(KTSG Online) - Dòng tiền "hưng phấn" đổ vào các loại tài sản tài chính như vàng, tiền mã hóa đã khiến giá trị của nhóm này đồng loạt tăng cao trong thời qua. Tại Việt Nam, giá trị các loại tài sản tài chính như cổ phiếu, vàng hay đô la cũng bắt nhịp với chu kỳ tăng.
- Giá vàng vượt mốc 81 triệu đồng/lượng
- Tỷ giá, lãi suất bất ngờ ‘nhảy nhót’ trở lại
- Giá vàng nhẫn trơn lập kỷ lục mới
Vàng thế giới lập đỉnh mới, bitcoin tiến sát kỷ lục cũ
Trên thị trường tiền mã hóa, đồng bitcoin (BTC) vẫn tiếp tục gây sự chú ý khi tăng mạnh lên mức 68.869 đô la Mỹ/đồng vào rạng sáng ngày 6-3 (theo giờ Việt Nam), tiến sát tới mốc kỷ lục từ trước đến nay là 69.000 đô la/đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, BTC đã giảm về mức 63.227 đô la/đồng. Mặc dù giảm mạnh hơn 7,5% trong vòng 1 ngày qua, nhưng đồng tiền mã hóa này vẫn tăng đến gần 11% chỉ trong vòng 1 tuần qua.
Tương tự với đồng bitcoin, các loại đồng tiền mã hóa khác cũng tăng đột biến. Vì vốn hóa nhỏ, có nhiều loại đồng tiền tăng đến hàng trăm phần trăm.
Theo số liệu của CoinmarketCap, giá trị vốn hóa của đồng bitcoin đã tăng lên đến gần 1.240 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh so với con số gần 830 tỉ đô la Mỹ hồi đầu năm 2024.
Tiền mã hóa không phải là nơi trú chân duy nhất của dòng tiền, vàng cũng tăng giá mạnh trong thời gian qua.
Giá vàng thế giới tiếp tục đà tăng mạnh mẽ, đạt đỉnh mới 4 ngày liên tiếp, thậm chí còn mạnh hơn vào cuối tuần trước, theo đánh giá của trang tin vàng Kitco. Trong phiên giao dịch ngày 5-3 , giá vàng tương lai tăng đến hơn 30 đô la Mỹ, đẩy lên mức 2.126,3 đô la/oz.
Giá vàng tiếp tục chuỗi tăng giá mạnh từ giữa tháng 2 đến nay. Theo đó, giá vàng tăng khoảng hơn 70 đô la kể từ đầu tháng 3, và tăng khoảng 4,5% so với đầu năm.
Ở thị trường vàng, theo đánh giá chung của các chuyên gia quốc tế, giá vàng chạm mức cao nhất từ trước đến nay do kỳ vọng về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm lãi suất chính sách quan trọng vào tháng 6.
Theo công cụ FedWatch của sàn giao dịch CME (Mỹ), có 97% khả năng cho rằng Fed sẽ không bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp FOMC vào tháng 3, 79,1% khả năng lãi suất quỹ liên bang chuẩn của Fed sẽ không thay đổi tại cuộc họp vào tháng 5.
Trong khi đó, với thị trường tiền mã hóa, dòng vốn chảy mạnh hiện nay được cho là nhờ dòng tiền từ các tổ chức lớn truyền thống, bắt đầu tham gia mạnh mẽ hơn thay vì đứng ngoài quan sát.
Tờ Reuters dẫn lại số liệu từ LSEG, cho thấy dòng vốn ròng chảy vào 10 quỹ bitcoin giao ngay lớn nhất của Mỹ đạt 2,2 tỉ đô la Mỹ (trong tuần kết thúc vào ngày 1-3), trong đó hơn 2 tỉ đô la đổ vào iShares Bitcoin Trust (IBIT.O) của BlackRock.
Vàng, đô la tại Việt Nam cũng tăng
Tại thị trường Việt Nam, vàng cũng tăng giá mạnh mẽ trong thời gian qua và tiếp tục trong phiên giao dịch sáng ngày 6-3.
Theo đó, giá vàng miếng SJC ở chiều bán ra chào giá lên tới 81 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Ngược lại, giá vàng trang sức lại tăng khá mạnh. SJC niêm yết giá mua vào 66,6 triệu đồng/lượng, bán ra là 67,8 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 300.000 đồng mỗi lượng.
Không chỉ có giá vàng biến động tăng dưới áp lực thị trường thế giới, đồng đô la Mỹ tại thị trường Việt Nam cũng có dấu hiệu tăng trong thời gian qua. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, tỷ giá trên thị trường tự do biến động mạnh hơn thị trường ngân hàng, ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử là 25.600 đồng/đô la vào phiên giao dịch đầu tuần này.
Ngược lại, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn thấp hơn đáng kể. Tính đến ngày 6-3, tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết chiều bán ra là 24.880 đồng/đô la, tăng 40 đồng so với hôm thứ Hai và khoảng 90 đồng so với tuần trước. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.017 đồng, tăng 5 đồng so với phiên trước.