Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thế khó của ngành ngân hàng

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Áp lực giải ngân vốn vay gia tăng theo thời gian nhưng ngân hàng vừa thận trọng với nợ xấu, vừa không thể hạ lãi suất cho vay và tiêu chuẩn vay.

Dư địa để ngành ngân hàng hạ lãi suất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không còn nhiều trong bối cảnh nợ xấu tiếp tục gia tăng. Ảnh minh hoạ: Thành Hoa.

"Kinh doanh tiền", tức thu lợi từ hoạt động huy động và cho vay, là nghiệp vụ chủ yếu của ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động cho vay gặp nhiều trở ngại từ đầu năm đến nay. 11 tháng của năm 2023, dư nợ cho vay mới tăng 8,21%, cách xa mục tiêu 14,5% cả năm và thấp hơn nhiều so với cùng giai đoạn năm trước.

Nguyên nhân lớn nhất là sức cầu của nền kinh tế yếu, hoạt động kinh doanh khó khăn khiến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp suy giảm. Điều này dẫn tới thực trạng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh vừa giảm nhu cầu vay, vừa giảm khả năng tiếp cận tín dụng do khó đáp ứng các điều kiện về tài sản đảm bảo.

Ngược lại, bất động sản, vốn không phải lĩnh vực được ưu tiên cho vay, lại hấp thụ nhiều vốn nhất và có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều lần mức trung bình.

Vì sao nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được tiền?

Nền kinh tế không thiếu tiền nhưng không hấp thụ được vốn không phải vấn đề mới, nhưng tới nay vẫn chưa thể giải quyết vì nhiều nguyên nhân.

Tại một phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, từng đánh giá tổng thể dòng tiền vào nền kinh tế thấp.

Chẳng hạn, tổng mức đầu tư toàn xã hội 9 tháng của năm 2023 tăng 5,9%, nhưng chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước tăng gần 12% với động lực tới từ đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế và tăng thu - tiết kiệm chi. Ngược lại, đầu tư khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,3% trong cùng khoảng thời gian - bằng 1/6 so với mứng tăng trưởng cùng giai đoạn năm 2022. Tương tự, đầu tư của khu vực có vốn nước ngoài (FDI) chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, dòng tiền từ trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán cũng giảm sâu, như chứng khoán đã mất 32% giá trị trong năm ngoái và 9 tháng đầu năm vẫn trồi sụt. Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro. Nhiều dự án bất động sản không thể làm tiếp, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực.

"Nền kinh tế không thiếu tiền, nhưng vấn đề không hấp thụ được do đầu tư và tổng thể dòng tiền vào nền kinh tế thấp”, ông Toàn nói và đánh giá những chỉ dấu này cho thấy Chính phủ cần thay đổi chính sách, bởi nếu không có động thái thì tình hình năm 2024 sẽ càng khó khăn hơn nữa.

Thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng nhìn nhận thực tế khó hấp thụ vốn dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm. Theo đó, NHNN đã thực hiện điều chỉnh lãi suất điều hành 4 lần, với mức giảm khoảng 0,5-2 điểm phần trăm một năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới cuối tháng 8-2023 chỉ giảm khoảng 1 điểm phần trăm so với cuối năm 2022.

Để dòng vốn tín dụng chảy nhanh hơn, nhiều đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã đề xuất ngân hàng linh động hơn trong việc cho vay, giảm bớt thủ tục, yêu cầu tài sản đảm bảo. Thậm chí, các doanh nghiệp bất động sản, là nhóm hấp thụ nhiều vốn nhất và có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều lần mức trung bình trong 9 tháng đầu năm, cũng tiếp tục kêu các ngân hàng hạ chuẩn, đơn giản hóa thủ tục.

Tuy nhiên, các tiêu chuẩn để đảm bảo tính an toàn của khoản vay, như yếu tố pháp lý của tài sản đảm bảo, là yêu cầu không thể giản lược, bởi theo các quy định trong việc quản trị rủi ro mà các ngân hàng phải tuân thủ.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank - một trong những ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao nhất 11 tháng đầu năm, cho biết 2023 là năm rất khó khăn, đặc biệt là tổng cầu kinh tế thấp do các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Vì vậy, việc tăng tín dụng lớn rất rủi ro, đòi hỏi sự dũng cảm của ban lãnh đạo ngân hàng.

Cụ thể, VPBank chấp nhận ‘5 ăn 5 thua’, rót vốn vào những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, dù đây là những lĩnh vực rủi ro cao và nợ xấu tại ngân hàng hiện tăng 30% so với cuối năm trước.

Cũng theo vị này, các doanh nghiệp, hiệp hội đều mong muốn ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay và tạo thuận lợi về điều kiện cho vay. Nhưng hiện lãi suất đã ở mức thấp. Với VPBank, mức giảm lãi suất cho vay đã lớn hơn mức giảm lãi.

Ngoài ra, việc mở rộng và tạo điều kiện cho vay thuận lợi hơn cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận rủi ro lớn hơn, vì nếu nền kinh tế xấu đi thì ngân hàng là đối tượng gánh chịu hệ luỵ đầu tiên.

“Doanh nghiệp muốn lãi vay giảm thêm song lãi suất huy động đầu vào vẫn cao, chúng tôi đang vay các định chế tài chính nước ngoài bằng đô la Mỹ với lãi suất 5-6% một năm, quy đổi ra đồng Việt Nam là trên dưới 10% một năm. Với lãi suất cho vay hiện nay (ngắn hạn 7% một năm, trung dài hạn 8-10% một năm - PV) thì ngân hàng đang lỗ”, ông Vinh nói.

Thực tế, nợ xấu và lãi suất không chỉ là vấn đề của riêng VPBank mà là tình trạng chung của nhiều ngân hàng thương mại.

Với yếu tố nợ xấu, một báo cáo của NHNN gửi Quốc hội cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng các ngân hàng là 3,56% tính tới cuối tháng 7-2023. Mức này cao hơn 2% so với cuối 2022 và gần 1,7% so với cùng kỳ 2020.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.

Còn báo cáo tài chính quí 3-2023 của các ngân hàng niêm yết cho thấy quy mô nợ nhóm 3-5 của các ngân hàng đều tăng mạnh, thậm chí mức tăng tính bằng lần. Với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, quy mô nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) của Vietcombank tại thời điểm cuối quí 3-2023 cao hơn hơn 7 lần đầu năm. Với BIDV, nợ nhóm 3 tăng gần 40% còn nợ nhóm 4 tăng 3,5 lần.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, quy mô nợ nhóm 3 và 4 của Techcombank đều trên 2.000 tỉ đồng tính tới cuối quí 3-2023, cao hơn 2 lần so với cuối năm 2022. Với VPBank, con số này cũng tăng 2,5 lần chỉ sau 9 tháng đầu năm.

Sacombank, VIB, ACB, MB... đều ghi nhận quy mô nợ nhóm 3 và 4 tăng trưởng hai chữ số hoặc vài lần.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) dự báo nợ xấu có thể tiếp tục tăng tới đây khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01 và Thông tư 02 của NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn nợ.

"Điều này lý giải một phần tại sao tín dụng ngân hàng 9 tháng đầu năm nay tăng chậm", ông Đồng nói và cho biết tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8% - theo cập nhật tới 31-8, do nợ xấu của một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng.

Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận xét mức 3,56% nợ xấu nội bảng trong hệ thống ngân hàng tính tới cuối tháng 7-2023, tương đương 440.000 tỉ đồng, là "đột biến, đáng lo ngại". Ngoài khoản nợ này, nợ đọng trái phiếu doanh nghiệp quá hạn, không trả đủ nhà đầu tư là khoảng 190.000 tỉ đồng.

Hai khoản "nợ xấu" này của nền kinh tế, theo ông Nam, làm thu hẹp không gian của chính sách tiền tệ.

"Nếu để nợ xấu lâu, lãi dự thu nhiều, gánh nặng cho nền kinh tế. Chính phủ không kịp thời có giải pháp xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc ngân hàng yếu kém sẽ lãng phí nguồn lực đáng kể", ông Nam nói.

Thực tế, áp lực nợ xấu và bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn khiến không ít ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.

Báo cáo tài chính riêng lẻ của ACB cho biết ngân hàng thu được 5.556 tỉ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quí 3-2023, nhưng trích 521 tỉ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, nên lãi trước thuế giảm còn hơn 5.035 tỉ đồng (so với cùng kỳ vẫn tăng 13%). Còn VIB chủ động trích lập dự phòng hơn 3.150 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm, cao hơn 3,4 lần so với cùng giai đoạn năm trước.

Với yếu tố lãi suất, PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS), dự báo lãi suất chính sách khó giảm thêm do một số yếu tố, gồm lạm phát  tổng thể đang đảo chiều; giới hạn về lãi suất thực dương; lãi suất thế giới tiếp tục neo ở mức cao; mục tiêu ổn định tỷ giá.

"Một quốc gia đang phát triển với những rủi ro cao hơn các nước phát triển mà lại có lãi suất thấp hơn là điều phi lý", ông Thế Anh nói và dự báo lãi suất sẽ không thể giảm tiếp - tức thấp hơn Mỹ và các quốc gia châu Âu, vì sẽ gây ra tác động khiến dòng vốn rời khỏi Việt Nam.

Về tăng trưởng tín dụng, với giả định tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5%, chuyên gia này cho rằng tăng trưởng tín dụng khoảng khoảng 10-11% là phù hợp. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng này không mang quá nhiều ý nghĩa đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi một phần tín dụng được các doanh nghiệp sử dụng để đảo nợ.

"Tăng trưởng tín dụng sắp đạt hai con số chủ yếu do doanh nghiệp đảo nợ. Trong năm nay, doanh nghiệp đua nhau tất toán trái phiếu trước hạn, ngoài đảo nợ để mua lại trái phiếu doanh nghiệp còn có tình trạng đảo nợ tín dụng", ông Thế Anh nói.

Những tồn tại

Bên cạnh vấn đề nợ xấu và lãi suất, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng từng chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại "đáng lo ngại" của hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn, xét chung toàn hệ thống tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn trên 26%. Ngoài các ngân hàng thương mại yếu kém chưa đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, còn một số ngân hàng có tỷ lệ này khá cao, sát ngưỡng cho phép. Điều này tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với tổ chức tín dụng.

TS Phạm Thế Anh đánh giá Việt Nam vẫn có những rủi ro về tiền tệ và lãi suất khi tỷ lệ tín dụng và M2/GDP cao lần lượt là 1,25 và 1,5 lần, cao hơn so với các quốc gia trong khu vực.

“Mặc dù từ cú sốc tại hệ thống tài chính xảy ra vào tháng 10-2022, hai chỉ tiêu này xuống thấp nhưng tổng quan chung vẫn cao”, ông Thế Anh lưu ý.

Cũng theo chuyên gia này, những bất ổn về tỷ giá khiến chính sách tiền tệ ít tạo hiệu quả kích thích đầu tư khi doanh nghiệp bi quan và sức cầu yếu. Điều này khiến giá cả tiêu dùng tăng, thể hiện ở việc cách vài năm lại xảy ra một cơn sốt bất động sản.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp sau khi phát triển một thời gian bị ngưng trệ.

Về hoạt động điều hành chính sách, ông Đồng lưu ý việc cơ quan điều hành hai lần tăng lãi suất điều hành vào tháng 9 và 10-2022, mỗi lần tăng 1 điểm phần trăm, khiến lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống đột ngột tăng cao những tháng cuối năm ngoái, với lãi huy động trên 11% và cho vay hơn 13%.

"Việc đột ngột tăng lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi, trong khi ngân hàng trung ương các nước có nhịp độ tăng dần từ đầu năm, là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế", ông Đồng nói và cho rằng việc này khiến môi trường kinh tế rủi ro hơn, vì người dân và doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn, ổn định.

Giải pháp nào cho năm 2024?

Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thời gian tới, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Với các cơ quan nhà nước, ngoài thúc đẩy chính sách tiền tệ, cần có các giải pháp khác để thúc đẩy tổng cầu, vì riêng ngành ngân hàng không thể thực hiện việc này.

Ngoài ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp. Với riêng lĩnh vực bất động sản, nếu “gỡ” được pháp lý, giải ngân vốn trong lĩnh vực này sẽ tăng rất nhanh.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các ngân hàng trong xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ. Thực tế, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng thách thức.

Bối cảnh này, theo NHNN, xuất phát từ thị trường mua bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện và thiếu các chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.

Để giải quyết khó khăn, lãnh đạo VPBank kiến nghị một số giải pháp gỡ khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp như tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất 2%; cân nhắc cấp room tín dụng cao cho những ngân hàng có nhu cầu và có năng lực mở rộng tín dụng; hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu…

Còn TS Phạm Thế Anh khuyến nghị NHNN tiếp tục duy trì nền lãi suất thấp trong năm 2024 và điều tiết ổn định tỷ giá với trường hợp cần thiết.

Theo chuyên gia này, lãi suất chính sách hiện không có dư địa giảm, lãi suất huy động cũng chạm đáy, nên chỉ còn lãi suất cho vay có dư địa giảm. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cũng có những khó khăn nhất định.

“Lãi suất huy động trong giai đoạn trước cao nên các ngân hàng không thể lập tức hạ lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng còn phải đối diện với rủi ro về nợ xấu”, ông Thế Anh giải thích.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới