Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cần giải pháp cấp thiết gỡ khó về giá điện khí, điện gió ngoài khơi

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hiện nay việc triển khai dự án điện khí, điện gió ngoài khơi trên cả nước còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề đáng lưu ý là chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện…

Dự án điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa: H.P

Đây là nội dung của cuộc họp lấy ý kiến dự thảo chiến lược về sản xuất hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo quy hoạch điện VIII, diễn ra hôm 25-12 vừa qua.

Theo TTXVN, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết để triển khai dự án điện khí bao gồm việc lựa chọn nhà đầu tư, lập hợp đồng, đàm phán mua bán điện, thu xếp vốn vay và thực hiện hợp đồng EPC… cần khoảng thời gian từ 7-8 năm. Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát.

Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ. Ngoài ra, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khác như chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện… Điều này dẫn đến việc các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, không xác định được lượng khí hóa lỏng (LNG) cần nhập khẩu để đảm bảo mức giá cạnh tranh trong ký kết hợp đồng mua hàng phục vụ cho sản xuất điện…

Tại cuộc họp, các chuyên gia đều thống nhất ý kiến là cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai các dự án. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần có báo cáo trình Chính phủ để xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền cao hơn về các giải pháp thực hiện do những vướng mắc liên quan đến nhiều luật (Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực…) hay các văn bản quy phạm pháp luật giữa nhiều bộ, ngành, địa phương.

Theo dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mục tiêu là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen một cách bài bản. Chiến lược này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và lộ trình đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết bền vững trước đó của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150,489 GW. Trong đó, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí là 30.424 MW và điện gió ngoài khơi là 6.000 MW, chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới