Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Điều gì đang chờ đợi kinh tế Eurozone trong năm 2024?

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau một năm 2023 đầy khó khăn, kinh tế Eurozone được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024 khi lãi suất dần được cắt giảm và lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Tuy nhiên đà tăng trưởng vẫn sẽ bị hạn chế bởi nhiều yếu tố thách thức.

Tăng trưởng kinh tế có cải thiện nhưng vẫn mờ nhạt

Các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã rơi vào tình trạng trì trệ trong suốt bốn quí vừa qua, với GDP tăng trưởng tổng cộng 0% trong giai đoạn từ quí 4-2022 đến quí 3-2023.

Tiêu dùng tư nhân và đầu tư đã bị ảnh hưởng bởi quy mô tăng lãi suất chưa từng có của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong khoảng thời gian từ tháng 7-2022 đến tháng 9-2023 với tổng mức tăng 4,5 điểm phần trăm. Điều này khiến nhu cầu vay vốn của các công ty và hộ gia đình giảm sút, trong khi các điều kiện cho vay của ngành ngân hàng bị thắt chặt đáng kể.

Do tác động của việc thắt chặt tiền tệ có độ trễ nên ngay cả khi ECB đã tạm dừng tăng lãi suất trong những tháng gần đây, nền kinh tế vẫn sẽ cảm nhận được những ảnh hưởng tiêu cực khá rõ rệt trong giai đoạn cuối năm 2023 và những quí đầu năm 2024. Nhu cầu nội địa đối với cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, vì vậy, vẫn sẽ tiếp tục mờ nhạt.

ECB mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế châu Âu trong cả năm 2023 và 2024. Theo ECB, tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone dự báo đạt 0,6% trong năm 2023, giảm nhẹ so với mức 0,7% trong dự báo trước đó. Trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế khu vực này dự báo đạt 0,8%, cũng thấp hơn mức dự kiến trước đó là 1%.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích không kỳ vọng GDP của châu Âu sẽ suy yếu trong thời gian quá dài. Theo các chuyên gia của Ngân hàng ABN AMRO, sau khi suy giảm nhẹ 0,1% trong quí 3 và giảm 0,2% trong quí 4-2023, GDP của Eurozone sẽ ổn định hơn trong quí 1-2024 và ghi nhận sự tăng trưởng vừa phải, ở dưới mức xu hướng trong thời gian còn lại của năm 2024.

Một số yếu tố có thể hỗ trợ tăng trưởng GDP

Theo ABN AMRO, đã có một số dấu hiệu ban đầu về việc thương mại và công nghiệp toàn cầu đang chạm đáy vào thời điểm hiện tại, và có thể sẽ sớm đi lên. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho ngành xuất khẩu và công nghiệp của Eurozone, chấm dứt tình trạng suy giảm mạnh kể từ những tháng cuối năm 2022.

Tiếp đó, việc các ngân hàng trung ương lớn kết thúc chu kỳ tăng lãi suất cũng sẽ khiến tâm lý người tiêu dùng và nhà sản xuất được cải thiện, mặc dù niềm tin vẫn còn tương đối yếu. Việc niềm tin của người tiêu dùng chạm đáy có nghĩa là các hộ gia đình có thể sẽ lại chi tiêu phần thu nhập lớn hơn sau khi đã dành một tỷ lệ đáng kể thu nhập để tiết kiệm trong nửa đầu năm 2023.

Xa hơn nữa, trong năm 2024, các ngân hàng trung ương sẽ dần tiến hành những sự xoay trục trong chính sách. Câu hỏi được đặt ra là liệu bao giờ ECB sẽ bắt đầu đảo ngược quá trình tăng lãi suất?

Một cuộc thăm dò gần đây của Reuters cho thấy, ECB nhiều khả năng sẽ đợi đến quí 2 trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất, có thể là vào tháng 6-2024. ABN AMRO kỳ vọng lãi suất tiền gửi tại Eurozone sẽ giảm xuống 2,75% vào cuối năm 2024 và cuối cùng sẽ lùi về mức 1,5% vào năm 2025.

Sau khi đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên diễn ra, các điều kiện tài chính sẽ dần được nới lỏng, cung cấp sự hỗ trợ cho tiêu dùng và đầu tư. Ngoài ra, tổng đầu tư sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các nguồn vốn từ công cụ Hỗ trợ phục hồi châu Âu (RRF), dự kiến sẽ bằng khoảng 0,3% GDP của Eurozone trong năm 2024 và 2025, tương tự như mức của năm 2023.

Cuối cùng, tiêu dùng tư nhân sẽ được hưởng lợi từ việc bình thường hóa tăng trưởng tiền lương thực tế, khi áp lực lạm phát sẽ giảm hơn nữa.

Quá trình hạ nhiệt lạm phát vẫn diễn ra thuận lợi

Kể từ khi đạt đỉnh ở mức 10,6% hồi tháng 10-2022, chỉ số lạm phát giá tiêu dùng hài hòa (HICP) của Eurozone đã giảm mạnh.

Nhìn vào các yếu tố chính, lạm phát giá năng lượng có thể đang chạm đáy vào thời điểm hiện tại và được dự báo sẽ tăng cao hơn trong những tháng tới. Trong khi đó, lạm phát giá thực phẩm, rượu và thuốc lá đã giảm mạnh kể từ tháng 3-2023, và xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn.

Đối với lạm phát cốt lõi (đã loại bỏ các mặt hàng có giá biến động cao như năng lượng và lương thực thực phẩm), lạm phát giá dịch vụ đã giảm nhiều hơn dự kiến, từ mức 4,6% trong tháng 10 xuống 4% trong tháng 11.

Cuối cùng, tỷ lệ lạm phát của hàng công nghiệp phi năng lượng cũng giảm trong tháng 11, từ 3,5% xuống 2,9%. Phần lạm phát này đã có xu hướng giảm rõ ràng kể từ đầu năm 2023, do các nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được nới lỏng và nhu cầu hàng hóa toàn cầu ở mức yếu. Do vậy, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì.

Cuối cùng, tốc độ tăng lương được dự báo sẽ chậm lại đáng kể vào năm 2024 khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng thị trường lao động khu vực Eurozone đang dần xấu đi. ABN AMRO kỳ vọng lạm phát toàn phần và lạm phát cốt lõi sẽ đạt mục tiêu 2% của ECB vào khoảng giữa năm 2024.

Nền kinh tế vẫn sẽ đối mặt nhiều thách thức

Các số liệu gần đây cho thấy, thị trường việc làm tại Eurozone đang xấu đi đáng kể, khi các công ty không nhận thấy triển vọng cải thiện và đã tiến hành cắt giảm nhân sự trong tháng thứ hai liên tiếp. Chỉ số việc làm tổng hợp của khu vực hiện đã rơi xuống mức thấp nhất trong ba năm là 49,6.

Bên cạnh đó, mặc dù giá năng lượng và hàng hóa đã giảm trong năm 2023 nhưng chúng vẫn cao hơn đáng kể so với mức của 15 năm qua.

Điều này kết hợp với lãi suất vẫn ở mức cao, được dự báo sẽ cản trở đáng kể sự phát triển kinh tế của Eurozone, khiến các công ty gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, làm xói mòn sức mua của thu nhập khả dụng, và làm giảm nhu cầu đối với hàng tiêu dùng.

Hiệu ứng kìm hãm tăng trưởng sẽ đặc biệt mạnh mẽ ở các quốc gia có đặc điểm là tỷ trọng sản xuất công nghiệp cao trong tổng thể nền kinh tế. Điều này là rất rõ ràng khi nhìn vào Đức - nền kinh tế đầu tàu của Eurozone.

Căng thẳng địa chính trị là một diễn biến kinh tế toàn cầu khác có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng và việc làm tại Eurozone.

Các hạn chế liên quan đến thương mại xuyên biên giới đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, bao gồm nhiều nước châu Âu.

Thông thường trong các giai đoạn kinh tế suy yếu, các chính phủ châu Âu sẽ hỗ trợ tăng trưởng bằng các gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra trong năm 2024 khi những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ của các chính phủ dành cho các công ty và hộ gia đình trong cuộc khủng hoảng năng lượng và đại dịch Covid-19, đã dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng và tỷ lệ nợ chính phủ cao hơn trên toàn khu vực Eurozone.

Khoản nợ công cao đã khiến khả năng ổn định nền kinh tế của các chính phủ giảm dần, đặc biệt là ở những quốc gia mắc nợ đặc biệt nặng nề. Do vậy, thay vì trông đợi vào các biện pháp hỗ trợ, kinh tế châu Âu sẽ phải đối mặt với việc chính sách tài khóa bị thắt chặt đáng kể trong năm 2024.

Nguồn: ABN AMRO, Reuters, Economist, Global Europe

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới