Thứ ba, 31/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Triển vọng thương mại năm 2024 phụ thuộc nhiều vào Mỹ

Phan Đình Mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tình hình giá cả các mặt hàng cơ bản như lương thực và năng lượng trong những tháng cuối năm 2023 trở nên ổn định hơn và lãi suất cũng dễ thở hơn. Điều này cùng với các diễn biến khác liên quan đến bầu cử ở Mỹ và các chính sách kinh tế tiếp theo sẽ là các nguyên nhân chi phối các chỉ số kinh tế, thương mại và đầu tư năm 2024.

Kinh tế thế giới năm 2024 sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ.

Hoạt động thương mại sẽ phụ thuộc hai yếu tố chính. Thứ nhất là yếu tố thuần kinh tế của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và ở mức độ nào đó là châu Âu. Đánh giá đầu tiên là liệu chỉ số lạm phát có giảm về tiệm cận mức 2% hay không, vì chỉ số này quyết định đến các chính sách lãi suất và sau đó ảnh hưởng đến tiêu dùng và thương mại của Mỹ, châu Âu và toàn cầu.

Những tháng cuối năm, nhìn chung tình hình lãi suất đã dịu bớt tại Mỹ và châu Âu và nếu xu hướng này được duy trì thì kinh tế và thương mại thế giới được hưởng lợi phần nào do chi phí kinh doanh giảm xuống trong khi kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng tương đối theo kịch bản hạ cánh mềm. Với xu hướng lạm phát càng giảm và lãi suất cho vay sẽ giảm theo, sẽ tạo tiền đề kích thích tiêu dùng và thương mại quốc tế trong năm 2024.

Thứ hai là yếu tố chính sách của người đứng đầu các nền kinh tế lớn, như Mỹ. Câu hỏi đặt ra là các nhà lãnh đạo sẽ theo xu hướng toàn cầu hóa và tự do kinh tế hay theo hướng bán toàn cầu hóa và dựa vào học thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo, nghĩa là chủ động thúc đẩy sản xuất nội địa với hàng có lợi thế so sánh và mua hàng không có lợi thế. Và một ngữ cảnh thứ ba là các nước lớn theo đuổi chính sách chống toàn cầu hóa và thực hiện chủ nghĩa bảo hộ và chiến lược sản xuất thay thế hàng nhập khẩu.

Hiện tại hầu hết các nền kinh tế trên thế giới vận hành theo cách số hai, có nghĩa là họ hỗ trợ sản xuất sản phẩm có lợi thế để tiêu dùng và xuất khẩu còn nhập khẩu sản phẩm không có lợi thế so sánh.

Tuy nhiên, nếu các nước lớn theo đuổi chính sách theo cách thứ ba thì thương mại toàn cầu gặp khó khăn và bản thân nước thực hiện, như Mỹ chẳng hạn, cũng gặp khó khăn cả ngắn hạn và trung hạn do người tiêu dùng phải mua hàng hóa với giá đắt đỏ hơn, nhất là với Mỹ khi mà tiêu dùng là động lực tăng trưởng kinh tế chính.

Kinh tế thế giới năm 2024 sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, vì đây là người mua lớn nhất cho phần lớn hàng hóa toàn cầu. Nếu người Mỹ duy trì sức mua ổn định, kinh tế thế giới sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định trong năm 2024.

Cơ cấu nhập khẩu của Mỹ năm 2022 chủ yếu là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng và cũng là đầu vào cho ngành thương mại. Sản xuất và lắp ráp các mặt hàng này không phải là lợi thế của Mỹ do chi phí nhân công rất đắt đỏ. Theo worldtopexports.com, trong cơ cấu nhập khẩu của Mỹ năm 2022, máy móc, thiết bị điện là 477,1 tỉ đô la (14,1% tổng kim ngạch nhập khẩu); máy móc bao gồm máy tính 475,9 tỉ đô la (14,1%); phương tiện 329,6 tỉ đô la (9,8%); nhiên liệu khoáng bao gồm dầu 322,7 tỉ đô la (9,6%); dược phẩm 165 tỉ đô la (4,9%); thiết bị quang học, kỹ thuật, y tế 115 tỉ đô la (3,4%); đá quý, kim loại quý: 97 tỉ đô la (2,9%); nhựa, sản phẩm nhựa 89,9 tỉ đô la (2,7%).

Ngay các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ, phần lớn lợi nhuận cũng đều do người Mỹ chi phối qua việc kiểm soát các khâu giá trị giá tăng cao trong chuỗi giá trị. Chẳng hạn, với chiếc iPhone thì Apple chiếm hơn 50% phần lợi nhuận gồm nghiên cứu, phát triển sản phẩm và bán hàng cùng các dịch vụ đi kèm. Tương tự như vậy, các sản phẩm khác cũng ghi nhận phần lớn lợi nhuận vào tay các công ty Mỹ như lĩnh vực điện tử, thiết bị, công cụ, phương tiện vận tải,...

Vì vậy, nếu Mỹ hạn chế thương mại với sản phẩm (hay một khâu nào đó) trong chuỗi giá trị mà Mỹ không có lợi thế sẽ làm giá hàng hóa tại Mỹ tăng lên, ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng vốn chiếm đến 70% GDP của nước này.

Còn các khoản đầu tư FDI của Mỹ ra nước ngoài (lên đến hơn 400 tỉ đô la hàng năm) cũng gặp bất lợi do họ không thể “tái nhập” sản phẩm vào thị trường Mỹ.

Theo thống kê của Bereau of Economic Analysis, trong năm 2022 xuất khẩu dịch vụ của Mỹ là 928,5 tỉ đô la và nhập khẩu dịch vụ là 696,7 tỉ đô la. Trong năm 2021, các dịch vụ được cung cấp cho người nước ngoài thông qua các chi nhánh nước ngoài của các doanh nghiệp đa quốc gia Mỹ (MNE) là 1.951,7 tỉ đô la và các dịch vụ được cung cấp cho người Mỹ thông qua các chi nhánh của các MNE nước ngoài là 1.322,3 tỉ đô la.

Vì vậy, giữ được xu hướng thương mại toàn cầu dựa vào lợi thế so sánh sẽ giúp hoạt động thương mại ổn định trong năm 2024 và điều này phụ thuộc vào định hướng chính sách của Mỹ.

Kinh tế thế giới năm 2024 sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, vì đây là người mua lớn nhất cho phần lớn hàng hóa toàn cầu. Nếu người Mỹ duy trì sức mua ổn định, kinh tế thế giới sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định trong năm 2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới