(KTSG Online) - Trong tết Giáp Thìn này, nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại TPHCM và Hà Nội đã mở cửa đón khách ngay trong ngày đầu tiên của năm mới. Đến hôm nay (Mùng 2 Tết), số lượng siêu thị, cửa hàng mở cửa còn nhiều hơn. Nhiều nhà bán lẻ cho biết doanh số tăng trưởng tốt trong dịp tết Nguyên đán.
- Các địa phương lên kế hoạch phục vụ đi lại dịp cao điểm Tết 2024
- Một năm 'đạp gió rẽ sóng' ngoạn mục của doanh nghiệp
Tại TPHCM, ngày mùng 2 Tết (nhằm ngày 11-2), các siêu thị Co.opMart và cửa hàng Co.opFood thuộc Saigon Co.op đã mở cửa trong buổi sáng, chuẩn bị thêm những mặt hàng tươi sống như gà, hoa, trái cây tươi … để phục vụ những ngày lễ đầu năm của gia đình.
Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, chuỗi siêu thị và cửa hàng này mở cửa từ 8-12 giờ và sẽ trở lại hoạt động bình thường từ mùng 6 Tết.
Trong khi đó, SATRA đã mở 50 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods từ mùng 2 Tết. Những cửa hàng này hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ còn các cửa hàng còn lại hoạt động từ 6 giờ đến 13 giờ chiều. Từ mùng 4 Tết (13-2), những cửa hàng trong chuỗi hoạt động bình thường.
Đại diện các nhà bán lẻ cho biết, dù biết lượng khách trong những ngày này không nhiều bằng dịp bình thường nhưng đại diện các siêu thị và cửa hàng đã làm việc trước với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo có hàng hóa tươi mới mỗi ngày để cung cấp cho người tiêu dùng.
Với Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông, cho biết hệ thống siêu thị Big C, GO! tại TPHCM và trên cả nước đã chính thức mở cửa từ sáng mùng 2 Tết, tức là mở cửa từ 8 giờ sáng và đóng cửa sau 22 giờ đêm.
Trong khi đó, từ mùng 2 Tết, Hệ thống Lotte Mart cũng mở cửa trở lại một số khu vực. Nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng khác sẽ tiếp tục mở cửa trở lại trong hai ngày tới. Trong đó, chuỗi siêu thị đến từ Hàn Quốc của Emart sẽ mở cửa vào ngày mai (mùng 3 Tết) còn các siêu thị thuộc WinMart/WinMart+ sẽ mở cửa vào mùng 4 Tết.
Không những phục vụ nhu cầu mua sắm, nhiều siêu thị và trung tâm thương mại lớn còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động giải trí cho người dân.
Trong đó, tại Aeon Tân Phú (TPHCM), nhiều người đã đến đây vui chơi khi siêu thị mở cửa vào 11 giờ sáng ngày mùng 1. Các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON của nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản này cũng đã mở cửa hoạt động từ 11-12 giờ cùng ngày và tổ chức các chương trình khuyến mãi cho khách hàng trong dịp năm mới.
Nhìn lại thị trường Tết, nhiều doanh nghiệp bán lẻ và chuỗi siêu thị cho biết, trong 2 tuần đầu tháng chạp (tháng 12 Âm lịch), người tiêu dùng không mua sắm nhiều bằng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong khoảng 10 ngày cuối cùng của tháng Chạp 2023.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart (Saigon Co.op), cho biết trong tuần cuối cùng trước khi bước sang năm mới, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… đã đón hơn 2,2 triệu lượt khách đến tham quan, mua sắm. Sức mua sắm Tết tăng gấp 2-3 lần so với tháng kinh doanh bình thường.
Trong đó, sản phẩm được người dân mua sắm nhiều nhất gồm thịt gia súc, thịt gia cầm, bánh chưng, bánh tét, đồ uống, trái cây chưng mâm ngũ quả, bánh kẹo, mứt… Dịch vụ mâm cỗ gia tiên năm nay đặc biệt thu hút khách hàng nhờ sự tiện lợi, đa dạng, chay, mặn đầy đủ.
Với thương hiệu bán lẻ Emart Gò Vấp, sức mua trong mùa bán hàng Tết tăng 10% so với Tết năm 2023.
Đại diện WinCommerce, đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị WinMart và cửa hàng tiện lợi WinMart+/WIN, cũng cho biết những ngày cận Tết, sức mua tăng khoảng 15-20% so với tháng thường trong năm. Trong đó, Wincommerce ghi nhận doanh thu bán hàng trực tuyến tăng khoảng 21% so với Tết 2023; số lượng đơn đặt hàng tăng 30% so với tháng thường và tăng 25% so với cùng kỳ Tết 2023.
Nhóm hàng được mua nhiều gồm thịt, trái cây, thực phẩm khô, đồ gia dụng, bánh kẹo tết, mứt tết, đồ uống, thực phẩm khô. Đơn hàng trung bình dao động khoảng 250-260.000 VND. Riêng từ 30/1 - 5/2, giá trị giỏ hàng trung bình tăng đến 450.000 - 460.000 đồng.