần đây trễ hạn thanh toán nợ nước ngoài.

Cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc tăng mạnh hôm 23-1 sau khi Bloomberg đưa tin, Bắc Kinh đang lập danh sách dự thảo gồm 50 công ty bất động sản đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính. Giá cổ phiếu của Country Garden tăng tới 22,4%, nhưng vẫn còn thấp hơn 60% so với đầu năm.

Tuy nhiên, những nỗ lực lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản giống như màn bắn pháo hoa, đầy ánh sáng và âm thanh, nhưng sau đó nhanh chóng tàn lụi.

Giá cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc tăng vọt sau mỗi loạt biện pháp hỗ trợ mới của chính phủ nhằm vực dậy thị trường, nhưng lại suy sụp ngay sau đó. Đà tăng giá cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc trong tuần này có lẽ không có gì khác biệt.

Theo Financial Times, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới