(KTSG Online) - Chính quyền Nhật Bản đang thực hiện thí điểm nhiều loại visa khác nhau nhằm thu hút lao động có tay nghề cao của nước ngoài. Đây là chính sách để ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản. Mới nhất là loại visa trong sáu tháng dành cho “dân du mục số” (digital nomad) hay căn cơ hơn là chương trình Visa kỹ sư của thành phố Fukuoka.
- Người Việt Nam dẫn đầu số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản
- Nhật Bản muốn hút tiền nhàn rỗi vào kênh đầu tư cho startup
- Ngân hàng Nhật Bản tấp nập rót vốn cho startup, kỳ vọng tạo kỳ lân
Nhật Bản hiện có hai loại visa chính dành cho lao động có tay nghề cao. Trong đó, loại 1 chỉ có thể ở lại nước này tối đa năm nay và loại 2 có thể gia hạn tình trạng cư trú vô thời hạn và có thể đưa các thành viên trong gia đình sang tái định cư ở Nhật. Tuy vậy, loại 2 chỉ áp dụng cho ngành xây dựng và đóng tàu. Thị thực cấp cho y tá được phép lưu trú vô thời hạn với một trình độ chuyên môn khác.
Nhật Bản cũng đưa ra loại visa có thời hạn hai năm dành cho nhà sáng lập startup nước ngoài mà không cần thành lập doanh nghiệp hay đầu tư tại Nhật Bản.
Chuẩn bị có visa cho “dân du mục số”
Trong thông cáo hôm 2-2, Cơ quan dịch vụ di trú Nhật Bản (ISA) cho biết, loại visa mới dành cho người lao động có tay nghề cao làm việc từ xa ở nước ngoài được tự do nhập cảnh, làm việc và du lịch tại Nhật Bản trong sáu tháng.
ISA tin rằng loại visa mới sẽ thu hút “dân du mục số” (digital nomad), tức những người có thể làm việc bất cứ nơi nào họ đến thông qua mạng Internet. Dân du mục số, chủ sở hữu các công ty ở nước ngoài, các YouTuber có ảnh hưởng hay người sáng tạo nội dung số là những đối tượng hưởng lợi của loại visa mới. ISA bắt đầu lấy ý kiến công chúng từ hôm 3-2 và hy vọng sẽ triển khai vào cuối tháng 3-2024.
Hiện nhóm khách tiềm năng trên thường nhập cảnh Nhật Bản bằng loại visa tương tự, nhưng họ không được phép làm việc và chỉ được lưu trú tối đa 90 ngày.
Để đủ điều kiện được cấp loại visa mới, ứng viên phải có thu nhập hàng năm tương đương 10 triệu yen (68.000 đô la) trở lên. Là công dân của một trong 50 quốc gia và lãnh thổ có thỏa thuận miễn visa với Nhật Bản và có bảo hiểm y tế tư nhân.
Những người tự kinh doanh sẽ chỉ đủ điều kiện của loại visa mới nếu họ kinh doanh và kiếm doanh thu ở nước ngoài. Họ sẽ được phép mang theo các thành viên gia đình được bảo hiểm y tế tư nhân chi trả.
Làm việc từ xa đã trở nên phổ biến trên toàn cầu kể từ khi Covid-19 bùng phát. Theo trang web thông tin du lịch A Brother Abroad, hiện có khoảng 35 triệu người du mục kỹ thuật số và con số này vẫn gia tăng mỗi năm.
Tuy nhiên, vẫn có một vài “dân du mục số” nói rằng loại visa mới không thật sự hấp dẫn, bởi có hơn 60 quốc gia cấp loại visa này với thời hạn lâu hơn và ưu đãi nhiều hơn về thuê nhà, thuế thu nhập cá nhân… Trong đó có thể kể đến Bali của Indonesia, các thành phố lớn của Thái Lan hay Dubai và Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)…
Công ty Việt Nam hưởng lợi với visa kỹ sư
Việt Nam hiện dẫn đầu về số lượng người lao động nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 518.000 người, chiếm 25,3% trong tổng số hơn 2 triệu lao động nước ngoài tại nước này. Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ cao trong số hơn 500.000 người lao động kỹ năng đặc định.
Hôm 13-11-2023, chính quyền thành phố Fukuoka đã bắt đầu chương trình xử lý nhanh đơn xin visa của các kỹ sư công nghệ thông tin (IT) nước ngoài. VMO Japan, công ty con tại Nhật Bản của tập đoàn công nghệ thông tin VMO Holdings có trụ sở tại Hà Nội là doanh nghiệp đầu tiên thụ hưởng chương trình này.
Chương trình của Fukuoka được xây dựng từ chính sách “đặc khu chiến lược quốc gia” của Nhật Bản nhằm hỗ trợ các công ty hoạt động tại thủ phủ tỉnh Fukuoka thu hút các kỹ sư tin học nước ngoài. Quá trình sàng lọc đơn xin visa trước đây thường mất hơn ba tháng do thông qua ISA. Nhưng theo chương trình mới, chính quyền Fukuoka chịu trách nhiệm kiểm tra các công ty tiếp nhận kỹ sư IT nước ngoài. Thời gian sàng lọc dự kiến còn khoảng một tháng.
Doanh nghiệp tại Fukuoka muốn tuyển dụng kỹ sư IT nước ngoài phải nộp đơn với chính quyền thành phố. Doanh nghiệp cần đăng ký, nộp báo cáo về tình hình tài chính, kế hoạch tuyển dụng và mộ tả công việc của kỹ sư IT nước ngoài mà họ dự định tuyển.
Chính quyền thành phố cùng với các cơ quan tư vấn quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ kiểm tra các điều kiện kinh doanh của người nộp đơn, bao gồm cả việc các công ty có hoạt động trong các ngành liên quan đến IT hay không. Các báo cáo về hệ thống quản lý và tính liên tục trong kinh doanh cũng được chính quyền chú trọng.
Các công ty đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ quản lý ổn định. Sau đó, công ty và kỹ sư cần nộp đơn đăng ký cư trú cùng với chứng chỉ quản lý cho chi nhánh ISA ở Fukuoka. Chứng chỉ có giá trị trong một năm và có thể được sử dụng nhiều lần trong thời hạn hiệu lực.
Chính quyền Fukuoka nói kiểm tra hồ sơ của công ty nộp đơn sẽ mất khoảng 2-4 tuần. Kỹ sư nước ngoài sẽ nhận được quyền cư trú khoảng hai tháng sau khi công ty đăng ký sử dụng chương trình Visa kỹ sư.
Tháng 5-2023, VMO Japan mở văn phòng thứ ba tại Fukuoka sau hai văn phòng đầu tiên tại Tokyo và Osaka. Chủ tịch HĐQT VMO Holdings Hoàng Tuấn Hải của nói rằng, văn phòng mới sẽ là cầu nối gữa các doanh nghiệp Việt Nam và Fukuoka. Qua đó, hỗ trợ các công ty Nhật tại vùng Kyushu cải thiện hiệu suất nhờ vào các kỹ thuật công nghệ mới mà VMO đang sở hữu. Chính vì thế, nhu cầu nhân sự của VMO Japan cũng gia tăng. Chương trình của Fukuoka hỗ trợ cho tăng trưởng kinh doanh của tập đoàn này tại Nhật Bản. Các kỹ sư từ Việt Nam đợt đầu mà VMO tuyển dụng đến Nhật Bản trong tháng 1 và tháng 2 này.
Thị trưởng Soichiro Takashima của Fukuoka bày tỏ rằng, chương trình Visa Kỹ sư sẽ hỗ trợ các kỹ sư tin học nước ngoài ở Fukuoka trước và trở thành mô hình cho cả nước.
Theo Nikkei Asia, ISA, VMO Holdings