(KTSG) - Bối cảnh kinh doanh thật khốc liệt khi các siêu thị và chuỗi cửa hàng dần lấy đi thị phần của chợ truyền thống, khi nền kinh tế vẫn chậm phục hồi và khi thế giới thay đổi mỗi ngày một nhanh, đặc biệt nơi ba lĩnh vực công nghệ, thương mại và thời tiết. Và đây là lúc cần tăng cường sức cạnh tranh cho tiểu thương và chợ truyền thống.
- Hà Nội hướng đến 100% chợ truyền thống không dùng túi nylon vào năm 2023
- Chuyện những tiểu thương đưa chợ truyền thống lên mạng
Khi dòng vốn đổ vào siêu thị và chuỗi cửa hàng thì chợ truyền thống và những con người của nó gần như bị lãng quên. Trên thực tế chợ truyền thống là một phần không thể thiếu của đời sống Việt Nam, nơi mà người dân không chỉ mua sắm hàng hóa mà còn giao lưu, chia sẻ và tạo dựng cộng đồng. Số liệu của Nielsen năm 2020 cho biết nước ta có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần và đạt doanh thu trên dưới 10 tỉ đô la mỗi năm.
Được hình thành song song với quá trình phát triển của đất nước, chợ truyền thống là một phần của lịch sử và văn hóa - thường được gọi là văn hóa chợ - bởi nơi đây người ta không chỉ giao dịch mua bán, mà còn trò chuyện, chia sẻ thông tin và tạo ra những mối quan hệ xã hội, hình thành nên một không gian đa dạng và sống động.
Hơn 10 năm trước tại Thái Lan, khi các chợ truyền thống bắt đầu suy thoái bởi làn gió công nghệ thì tiểu thương tại Bangkok đã bắt đầu một cuộc vượt đuổi ngoạn mục bằng chính việc áp dụng công nghệ. Và rồi Chính phủ Thái Lan nhanh chóng triển khai những biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho tiểu thương, đồng thời đầu tư nâng cấp các khu chợ.
Các biện pháp cấp thời lúc bấy giờ bao gồm hỗ trợ tài chính, giảm thiểu thuế, phí, tiền thuê đất và hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông. Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ Thái Lan (GSB) phân bổ ngân sách với lãi suất 0,01% đến các ngân hàng thương mại để từ đó họ cho doanh nghiệp nhỏ vay lại với lãi suất 2%. Ngày nay, du lịch là ngành kinh tế lớn gắn liền với các khu chợ truyền thống. Và nói tới Thái Lan, du khách ngày nay nói tới Chợ Nổi Damnoen Saduak, Chợ Đường Sắt Maeklong, hay Chợ Chatuchak…
Ở Việt Nam, tiểu thương là một khái niệm phổ biến để chỉ những người mua bán nhỏ lẻ. Họ có thể là cá nhân, hộ kinh doanh gia đình, con buôn, thương lái và thường hoạt động tại các khu chợ cùng các cửa hàng tạp hóa vây quanh hay nằm rải rác trong khu dân cư, tạo thành một dây chuyền cung ứng hoàn hảo cho nền thương mại truyền thống.
Thống kê cho biết năm 2017, nước ta có 5,14 triệu hộ kinh doanh - một cách gọi khác của tiểu thương. Con số này sau đó tăng nhanh theo mức tăng dân số và tốc độ phát triển đô thị, đồng thời biến động trồi sụt theo tình hình kinh tế của từng giai đoạn.
Trong hiện tại, khoảng 80% doanh số bán lẻ đến từ hệ thống thương mại truyền thống này. Nhưng rồi sự phát triển của các hình thức bán lẻ hiện đại (siêu thị, chuỗi cửa hàng) mỗi ngày một ảnh hưởng đến hoạt động của tiểu thương, lấy đi thị phần của họ, và buộc họ phải nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh khốc liệt.
Các khảo sát và nghiên cứu cho thấy, nhìn chung, đa phần tiểu thương nước ta đang ở mức thấp trong cả sáu lĩnh vực tác động đến năng lực cạnh tranh, đó là khả năng tiếp thị, khả năng tài chính, khả năng quản lý, uy tín thương hiệu, khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng, và cấp thiết nhất là khả năng đổi mới.
Và, cũng như ở Thái Lan trước đây, một số tiểu thương nước ta đã chọn công nghệ như một mặt trận ưu tiên đổi mới, làm cho gian hàng thực thể của họ thành gian hàng đa kênh, đồng thời hoạt động trong chợ và trên mạng, qua đó tăng cường khả năng tiếp thị và mở rộng thị trường từ trong khu chợ ra ngoài dân cư, thậm chí đến những nơi xa xôi nhờ sử dụng hệ thống shipper hiện hữu.
Đầu tư cho chợ truyền thống cần được coi trọng trong kế hoạch phát triển. Bởi chợ là trung tâm của sinh hoạt cộng đồng, và sức sống của chợ là sức sống của nền kinh tế.
Cuộc cạnh tranh giữa chợ và siêu thị là chuyện tất yếu, nhưng khi nguồn vốn của siêu thị mạnh hơn thì chợ không cần cạnh tranh trực diện mà cần khai thác thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Tạo điều kiện lôi kéo khách hàng bao gồm cả khách du lịch bằng văn hóa chợ. Các chuyên gia cho rằng giới tiểu thương nên chú ý tận dụng các ngõ ngách mà các công ty lớn không khai thác hoặc khó thâm nhập, đa dạng hóa sản phẩm, giá cả và chi phí bán hàng để tận dụng hết các phân đoạn thị trường, và mở rộng thị trường tạo tình trạng kinh doanh bền vững thông qua hệ thống đa kênh và nên thu hút khách bằng những giá trị độc đáo, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ.
Thật ra khuyết điểm lớn nhất của các chợ ở VN là đa số gian hàng không niêm yết giá, cộng thêm một số gian hàng nói thách quá mức khiến nhiều người ngại đi chợ mua hàng, vì nếu lỡ hỏi giá thấy đắt không mua thì sợ bị chửi hoặc bắt gặp một gương mặt khó coi của người bán. Trong khi đó các gian hàng online hay siêu thị đều niêm yết giá đầy đủ, người mua có thể biết giá như thế nào và quyết định mua hay không mua mà không sợ phản ứng của người bán như thế nào. Cộng thêm chuyện lúc này giao thông quá tải ở nhiều con đường khiến người mua thích được người bán giao tận nhà, mà việc này siêu thị, các gian hàng online đều làm rất tốt.
Đời đang thay đổi. Người cần đổi thay. Chợ vẫn không thể chết, vì văn hóa mua bán của VN, khác với nước ngoài. Văn hóa, sản phẩm hàng hóa riêng có của ta còn, thì luôn còn có cơ hội hấp dẫn. Chợ Hàn, chợ Cồn ở Đà Nẵng, khách nội, khách ngoại vẫn nườm nượp, giao dịch… mệt nghỉ. Online là lợi thế, nhưng không phải tất cả. Không gì bằng nhìn tận mắt, sờ tận tay, thưởng thức tại chỗ. Tất nhiên, mua bán bây giờ phải minh bạch, rõ ràng, và văn minh (văn minh về thái độ/ công nghệ…). Bà con tiểu thương đang biết phải tự thay đổi, nhưng cần có bàn tay trợ giúp hữu hiệu của các cấp chính quyền, kể cả toàn xã hội.
Lý Quang Diệu, tuy là rất cấp tiến nhưng ông luôn biết cách bảo vệ những gì thuộc về truyền thống, văn hóa đa dân tộc, nhân văn. Ai ở đời cũng cần có cách mưu sinh để tồn tại, cần có sự giúp đỡ, trừ khi làm điều phi pháp. Bao nhiêu lần dẹp buôn gánh bán bưng vỉa hè không được, ông đã cho thành lập phố riêng dành cho kinh tế vỉa hè. Vừa văn minh, vừa bản sắc. Đó là lý do dẫn đến tính cố kết, phát triển bền vững của xã hội hiện đại Singapore.