Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng đóng cửa của quỹ hỗ tương đầu tư chứng khoán ở Trung Quốc

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cơn suy sụp của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giáng một đòn nặng nề vào lĩnh vực quản lý tài sản của nước này, khiến các quỹ tương hỗ thanh lý tài sản và đóng cửa hàng loạt.

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ chịu thiệt hại lớn khi các quỹ tương hỗ thanh lý tài sản để đóng cửa trong bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc suy sụp. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, khoảng 240 quỹ tương hỗ ở Trung Quốc thanh lý tài sản và đóng cửa hồi năm ngoái. Đó là số lượng quỹ tương hỗ đóng cửa lớn nhất kể từ năm 2018, khi giới chức trách ban hành các quy định quản lý nghiêm ngặt hơn đối với ngành công nghiệp quản lý tài sản. 80% trong số các quỹ đóng cửa chuyên đầu tư chứng khoán. Xu hướng đó tiếp tục trong năm nay, với 14 quỹ khác đã thanh lý tài sản và 24 quỹ cảnh báo sẽ đóng cửa.

Lĩnh vực quỹ tương hỗ của Trung Quốc đang đối mặt với tình cảnh khó khăn gấp bội khi tình trạng bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của đất nước ngày càng nghiêm trọng. Số lượng quỹ tương hỗ đóng cửa tăng nhanh đúng lúc số lượng quỹ đăng ký thành lập giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên.

Quỹ tương hỗ là hình thức góp vốn của nhiều nhà đầu tư, từ đó tạo nên một quỹ lớn chung. Các nhà vận hành sẽ dùng số tiền đó để đầu tư vào những loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu. Khi hoạt động của quỹ tương hỗ sinh ra lợi nhuận, những người góp vốn sẽ được chia đều số tiền lãi và ngược lại, có thể cùng chia đều số tiền lỗ.

Hoạt động thanh lý tài sản cổ phiếu của các quỹ tương hỗ càng đẩy nhanh vòng xoáy đi xuống của thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới. “Hiệu suất yếu kém là yếu tố quan trọng dẫn đến sự sụt giảm của số lượng quỹ tương hỗ đăng ký mới, và thậm chí là hoạt động thanh lý của các quỹ hiện tại”, Li Yiming, nhà phân tích cấp cao ở trung tâm nghiên cứu quỹ của Morningstar, bình luận.

Đợt bán tháo cổ phiếu gần đây đã biến Trung Quốc trở thành thị trường chứng khoán lớn hoạt động kém nhất thế giới trong năm mới giữa lúc sự sụt giảm nhà ở và áp lực giảm phát dai dẳng đè nặng lên triển vọng kinh tế.

Chỉ số CSI 300, theo dõi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến, tăng 1,4% trong phiên giao dịch hôm 18-1 sau khi có dấu hiệu các quỹ nhà nước mua mạnh. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, chỉ số này đang giảm 4,7% sau ba năm liên tiếp mất điểm.

Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc yêu cầu các sản phẩm quỹ tương hỗ phải có ít nhất 200 nhà đầu tư và huy động tối thiểu 200 triệu nhân dân tệ (27,8 triệu đô la) để hoạt động..Khi giá trị tài sản của quỹ giảm xuống dưới 50 triệu nhân dân tệ trong 60 ngày giao dịch liên tục, quỹ phải thông báo với cơ quan quản lý và đề xuất giải pháp, bao gồm cả việc chấm dứt hoạt động.

Nhiều quỹ thích giải pháp thanh lý hơn do sự phức tạp của các lựa chọn thay thế, như sáp nhập với một quỹ khác. Việc đóng cửa quỹ có nghĩa là buộc phải bán cổ phiếu trong danh mục đầu tư và trả lại số tài sản còn lại cho nhà đầu tư với mức thua lỗ. Điều này sẽ đặc biệt gây tổn thương cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người mà trong thời gian qua tiếp tục mua chứng chỉ của những quỹ này với hy vọng sẽ gặt hái lợi nhuận trong dài hạn.

Chẳng hạn, một quỹ của Công ty quản lý tài sản CCB thanh lý vào tháng 8 sau khi tài sản do quỹ này nắm giữ giảm xuống còn 30 triệu nhân dân tệ, tương đương hơn 1/10 so với tổng giá trị tài sản của quỹ khi ra mắt vào năm 2017.

Theo China Securities Index Co, các quỹ tương hỗ được quản lý chủ động, từng là công cụ đầu tư ưa thích của các nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc, đang mất sức hấp dẫn. Một chỉ số về các quỹ tương hỗ chuyên đầu tư chứng khoán ở Trung Quốc giảm 7,7% trong năm nay.

Trong khi đó, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) cũng bị xa lánh sau khi thu hút lượng nhà đầu tư kỷ lục hồi năm ngoái. Quỹ ICBC Credit Suisse CSI Consumer Top ETF, ra mắt vào tháng 10, nằm trong số các quỹ ETF đang vật lộn để tồn tại. Hồi đầu tháng này, quỹ cảnh báo nhà đầu tư rằng, giá trị tài sản ròng của quỹ đã rơi xuống dưới mức 50 triệu nhân dân tệ trong 45 phiên giao dịch. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thêm năm ngày giao dịch nữa, quỹ sẽ chấm dứt hoạt động.

“Có những quỹ đã được thành lập cách đây ba năm nhưng  bây giờ đang chịu áp lực thanh lý do nhà đầu tư rút tiền (bằng cách bán chứng chỉ quỹ). Vì vậy, có nhiều lo ngại về áp lực bán ra trong ngắn hạn và đó là lý do tại sao nhà đầu tư trong nước chưa sẵn sàng tham gia thị trường chứng khoán vào lúc này”, Nicholas Yeo, người đứng đầu bộ phận ngihên cứu cổ phiếu Trung Quốc tại Công ty quản lý đầu tư Abrdn, nói.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới