(KTSG) - Giai điệu thánh thót từ bản nhạc “Giáo đường im bóng” được sáng tác 85 năm trước của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, đang ngân lên hòa với tiếng chuông nhà thờ và những bài hát mùa Giáng sinh bất hủ.
1. Có lẽ bản nhạc Việt đầu tiên sáng tác về mùa Noel năm 1938 của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, người xứng đáng được xưng tụng là một tài hoa của thế hệ nhạc sĩ tiền chiến, và là người thầy của các nhạc sĩ hậu bối Dzoãn Mẫn, Đoàn Chuẩn, đã vượt qua không gian đi hết gần một thế kỷ. Giai điệu mang âm hưởng thánh ca dặt dìu quyện lời bài hát do người bạn của nhạc sĩ là nhà thơ Phi Tâm Yến soạn trong bản Giáo đường im bóng, đã đặt dấu ấn riêng trong nền tân nhạc Việt, khó có thể phai mờ trong tiềm thức của bất cứ ai khi nghe vọng lên, mỗi mùa Noel đến.
“Nhớ tới đêm đầy ánh sáng. Hương trong gió tràn mênh mang. Giây phút như ngừng thôi rơi. Tiếng kinh muôn lời”. Ấy là một không gian của mùa Giáng sinh lung linh, khi nghe không thể không thốt lên rằng nhạc và lời sao mà hòa hợp đến thế. Đó là suy nghĩ của tôi ngày trước cho đến hôm nay, mỗi khi chiều xuống đi qua những ngôi nhà thờ trang nghiêm, với xứ đạo lấp lánh ánh đèn giăng khắp nơi ở các giáo phận theo trục quốc lộ 1A của tỉnh Đồng Nai, hay dọc quốc lộ 20 ngược lên hướng Đà Lạt.
Bây giờ, mỗi mùa Noel đến, trên những nẻo đường Sài Gòn, tôi thường có thói quen đi từ trung tâm thành phố cho đến các vùng ngoại thành, len lỏi qua các ngõ hẻm để ngắm nhìn những giàn đèn lấp lánh, những hang đá nho nhỏ của các cộng đồng giáo dân trang trí đón Giáng sinh với mong muốn an lành, yêu thương. Náo nức nụ cười, không khí tíu tít xôn xao, bỗng nghe dịu lòng trước những bộn bề hối hả ngoài kia.
2. Một buổi tối của tháng 12 Dương lịch cách đây bốn năm, có dịp ghé ngôi quán nhỏ mang tên Bảo Thu - Bolero và nàng của nhạc sĩ Bảo Thu ở một con hẻm đường Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM), tôi gặp nhạc sĩ Nguyễn Vũ, tác giả bản nhạc nổi tiếng Bài thánh ca buồn, một bài hát quen nghe suốt mấy chục năm qua và vẫn luôn ngưỡng vọng khi giọng ca truyền cảm, đầy nội lực của ca sĩ Evis Phương cất lên, từ dạo còn nghe qua băng cassette mỗi khi làn gió đông về báo hiệu lễ Giáng sinh.
Hôm ấy, sau khi cùng nhạc sĩ Nguyễn Vũ song ca bài hát ấy, bước xuống sân khấu, người nhạc sĩ sinh năm 1944 bồi hồi nói với tôi: “Tôi sáng tác bài này năm 1972, khi hồi tưởng về một kỷ niệm đẹp thuở thanh xuân, sau đó được hãng đĩa Sơn Ca mua độc quyền. Bài hát khi viết xong chỉ nghĩ đó là tiếng lòng của riêng mình, ai ngờ từ lúc ra đời cho đến nay được công chúng yêu thích đến vậy. Hầu như đến dịp cuối năm, bài hát đều có trong các album nhạc Giáng sinh phát đi, nên được người ta nghe nhiều”.
Cũng trong đêm ấy, những người bạn thân của nhạc sĩ Nguyễn Vũ, là các nhạc sĩ Đài Phương Trang (tác giả ca khúc Hai mùa Noel), nhạc sĩ Mạnh Quỳnh (tác giả ca khúc Gõ cửa), và tất nhiên có sự hiện diện của nhạc sĩ Bảo Thu, tác giả bài hát Giọng ca dĩ vãng một thời với kỷ lục về số lượng phát hành bản nhạc in. Họ đã nâng ly tâm sự về những kỷ niệm vui buồn thuở xa xưa, và bao giai điệu đẹp còn lưu giữ lại cho cuộc đời này.
Suốt gần một thế kỷ qua, khởi đi từ bản Giáo đường im bóng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, không biết có bao nhiêu bản nhạc của các nhạc sĩ Việt thánh thót ngân lên mùa Noel, bên cạnh những ca khúc nước ngoài, làm cho không gian đêm mùa đông thêm ấm áp. Đó là những giai điệu rộn rã yêu thương. Có thể khi sáng tác với dụng ý lồng trong âm hưởng thánh ca để kỷ niệm một câu chuyện tình, cũng có thể là ước vọng về hạnh phúc khi được nắm tay nhau đi trên con đường đời đôi khi gập ghềnh phía trước.
Bởi vậy, tôi vẫn hằng nghĩ trong tâm thức, giai điệu mùa Giáng sinh sẽ luôn lưu dấu đẹp trong lòng bao người, mỗi khi nghĩ và nhớ về!