(KTSG) - Chia sẻ với báo chí nhân đầu năm mới Giáp Thìn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều dư địa để phát triển, lên tới 1,5-1,6 triệu tỉ đồng.
- Văn Phú Invest phát hành thành công 6,5 triệu trái phiếu ra công chúng
- Hết hy vọng Fed giảm lãi suất sớm, nhà đầu tư bán tháo trái phiếu
Thật vậy, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn không những nhiều tiềm năng mà còn rất quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực tài chính này một cách bền vững, để phục vụ cho phát triển kinh tế chỉ có thể thực hiện được trên nền tảng niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu.
Vì vậy, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể giải quyết suôn sẻ giá trị trái phiếu doanh nghiệp rất lớn đến hạn thanh toán trong năm nay hay không sẽ là liều thuốc thử quan trọng để xây dựng và củng cố niềm tin cho thị trường này.
Trong năm 2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn thanh toán lên đến hơn 310.000 tỉ đồng. Đây là năm có giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lớn nhất từ trước đến nay. Trong số những doanh nghiệp phát hành có trái phiếu tới hạn thanh toán, ngành ngân hàng với 29,7% tổng giá trị có lẽ sẽ giải quyết được không mấy khó khăn, nhưng với các doanh nghiệp còn lại thì sẽ là thử thách thực sự.
Ẩn số lớn nhất vẫn là các doanh nghiệp ngành bất động sản với gần 110.000 tỉ đồng và chiếm 34,9% tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đến hạn thanh toán. Đó là chưa kể gần 100.000 tỉ đồng trái phiếu của nhóm doanh nghiệp này đã được gia hạn cho chậm trả gốc hoặc lãi trong năm 2023 theo quy định của Nghị định 08.
Trong tình hình khó khăn của thị trường như hiện nay, việc tìm ra nguồn tiền để thanh toán cho các lô trái phiếu đáo hạn là vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp bất động sản cũng như doanh nghiệp phi tài chính khác. Trong năm ngoái, dù Nghị định 08 đã cho phép tạm lùi thực hiện một số quy định bắt buộc về xếp hạng tín nhiệm và nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp để hỗ trợ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng rất nhiều doanh nghiệp vẫn không thể phát hành trái phiếu mới để lấy tiền chi trả cho các lô trái phiếu đáo hạn. Nay quy định trên đã hết hiệu lực từ 1-1-2024, nên việc phát hành trái phiếu để lấy tiền trả nợ sẽ càng khó khăn hơn.
Vay tín dụng ngân hàng để lấy tiền trả nợ cho trái phiếu cũng không dễ, dù ngân hàng đang rất thừa tiền, vì hầu hết các lô trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong những năm trước đều không có tài sản bảo đảm nên sẽ chẳng ngân hàng nào dám nhận những trái phiếu này làm tài sản thế chấp để cho vay, nhất là khi thị trường bất động sản đang trầm lắng.
Ngoài ra, dù năm ngoái đã có một số doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công trái phiếu riêng lẻ, nhưng việc lãi suất huy động lên đến 12-14%/năm - cao hơn lãi suất vay ngân hàng rất nhiều, cũng phần nào cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất thấp.
Hiện nay đã có những ý kiến đề nghị cho tiếp tục lùi thời hạn áp dụng yêu cầu bắt buộc về xếp hạng tín nhiệm và quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ. Điều này có thể giúp doanh nghiệp dễ huy động tiền để trả nợ qua kênh trái phiếu hơn, nhưng việc loại bỏ một số tiêu chí đánh giá chất lượng trái phiếu phát hành lại không phải giải pháp căn cơ để khôi phục niềm tin với thị trường này.
Cả chủ đầu tư/ trái chủ/ tổ chức trung gian… đều phải tìm lại mình. Nói khác đi, làm mới lại chính mình. Nguyên lý thứ nhất, không được nếu không mất. Trước đây, ta “đánh bạc” với rủi ro, thì nay cần “đánh đổi” cùng rủi ro, phải chấp nhận thiệt hại một phần, để đổi lại nhiều phần uy tín và tài sản. Nguyên lý thứ hai, có mất có còn. Thế giới này biết bao nhiêu người/ công ty phá sản, không có nghĩa tiêu tan hết cơ hội ? Nguyên lý thứ ba, có còn hơn không. Có bột mới gột nên hồ. Một tia hi vọng vẫn có cơ làm nên một chân trời ánh sáng. Khi đó, trái phiếu sẽ là quả ngọt.