Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cơn bùng nổ khu công nghiệp thách thức tham vọng xanh của Indonesia

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Indonesia đang chạy đua phát triển các lĩnh vực xanh, đặc biệt là các dự án tinh chế những loại khoáng sản cần thiết cho pin cũng như sản xuất xe điện. Song thách thức lớn cho Indonesia hiện nay là các khu công nghiệp khổng lồ hướng đến tầm nhìn chuyển đổi năng lượng của đất nước không thể triển khai nhanh chóng nếu không sử dụng nguồn năng lượng than gây ô nhiễm.

Công trường xây dựng tại dự án khu công nghiệp KIPI, có tổng vốn đầu tư 132 tỉ đô la, ở tỉnh Bắc Kalimantan, Indonesia. Theo kế hoạch, dự án cuối cùng sẽ vận hành chủ yếu bằng năng lượng sạch bao gồm thủy điện và điện mặt trời, nhưng trước mắt sẽ phụ thuộc vào nhiệt điện than. Ảnh: Bloomberg

Dự án khu công nghiệp xanh sử dụng điện than

Tại một khu vực rừng rậm trên đảo Borneo của Indonesia, các máy xúc và đội ngũ khảo sát đang làm các công việc để dọn đường cho dự án nhà máy thủy điện Mentarang Induk trị giá 2,6 tỉ đô la Mỹ. Dự án được triển khai nhằm cung cấp năng lượng sạch cho một khu công nghiệp rộng lớn, có tên gọi Khu công nghiệp Kalimantan Indonesia (KIPI) ở tỉnh Bắc Kalimantan. Dự án được những người ủng hộ và chính phủ Indonesia ca ngợi là bằng chứng cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể đi kèm với chi phí carbon hạn chế.

Nhưng tham vọng phát thải thấp đó còn nằm ở tương lai trong nhiều năm nữa. Giống như hơn 100 khu công nghiệp lớn, ngốn nhiều năng lượng khác trên khắp đất nước, KIPI  trên thực tế sẽ vận hành dựa vào năng lượng than trong thời gian trước mắt.

Tại KIPI, một nhà máy điện than công suất 1,06 GW , đang được xây dựng, sẽ cung cấp năng lượng cho nhà máy luyện nhôm trị giá 2 tỉ đô la của Công ty Adaro Minerals Indonesia dự kiến hoạt động vào năm 2025, nhiều năm trước khi dự án thủy điện Mentarang Induk chính thức vận hành. Cuối cùng, các dự án điện mặt trời có thể cung cấp phần lớn năng lượng cho KIPI nhưng điều này chỉ xảy ra sau năm 2030.

Indonesia có rất ít động cơ kinh tế để bỏ qua nguồn năng lượng than, có thể triển khai nhanh nhất. Ngay cả sắc lệnh được chính phủ Indonesia thông qua năm ngoái nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo và ngừng sản xuất điện than mới cũng đặt ra ngoại lệ đối với các nhà máy nhiệt điện than hoạt động độc lập (không nối lưới điện) ở các dự án “chiến lược quốc gia”, cho phép chúng hoạt động đến giữa thế kỷ này.

Những khu công nghiệp lớn như KIPI là xương sống trong chính sách phát triển của Tổng thống Joko Widodo nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên khắp xứ sở vạn đảo và tận dụng nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào để nâng cao chuỗi giá trị bằng cách chuyển sang tinh chế kim loại và sản xuất xe điện.

KIPI, có tổng vốn đầu tư trị giá 132 tỉ đô la Mỹ, cuối cùng sẽ được quảng bá như một dự án mang tính chuyển đổi và là một trong những dự án khu công nghiệp xanh nhất đất nước. Nhưng hiện nay,  dự án là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về những lựa chọn khó khăn mà các nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt khi họ tìm cách giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu nhưng đồng thời phải nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng.

Loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch một lần nữa có thể trở thành mục tiêu của các nhà đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc bắt đầu vào tuần tới ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Về mặt lý thuyết, các nước xuất khẩu than như Indonesia và Nam Phi có thể nhất trí với thế giới phát triển về sự cần thiết phải loại bỏ sử dụng than. Nhưng thực tế lại khó khăn nhiều vì những khu vực khát năng lượng nhất trong nền kinh tế của họ vẫn cần than vì đây vẫn là nguồn năng lượng giá rẻ và có thể triển khai trong thời gian ngắn.

Ngành công nghiệp nặng của họ vẫn dựa chủ yếu vào nguồn năng lượng than vì nhiều yếu tố như chi phí lưu trữ năng lượng tái tạo bằng pin còn quá cao, các rào cản chính sách và nhu cầu xây dựng và vận hành các khu công nghiệp nhanh chóng.

Năng lượng tái tạo chưa thể cạnh tranh với than

Việc Indonesia đặt cược lớn vào lĩnh vực chế biến kim loại đã thu hút hàng tỉ đô la đầu tư và tăng trưởng đáng kể về giá trị xuất khẩu. Chẳng hạn, các công ty Trung Quốc đổ xô đầu tư vào các nhà máy tinh luyện nickel ở Indonesia sau khi nước này cấm xuất khẩu quặng nickel để tập trung cho hoạt động tinh chế trong nước.

Nhưng tất cả điều này đòi hỏi nguồn điện giá cả chăng, dễ tiếp cận và hoạt động suốt ngày đêm. Ở những khu công nghiệp của Indonesia không tiếp cận được lưới điện và không có sẵn năng lượng tái tạo chi phí thấp, các nhà máy điện than độc lập đang phát triển bùng nổ. Hiện nay, đây là một vấn đề khó giải quyết ở trung tâm của quá trình chuyển đổi xanh.

Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Bền vững toàn cầu thuộc Đại học Maryland (Mỹ), Indonesia ngày nay có công suất điện than không kết nối lưới điện cao gấp 8 lần so với khoảng một thập niên. Các nhà máy điện than nằm ngoài lưới điểm đang chiếm khoảng 20% tổng công suất điện than của Indonesia và chiếm hơn một nửa công suất điện than đang được đề xuất phát triểm.

“Những thách thức của chúng tôi đại diện cho những thách thức mà các nước đang phát triển khác phải đối mặt”, Dharma Djojonegoro, CEO của Adaro Power, công ty con của Adaro Energy Indonesia, nhà khai khác than lớn thứ hai của Indonesia, nói. Thông qua công ty liên kết, Adaro Energy Indonesia có 50% cổ phần trong liên doanh  phát triển nhà máy thủy điện Mentarang Induk.

“Chúng tôi muốn công nghiệp hóa và cũng muốn sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình này. Vấn đề là hiện tại, công nghệ và khả năng cạnh tranh chưa có sẵn cho năng lượng tái tạo, ngoại trừ thủy điện”, Djojonegoro nói.

Jakarta không phải không nhìn thấy những rủi ro từ nhiên liệu hóa thạch hoặc những cơ hội đến từ quá trình chuyển đổi xanh. Năm ngoái, Tổng thống Jokowi và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí sáng kiến Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá 21,5 tỉ đô la, trong đó, Mỹ và các cường quốc còn lại của khối G7 tài trợ vốn vay để giúp nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á loại bỏ than, hướng tới mục tiêu đưa lượng phát thải carbon ròng của ngành điện về mức zero vào năm 2050 và đưa năng lượng tái tạo lên mức 44% tổng sản lượng điện vào đầu thập niên tới.

Tuy nhiên, đó là những mục tiêu dài hạn. Ngay cả tính cả thủy điện và năng lượng địa nhiệt, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 1/5 tổng sản lượng điện hiện nay của Indonesia. Vấn đề lớn hơn là các mục tiêu trên không tính đến thực tế ngành công nghiệp chế biến kim loại của Indonesia đang mở rộng nhanh chóng, tiêu thụ nhiều điện, phân bố trải rộng trên khắp cả nước và không phải lúc nào cũng minh bạch.

Công suất năng lượng than nằm ngoài lưới điện đã bị loại hoàn toàn khỏi phiên bản mới nhất của kế hoạch đầu tư JETP ở Indonesia, được công bố vào đầu tháng này. Thay vào đó, các mục tiêu đặt ra trong JETP chỉ phản ánh nguồn điện trên lưới điện.

Cuộc sát hạch cho tham vọng chuyển đổi năng lượng

Fabby Tumiwa, giám đốc của Viện Cải cách dịch vụ thiết yếu, một tổ chức tư vấn ở Jakarta, cho biết than đang được sử dụng làm nhiên liệu bắc cầu. Câu hỏi đặt ra là liệu Indonesia có thể chuyển sang các giải pháp thay thế xanh và cuối cùng từ bỏ sử dụng năng lượng theo kế hoạch trong các dự án như KIPI hay không.

“Cho đến khi chúng tôi thấy rằng năng lượng tái tạo sẽ thực sự bắt đầu phát huy tác dụng, đây là cuộc sát hạch xem liệu chúng tôi có nghiêm túc về việc chuyển đổi năng lượng hay không. Khi chính phủ đưa ra quyết định loại bỏ dần than, đó là một bước đi táo bạo vì lợi ích của than vẫn còn rất lớn trong nền chính trị quốc gia. Điều mà chính phủ vẫn chưa vạch ra là làm thế nào để quản lý quá trình chuyển đổi năng lượng đó”, Tumiwa nói.

Khu công nghiệp KIPI cuối cùng có thể được mở rộng quy mô tương đương một nửa diện tích của thủ đô Jakarta. Trọng tâm của KIPI hiện nay là nhà máy luyện nhôm của Adaro Minerals Indonesia. Đến năm 2029, nhà máy luyện nhôm này sẽ giúp chế biến quặng bauxite của Indonsia thành 1,5 triệu tấn nhôm hàng năm, phản ánh tầm nhìn của Jakarta về sự chuyển đổi sinh lợi ở hạ nguồn của ngành khoáng sản.

Các cơ sở khác sẽ được bổ sung vào khu công nghiệp KIPI, dưới sự bảo trợ của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, bao gồm một cảng biển, các nhà máy tinh chế khoáng sản và sản xuất pin xe điện. Hai công ty hóa chất khổng lồ của Trung Quốc, Tongkun Group và Xinfengming Group, đang xem xét đầu tư một tổ hợp hóa dầu trị giá 10 tỉ đô la tại đây.

Một phần của vấn đề là thời gian. Các nhà máy điện than có thể xây dựng nhanh chóng, đáp ứng tính cấp bách của cuộc chạy đua xây dựng nhà máy của Indonesia tại các khu công nghiệp lớn như KIPI.

Ngoài ra, Indonesia còn vấp phải những hạn chế thực sự về mặt địa lý và lưới điện vì phần lớn cơn bùng nổ sản xuất mới của nước này đang diễn ra ở những vùng xa xôi, nơi năng lực sản xuất và truyền tải điện còn thua kém xa các hòn đảo phát triển hơn như Java và Sumatra. Djojonegoro, CEO của Adaro Power, ước tính, Indonesia chỉ nhận được khoảng 4 tiếng rưỡi năng lượng mặt trời mỗi ngày. Điều đó có nghĩa nghĩa là ngay cả một cơ sở công nghiệp chỉ hoạt động vào ban ngày cũng không thể vận hành bằng năng lưới mặt trời hoàn toàn, nếu không không hệ thống pin trữ năng lượng, vốn có chi phí đắt đỏ.

Ông nói: “Chúng tôi muốn sản xuất nhiều năng lượng tái tạo hơn, nhưng chúng tôi đối mặt với những hạn chế hiện có về công nghệ và khả năng cạnh tranh. Khi nào thì năng lượng mặt trời và pin về cơ bản sẽ có sức cạnh tranh như các nguồn năng lượng khác? 10 năm hay 15 năm nữa? Chúng tôi không thể chờ đợi lâu như vậy”.

Theo Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới