(KTSG) - Các loại hình nghệ thuật đón xuân được truyền lại đến ngày nay đều tồn tại dưới thể loại tác phẩm dân gian. Tức là, nếu thực sự tồn tại cái gọi là bản quyền ngày Tết, bản quyền đó thuộc về công chúng. Công chúng cũng cần một không gian đủ tự do cho việc gìn giữ và lan tỏa thứ tài sản vô giá của cả dân tộc.
- Chợ hoa xuân 'Trên bến dưới thuyền' 2024 quy tụ hơn 650 gian hàng
- Cánh én chở xuân về, gắn kết hy vọng mới
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua
Dù không sinh ra ở thuở câu đối đỏ, cây nêu nhưng mỗi lúc nghe bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên, tôi đều hình dung khung cảnh “Tết” rất rõ như thể được nhìn thấy, chứng kiến ngoài đời thật. Tôi bất giác nghĩ, lắm khi chẳng phải mỗi mình, mà biết bao nhiêu người đọc những vần thơ bất hủ đó hẳn đều phác họa cùng chung một khung hình. Nói vậy là bởi, có những hình ảnh được lưu truyền trong dân gian tự bao giờ đã khắc sâu trong tâm khảm người Việt, bất kể già trẻ lớn bé. Để từ đó, người ta mới có thể gìn giữ mãi những giá trị cũ xưa mà cha ông để lại. Hình tượng ông đồ già với chiếc áo the đen, bên tấm giấy đỏ, cùng đôi ba đứa trẻ vây quanh là một điểm nối thiêng liêng như vậy.
Tết nay, Tết xưa
Vài năm trở lại đây, chẳng khó để bắt gặp đôi lời thở than mỗi dịp xuân về, rằng Tết bây giờ buồn chán. Thực ra, dẫu thời gian có làm nhạt phai đi nhiều thứ, Tết ngày nay vẫn chính là Tết ngày xưa, vẫn là dịp đặc biệt không gì thay thế được qua hàng ngàn năm lịch sử. Những ngày đầu xuân luôn mang lại cảm giác thiêng liêng đến nỗi dường như mọi suy nghĩ, thái độ, hành động cũng đều được uốn cong khỏi quy luật thường ngày.
Châu bản triều Nguyễn, thời vua Thành Thái có viết: “Vâng xét lệ trước, hàng năm, ngày Trừ tịch và ba ngày Tết Nguyên đán, tổng cộng là bốn ngày, trừ việc quan trọng cấp bách cần tiến trình ngay, còn lại việc tầm thường của các bộ nha xin dừng việc tiến bài”. Chẳng phải ngày nay cũng thế, từ khoảng độ 28 tháng Chạp đến mồng 3 tháng Giêng, người ta đều cố gắng gạt hết những lo toan mưu sinh, việc vàng bù đầu, chỉ để tận hưởng vài khoảnh khắc xuân chóng vánh.
Theo phong tục truyền lại, mùng 1 Tết có lẽ là ngày quan trọng nhất, quyết định tinh thần của cả một năm sắp tới. Chính vì thế, khi xuất hành đầu năm, người ta vẫn giữ lệ mua một nắm muối, dù với cái giá hơi… sai nhưng cũng không ai bận lòng; hay lỡ va quệt xe trên đường cũng chỉ ngoái lại nhoẻn nụ cười thân ái.
Thậm chí, anh cảnh sát giao thông đột nhiên “lơ là” nhiệm vụ khi bắt gặp cặp nam thanh nữ tú không đội mũ bảo hiểm vì sợ làm hư mái tóc đã được chải chuốt điệu đà. Có lẽ thật khó để phán xét hành động của người chấp pháp trong tình huống trên, dù soi chiếu dưới góc độ pháp luật hay đạo đức. Mà hình như cũng chẳng ai phiền lòng phán xét. Tôi mạo muội gọi đó là “lệ” ngày xuân. Thực ra, Tết là đấy chứ đâu, len lỏi trong huyết quản, qua từng khoảnh khắc nhỏ nhoi, chỉ có chúng ta là vô tình lãng quên đi mất.
Giữ lấy Tết xưa từ nghệ thuật… vô danh
Như sắp đặt của tạo hóa, mùa xuân là lúc bầu trời xanh trong, trăm hoa đua nở, chim hót rộn ràng. Hòa với đất trời, lòng người cũng phấp phới những niềm cảm hứng, mà từ đó, bao áng thơ văn, nhạc họa đã ra đời. Trong bốn mùa, thứ nghệ thuật khắc sâu với công chúng nhất không gì khác ngoài nghệ thuật ngày xuân. Khắp mọi miền trên dải đất hình chữ S, người ta dễ dàng bắt gặp các loại hình chào xuân tươi vui, tràn đầy nhựa sống.
Đó có thể là hò, trống quan, quan họ, chèo, tuồng… cũng có thể là hát then, khắp, cồng chiêng, khèn… Từ miền xuôi đến miền ngược, đâu đâu cũng hân hoan hát múa chờ xuân về. Thỏa phần nghe thì cũng phải mãn phần nhìn, tranh Tết, nổi bật nhất là tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống, trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa dân gian ngày Tết.
Kỳ thực mà nói, nếu so sánh với nghệ thuật hiện đại, hay nghệ thuật phương Tây cùng thời, nhạc họa Việt Nam khó có thể so bì về mặt kỹ thuật. Âm nhạc của chúng ta chân phương, hội họa của chúng ta mộc mạc; nhưng đấy mới chính là hồn cốt của dân tộc. Người Việt ngàn đời nay vẫn vậy, cái chất phác chẳng làm sao giấu được, mà bày tỏ ngay trong từng âm sắc nghệ thuật.
Để nói thêm rằng, dường như nước ta thời kỳ cận đại trở về trước không có một nền nhạc họa mang dấu ấn nghệ thuật cá nhân. Trong bốn thú vui “cầm, kỳ, thi, họa” thì cũng chỉ có thơ văn là ghi lại bút tích tác giả. Thậm chí, âm nhạc nói đúng ra còn chịu số phận hẩm hiu nhất, chỉ được xem là “phường chèo, con hát”, “xướng ca vô loài”. Có lẽ, dưới ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, phần nhiều nghệ thuật mang đậm tính cá nhân khó có chỗ đứng, trừ tác phẩm của tầng lớp vua chúa, quan lại, mà chỉ những giá trị tập thể mới xứng đáng được suy tôn.
Nhưng có lẽ nhờ vậy mà văn hóa Việt Nam là một kho tàng bất tận về nghệ thuật dân gian. Dân gian thì đương nhiên là… vô danh (ở góc độ cá nhân). Mỗi làn điệu, khúc hát, mỗi nét vẽ, điệu múa đều chỉ được xướng lên dưới danh xưng của cả cộng đồng. Từ đó, sức sống của các loại hình nghệ thuật này mới trường tồn mãi với thời gian, chẳng cần phải ghi chép tỉ mỉ. Sắc xuân cổ truyền cũng theo đó mà vang vọng mãi đến tận thế hệ ngày nay. Luật lệ xưa vốn là vậy. Người ta chẳng màng (và chẳng thể) mưu cầu danh tiếng cá nhân, chỉ đành gửi gắm chúng trong những khúc hoan ca tập thể.
Khi phương Tây gõ cửa phương Đông
Sẽ là quá vội vàng nếu khẳng định xã hội cũ Việt Nam không có các ý niệm về bản quyền - vốn được xem là một sản phẩm của phương Tây. Tuy nhiên, có thể phỏng đoán rằng, chế định bản quyền, nếu có, cũng chỉ để lại dấu ấn hết sức mờ nhạt xuyên suốt các triều đại phong kiến; bởi lý do đơn giản, tinh thần của ngành luật này mâu thuẫn với các giá trị cốt lõi của Nho giáo. Người phương Tây tạo ra bản quyền trước hết là để tôn vinh cá nhân, và đặc biệt là bảo vệ cho một thứ tài sản tư hữu.
Trong khi đó, các loại hình nghệ thuật đón xuân được truyền lại đến ngày nay đều tồn tại dưới thể loại tác phẩm dân gian. Tức là, nếu thực sự tồn tại cái gọi là bản quyền ngày tết, bản quyền đó thuộc về công chúng. Có lẽ bởi vậy mà từ trong tâm tưởng, chúng ta đều thỏa sức tự do sử dụng, sáng tạo dựa trên các chất liệu sẵn có từ ngàn xưa.
Trở lại với mấy câu thơ “Ông Đồ”, chắc chẳng công cụ thống kê nào đếm được đã bao nhiêu người từng bắt gặp hình tượng ấy trên các tranh vẽ dân gian trang trí hay bày bán khắp nơi mỗi dịp xuân về. Từng bức hình tuy có biến tấu đi đôi chút, nhưng chỉ nhìn thoáng qua là đã nhận ra ngay. Cùng với ông đồ, các cụm tranh múa lân, ông địa, trẻ con du xuân, đàn, ca, sáo, nhị đã trở thành tư liệu dân gian muôn thuở. Chúng có thể không còn được sử dụng quá phổ biến, nhưng vẫn luôn là một phần không thể thiếu của Tết nay.
Vậy nhưng, luật bản quyền hiện đại đã thực sự tạo ra một “vùng xám”, làm xô lệch những ý niệm truyền thống của công chúng Việt Nam. Việc sáng tạo dựa trên chất liệu dân gian hóa ra không tự do thỏa chí như ta lầm tưởng. Ngoài việc hiển nhiên là phải ghi nhận nguồn gốc dân gian của tác phẩm khi đưa đến công chúng, các tác giả đôi khi còn vướng phải tranh chấp pháp lý. Chẳng hạn, một họa sĩ từng khởi kiện nhiều nơi với cáo buộc các bên xâm phạm liên quan đến tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” do ông sáng tác. Vấn đề mấu chốt ở đây là tác phẩm của ông thực chất chỉ kết hợp giữa các cụm hình ảnh đã lưu truyền từ lâu trong dân gian như ông đồ, múa lân, du xuân… Tranh chấp nổ ra giữa các bên khi nhiều nơi cũng treo tranh chứa các cụm hình tương tự.
Ranh giới càng mong manh, sắc xuân càng phai nhạt
Luật bản quyền hiện đại vẫn ghi nhận sự hiện diện của loại hình nghệ thuật dân gian, như một cách để gìn giữ truyền thống. Nhưng đồng thời, chế định này cũng bảo vệ cho bất kỳ sự sáng tạo tối thiểu nào được thực hiện dựa trên tư liệu dân gian đó. Ranh giới này là hết sức mong manh, bởi pháp luật khó lòng có thể phán xét, hay đo lường giá trị nghệ thuật nói riêng, và sự sáng tạo cá nhân nói chung. Trong vụ kiện tranh Tết nói trên, chính các tòa án cũng vô cùng lúng túng trước thế lưỡng nan; dẫn đến những phán quyết trái ngược nhau: tòa này tuyên thắng, nhưng tòa khác lại bảo thua. Và rồi, vụ việc trở thành những tranh luận không có hồi kết về giới hạn của tác quyền.
Hệ thống bản quyền nghiêm ngặt sắm vai trò thúc đẩy sự sáng tạo, từ đó, phát huy giá trị văn hóa dân gian để chúng thực sự mang hơi thở của đời sống hiện đại. Tuy nhiên, công chúng cũng cần một không gian đủ tự do cho việc gìn giữ và lan tỏa thứ tài sản vô giá của cả dân tộc. Vì lẽ đó, nguyên tắc cân bằng giữa quyền của chủ sở hữu với lợi ích công cộng trở thành yếu tố mang tính sống còn của toàn bộ hệ thống pháp luật về bản quyền. Chỉ cần cán cân này nghiêng lệch, lắm khi những người trẻ mai sau sẽ phải trả tiền để hít thở trọn vẹn bầu không khí Tết xưa.
Ngày xuân nay, hiếm hoi lắm mới thấy một gia đình, một cửa hàng bày lên vài bức tranh Tết dân gian. Liệu họ có còn duy trì niềm vui đó cho những thế hệ tiếp theo nếu như cứ phải phập phồng lo lắng về chuyện bản quyền. Vũ Đình Liên đã từng kết lại “Ông Đồ” bằng đôi câu thơ cám cảnh:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Sự du nhập của những triết lý hiện đại phương Tây là điều tất yếu trong tiến trình hội nhập quốc tế. Giữa dòng chảy đấy, việc lập pháp cũng phải tìm về bản sắc hồn cốt ngàn đời của dân tộc mà cất giữ, mà lan truyền. Làm thế nào để mỗi người Việt đều có quyền của riêng mình níu giữ lấy nét xuân ngày cũ? Chỉ có như vậy, pháp luật mới thực sự đi vào đời sống. Cũng chỉ có vậy, sắc xuân xưa mới được thắm mãi trong lòng Tết nay.