Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lao động thất nghiệp cao, nhà sản xuất vẫn tuyển dụng khó khăn mùa cuối năm

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để đáp ứng tiến độ sản xuất kinh doanh vào cuối năm, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… đã bắt đầu tuyển dụng thêm lao động từ giữa tháng 11. Tuy nhiên, hiện thị trường lao động đang đối mặt nghịch lý là hàng loạt công nhân thất nghiệp nhưng các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng ngóng lao động vì khó tuyển được người.

Khi lao động thất nghiệp chỉ muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo báo cáo của Sở Lao động Thuơng Binh và Xã hội TPHCM, tính đến cuối tháng 11, TPHCM đã tiếp nhận hơn 153.000 hồ sơ của người lao động thất nghiệp trên địa bàn đề nghị hưởng trợ cấp, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022. Dù số lượng công nhân thất nghiệp trên địa bàn lớn nhưng nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất dịp Tết vẫn chưa tuyển đủ lao động làm việc.

Tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM), hơn nửa tháng qua, Công ty Furukawa Automotive Parts Vietnam (FAPV) rao tuyển 200 lao động chính thức làm việc theo ca. Công việc là lắp ráp bộ dây điện dùng trong xe hơi. Tùy vào tay nghề, thu nhập của công nhân dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng. Ngoài môi trường làm việc sạch sẽ, có máy lạnh, công ty còn còn hỗ trợ chỗ ở, xe đưa rước và các chế độ phúc lợi như mỗi năm điều chỉnh lương một lần, cơm trưa, cơm tăng ca miễn phí…

Tuy nhiên, trao đổi với KTSG Online, một đại diện của FAPV, cho biết hiện công ty này vẫn chưa tuyển đủ laođộng để phục vụ nhu cầu sản xuất. Nguyên nhân có thể là do mức lương mỗi tháng vẫn không đủ hấp dẫn với người lao động. Bên cạnh đó, đối với những người lao động từng có thời gian làm thời vụ, chạy xe ôm công nghệ, kinh doanh trực tuyến..., họ đã quen với việc nhận lương theo ngày hoặc tuần. Do đó, khi chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp, họ phải nhận lương theo tháng, thậm chí là ngại đi làm đúng giờ nên nhiều lao động chưa muốn quay trở lại làm việc cố định.

Nhà tuyển dụng phỏng vấn người lao động đang tìm kiếm việc làm. Ảnh: Minh Thảo

Không chỉ tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố lân cận cũng “đỏ mắt” tìm lao động dù thực tế nhiều công nhân đang thất nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Đoan Trang, cán bộ của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân của thực trạng nhiều người thất nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn không tuyển được lao động là do phần lớn người mất việc trong thời gian qua thuộc đối tượng lao động phổ thông, tay nghề thấp nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Trong khi đó ở một số ngành, nhà tuyển dụng tìm kiếm người lao động có trình độ, chuyên môn.

Bên cạnh việc người lao động chưa đáp ứng trình độ công việc, bà Trang cho biết: “Hiện nay, có rất nhiều người chỉ chú trọng đến hưởng trợ cấp thất nghiệp nên chưa thực sự có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Họ chấp nhận làm công việc thời vụ hoặc lao động tự do để vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa có thêm thu nhập”.

Nói về tình trạng người lao động từ chối khi được giới thiệu việc làm, ông Trần Quốc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Long An, cho biết trước đây, khi Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) cắt giảm hơn 5.700 lao động vào tháng 5-2023, thì có 40% công nhân tại doanh nghiệp này quê ở Long An. Do đó, tỉnh đã chủ động đến các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng công nhân để kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, đa phần công nhân không nhận việc vì họ muốn được nhận khoản trợ cấp thất nghiệp (tối đa 12 tháng).

Theo một khảo sát của Sở Lao động Thuơng Binh và Xã hội TPHCM vào tháng 5-2023, trong tổng số 2.429 người lao động bị cắt giảm, có hơn 50% muốn trở về quê, 791 người (gần 33%) không có nhu cầu tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề; 102 người (khoảng 4%) có nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm; 294 người (12%) có nhu cầu tìm việc làm… Như vậy có thể thấy rằng, sau khi bị mất việc làm, nhiều người lao động vẫn chưa mặn mà quay trở lại tìm kiếm công việc mới.

Yêu cầu cấp thiết về Big Data trong cung - cầu lao động

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM, thời gian vừa qua, hoạt động giới thiệu việc làm của đơn vị này gặp một số khó khăn như mức lương tuyển dụng của doanh nghiệp chưa đáp ứng đúng yêu cầu của người lao động, độ tuổi của người lao động vượt yêu cầu của doanh nghiệp… Việc đào tạo nghề ở các doanh nghiệp cũng chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó, phần lớn người thất nghiệp là lao động phổ thông, có cuộc sống khó khăn nên cần tiền trợ cấp thất nghiệp để trang trải, sau đó mới nghĩ đến tìm kiếm việc làm.

Để đạt hiệu quả hơn khi tuyển dụng lao động, bà Thục cho rằng cần thay đổi hướng tiếp cận, tập trung tư vấn việc làm cho người sắp hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chẳng hạn như với người có thời gian hưởng trợ cấp 3 tháng, vào cuối tháng thứ 2, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh tư vấn việc làm cho họ, đặc biệt phải bám sát các ngành nghề trước đây mà người lao động làm việc để tăng hiệu quả tuyển dụng.

Cùng với đó, các đơn vị cũng cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động dùng chung giữa các tỉnh,thành phố để đảm bảo việc kết nối cung - cầu được thuận tiện hơn. Cơ sở dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuyển dụng và nhanh chóng tìm được ứng viên phù hợp. Đặc biệt, đối với những người lao động mất việc về quê, họ vẫn có thể tự tìm kiếm được việc làm, sớm quay lại thị trường lao động và ổn định cuộc sống, đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM cho biết thêm.

Người lao động điền phiếu thông tin tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức. Ảnh: Minh Thảo

Nếu có một ứng dụng sàn giao dịch việc làm trực tuyến dùng chung, người lao động và nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tương tác với nhau trên toàn quốc. Tuy nhiên, “việc xây dựng một hệ thống dữ liệu ngành với quy mô liên thông lớn giữa TPHCM và các tỉnh, thành sẽ mất nhiều thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, việc thống nhất dữ liệu nguồn, cơ chế vận hành, bảo mật... trong hệ thống là một trong những trở ngại khi thực hiện cơ sở dữ liệu dùng chung”, bà Thục nói.

Một số đại diện của trung tâm giới thiệu việc làm ở các địa phương khác cũng cho rằng việc khó nhất khi liên thông cơ sở dữ liệu là công tác thu thập thông tin hiện chưa được hoàn chỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần phải đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin cung - cầu lao động trên diện rộng. Nếu thu thập dữ liệu tốt trên toàn quốc thì tính dự báo thị trường lao động càng chính xác hơn; từ đó nắm được địa phương nào thiếu hoặc dư để có hướng tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động ở những tháng cuối nhận trợ cấp thất nghiệp.

Thông tin từ Sở Lao động Thuơng Binh và Xã hội TPHCM, để chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất và kinh doanh dịp Tết sắp đến, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động cao, với 75.500 - 81.500 lao động. Theo khảo sát, hiện các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao nhóm lao động phổ thông kinh doanh - quản lý và da giày - may mặc. Ngoài ra, để tạo kết nối cung - cầu lao động, từ nay đến cuối năm, Sở sẽ phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm thành phố để tổ chức 10 sàn giao dịch việc làm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới