Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát cốt lõi của Mỹ lại tăng vượt dự báo

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đà tăng giá mạnh của xe cũ, vé máy bay và quần áo khiến lạm phát cốt lõi của Mỹ tăng vượt dự báo trong tháng thứ hai liên tiếp. Nếu áp lực giá cả tiếp tục duy trì, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể lùi kế hoạch giảm lãi suất sang nửa cuối năm.

Tốc độ tăng giá cả hàng năm của Mỹ vẫn còn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Fed. Ảnh: Ảnh: WSJ

Fed có thêm lý do để thận trọng

Theo dữ liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ (BLS), công bố hôm 12-3, trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi, không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng 0,4% so với tháng 1. So với cách đây một năm, chỉ số này tăng 3,8%. Các mức tăng này đều cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của các nhà kinh tế. Trong tháng 1, CPI cốt lõi tăng 3,9%, hàng năm, cao hơn mức dự báo 0,2 điểm phần trăm. CPI cốt lõi trong ba tháng qua tăng 4,2% hàng năm, cao nhất kể từ tháng 6.

Các nhà kinh tế xem CPI cốt lõi là một chỉ báo đáng tin cậy hơn về xu hướng lạm phát của Mỹ so với chỉ số CPI tổng thể. Theo BLS, CPI tổng thể của Mỹ tăng 0,4% so với tháng 1 và tăng 3,2% so với một năm trước, chủ yếu do tác động của giá nhiên liệu.

BLS ghi nhận chi phí nhà ở và xăng chiếm hơn 60% mức tăng của CPI trong tháng trước. Giá ô tô đã qua sử dụng, quần áo, bảo hiểm xe cơ giới và vé máy bay cũng tăng. Đáng chú ý, mức tăng hàng tháng 3,6% của giá vé máy là cao nhất kể từ tháng 5-2022. Chi phí nhà ở tăng 0,4%, chậm lại so với mức tăng mạnh trong tháng 1.

Dù tốc độ tăng lạm phát hàng năm hiện đã chậm lại đáng kể so với mức đỉnh lạm phát vào giữa năm 2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.

Dữ liệu mới nhất bổ sung bằng chứng cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng, có thể khiến Fed thận trọng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm. Tuần trước, Chủ tịch Fed, Jerome Powell cho biết các quan chức Fed đã tiến gần hơn đến “mức độ tự tin lớn hơn” để bắt đầu hạ lãi suất.

Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ của Capital Economics, nhận định dữ liệu lạm phát mới nhất có nghĩa là các quan chức Fed chưa đạt được niềm tin lớn hơn về xu hướng giảm tốc bền vững của giá cả.

Đồng tình với ý kiến này, Pooja Sriram, nhà kinh tế học, cho biết CPI của tháng 2 có thể làm giảm niềm tin của Fed rằng lạm phát đang nhanh chóng tiến gần đến mục tiêu 2%.

“Dữ liệu lạm phát mới nhất sẽ được xem là lý do để Fed duy chính sách tiền tệ hiện tại lâu hơn. Xu hướng giảm tốc lạm phát dường như đang chững lại, trong khi Fed muốn thấy lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trước khi nới lỏng lãi suất”, Kathy Jones, giám đốc chiến lược ở bộ phận thu nhập cố định của Charles Schwab, bình luận.

Hoài nghi triển vọng ‘hạ cánh mềm’ nếu lạm phát dai dẳng

Ngoài số liệu chỉ số giá nhà sản xuất sẽ công bố trong thời gian sắp tới, đây là báo cáo lạm phát lớn cuối cùng mà Fed tiếp nhận trước tiến hành cuộc họp chính sách vào tuần tới. Thị trường dự đoán Fed sẽ giữ nguyên biên độ lãi suất 5,25-5,5% hiện tại lần thứ năm liên tiếp. Do vậy, các nhà kinh tế sẽ tập trung tìm kiếm manh mối về thời điểm Fed bắt đầu giảm chi phí vay.

Các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đã đặt cược Fed sẽ tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6 tới. Nhưng sau khi số liệu CPI mới nhất được công bố, họ phần nào giảm bớt kỳ vọng đó.

“Ngay cả khi chỉ số CPI cốt lõi của tháng 2 vẫn ở mức nóng, điều mang lại sự yên tâm phần nào sự tăng vọt của chi phí nhà ở trong tháng 1 đã được xác nhận là chỉ xảy ra một lần. Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng giảm phát hàng hóa cốt lõi dường như đã đình trệ”, hai nhà kinh tế của Bloombeg Economics, Anna Wong và Stuart Paul, viết trong một báo cáo.

“Dữ liệu CPI mới nhất của Mỹ vừa đủ để duy trì kỳ vọng Fed hạ lãi suất trong tháng 6. Nhưng nếu trong tháng tới, dữ liệu CPI tương tự như tháng 2, Fed có thể đẩy lùi đợt giảm lãi suất đầu tiên sang nửa cuối năm, khiến triển vọng kinh tế Mỹ ‘hạ cánh mềm’ bị hoài nghi”, Seema Shah, Giám đốc chiến lược toàn cầu của  Principal Asset Management, nhận định.

“Hạ cánh mềm” là kịch bản kinh tế hạ nhiệt sau thời gian tăng trưởng nóng nhưng không đến mức suy thoái và gây ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt.

Các nhà hoạch định sách của Fed ngần ngại giảm lãi suất một phần là do thị trường lao động còn quá nóng. Một báo cáo khác của BLS cho thấy, thu nhập thực tế của người lao động Mỹ trong tháng 2 tiếp tục tăng trên cơ sở hàng năm. Theo dữ liệu hồi tuần trước, doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực phi nông nghiệp tiếp tục tích cực tuyển dụng trong tháng 2 dù tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 2 năm.

Sức mạnh của thị trường việc làm có thể là con dao hai lưỡi. Tăng trưởng việc làm ổn định trong bối cảnh lãi suất cao giúp Fed có thêm thời gian chờ đợi trước khi xoay trục chính sách tiền tệ, nhưng điều này cũng làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng lạm phát cao thể kéo dài hơn dự kiến.

Theo Bloomberg, BBC, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới