Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dần hé lộ

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngày 30-1-2024 mới là hạn cuối để các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quí 4-2023. Đến thời điểm đầu tuần này (22-1-2024), đã có xấp xỉ hơn 470 doanh nghiệp trên ba sàn công bố báo cáo tài chính, mẫu số chung cho thấy kết quả kinh doanh quí 4-2023 có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.

Lãi sau thuế quí 4-2023 của Sacombank đạt 2.140 tỉ đồng, tăng 22%. Ảnh: T.L

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh

Không nằm ngoài dự đoán, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục có một quí kinh doanh bội thu, trước diễn biến phục hồi tích cực của thị trường chung trong hai tháng cuối năm 2023 và kéo dài cho đến nay.

Thị trường chứng khoán phục hồi tích cực khiến giao dịch sôi động hơn không chỉ giúp mảng môi giới và cho vay margin của các công ty chứng khoán (CTCK) khởi sắc hơn trong quí 4-2023, mà còn giúp danh mục đầu tư của các CTCK ghi nhận lãi lớn trở lại hoặc giảm lỗ mạnh.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng dù vẫn báo lãi lớn nhưng lại có sự phân hóa đáng kể về tốc độ tăng trưởng. Nhóm tiếp tục duy trì đà tăng mạnh có thể kể đến BIDV lãi sau thuế quí 4-2023 đạt 6.083 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2022; LPBank lãi 2.628 tỉ đồng, tăng vọt 293%; Sacombank lãi 2.140 tỉ đồng, tăng 22%. Ngược lại, Vietcombank lãi 9.265 tỉ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2022; VIB lãi 1.980 tỉ đồng, giảm 10,7%; đáng kể là TPBank lãi 494 tỉ đồng, giảm mạnh hơn 67%.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng phân hóa, cùng với áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo diễn biến nợ xấu có sự khác biệt, là yếu tố chính tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng trong quí 4-2023 nói riêng và năm 2023 nói chung. Đáng chú ý, trong đó một số ngân hàng có lẽ đã chủ động trích lập dự phòng lớn hơn nhiều số cần trích, nhằm gia tăng bộ đệm dự phòng rủi ro trước thách thức nợ xấu có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Nhóm doanh nghiệp sản xuất điện có sự phân hóa đáng kể, khi một số doanh nghiệp bất ngờ tăng trưởng trở lại trong quí 4-2023 sau khi giảm sâu trong ba quí trước đó, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận mở rộng và sản lượng huy động tích cực. Như Nhiệt điện Quảng Ninh (UpCom: QTP) lãi gấp 11 lần cùng kỳ; Thủy điện Bắc Hà (UpCom: BHA) lãi gấp 9,5 lần cùng kỳ; Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) lãi tăng 117%, lên 150 tỉ đồng; Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (HOSE:NT2) lãi tăng 50%, lên 250 tỉ đồng. Ngược lại, Thủy điện Hủa Na (HOSE: HNA) giảm 51%; Thủy điện Sê San 4A (HOSE: S4A) giảm 37%; Sông Ba (HOSE: SBA) giảm 30%, thậm chí Nhiệt điện Hải Phòng (UpCom: HND) lỗ ròng 115 tỉ đồng.

Một số doanh nghiệp lớn khác cũng công bố lợi nhuận quí 4-2023 tăng trưởng mạnh như Hòa Phát (HOSE: HPG) lãi sau thuế 2.969 tỉ đồng, tăng 249%; Long Hậu (HOSE: LHG) ghi nhận lãi ròng tăng 90%; Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HOSE: D2D) tăng 69%; Dịch vụ phân phối tổng hợp Dầu khí (HNX: PSD) tăng 72%; Cảng Đồng Nai (HOSE: PDN) tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước;

Giá cổ phiếu chững lại và ngược chiều xu hướng của một số doanh nghiệp

Việc phần lớn các doanh nghiệp công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh là chất xúc tác đẩy thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ từ đầu năm 2024 đến nay. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là không ít doanh nghiệp trong số này dù công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh, nhưng lại chứng kiến giá cổ phiếu có diễn biến đi ngang hoặc chịu áp lực bán chốt lời sau khi thông tin được công bố. Điều này cho thấy kết quả lợi nhuận của những doanh nghiệp này đã được dự báo sớm và phản ánh vào đà tăng giá cổ phiếu trong thời gian qua, do đó không còn mang tính bất ngờ khi được công bố.

Thị trường đã đi vào vùng quá mua và sắp chạm ngưỡng kháng cự sau chuỗi tăng mạnh từ đầu tháng 1 đến nay, nhà đầu tư có lẽ cũng đang thận trọng hơn, nhất là khi phía trước là kỳ nghỉ Tết dài ngày có thể khiến thanh khoản sụt giảm trong những phiên sắp tới. Vì vậy, giá cổ phiếu các doanh nghiệp đã tăng mạnh trong thời gian qua cũng có dấu hiệu chững lại, bất chấp kết quả kinh doanh tốt được công bố.

Đáng chú ý, trong khi hầu hết các doanh nghiệp cho thấy lợi nhuận đã tạo đáy trong quí 2, quí 3-2023 và phục hồi ấn tượng trong quí 4-2023, vẫn có những doanh nghiệp ngược chiều xu hướng chung khi công bố lợi nhuận sụt giảm mạnh hoặc thậm chí tiếp tục thua lỗ. Đơn cử như ở nhóm cao su, Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) báo lãi ròng quí 4-2023 giảm mạnh 64% xuống còn 151 tỉ đồng, do quí 4-2022 ghi nhận tới 409 tỉ đồng thu nhập khác từ tiền đền bù để giao đất thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3, đến quí 4-2023 chỉ ghi nhận 84 tỉ đồng.

Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp khác cũng chứng kiến lãi ròng quí 4-2023 suy giảm so với cùng kỳ, như Than Cọc Sáu - Vinacomin (HNX: TC6) giảm 85%; Than Vàng Danh (HNX:TVD) giảm 59%; Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (HOSE: PGD) giảm 55%; Sách và Thiết bị giáo dục Miền Nam (HNX: SMN) giảm hơn 50%; Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UpCom: DRI) giảm 36%; …

Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp vẫn chìm trong thua lỗ, với con số 50 công ty báo lỗ trong quí 4-2023 tính đến đầu tuần này; nếu xét theo cả năm 2023 hiện cũng có 24 công ty ghi nhận lỗ. Có thể kể đến như Sông Đà 6 (HNX: SD6) quí 4 lỗ 75 tỉ đồng, cả năm 2023 lỗ 150 tỉ đồng; Xi măng VICEM Hải Vân (HOSE: HVX) quí 4 lỗ gần 30 tỉ đồng, cả năm lỗ 64 tỉ đồng; Xi măng VICEM Bút Sơn (HNX: BTS) quí 4 lỗ 32 tỉ đồng, cả năm lỗ 96 tỉ đồng; Viglacera Hạ Long (HNX: VHL) quí 4 lỗ 25 tỉ đồng, cả năm lỗ 70 tỉ đồng…

Điều này cho thấy bên cạnh những doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi tăng trưởng trở lại, được hỗ trợ khi chi phí lãi vay giảm, vẫn còn không ít doanh nghiệp chìm trong muôn vàn khó khăn, các hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn trong xu hướng suy giảm, trong khi các nguồn thu nhập khác trong năm 2023 cũng không còn cao như năm trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới