Thứ Sáu, 23/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tham gia đề án 1 triệu héc ta lúa bền vững, nông dân tăng thu nhập cách nào?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trong quá trình triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trường xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” đặt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Vậy, khi tham gia vào đề án này, người nông dân sẽ tăng thu nhập bằng cách nào?

Nông dân tăng thu nhập khi tham gia 1 triệu héc ta bằng cách nào? Ảnh: Trung Chánh

Liên quan vấn đề nêu trên, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, vấn đề chính của đề án là giúp nông dân chuyển đổi sản xuất và nâng cao thu nhập. Theo đó, có ba yếu tố giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân qua đề án này.

Thứ nhất, khi thực hiện quy trình canh tác bền vững, tức giảm chi phí đầu vào của quá trình sản xuất (giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, tiết kiệm nước), giúp người nông dân tăng thu nhập.

Thứ hai, là bán phụ phẩm (rơm, rạ) để tăng thu nhập cho người nông dân. “Rơm vùi xuống đất sẽ tăng phát thải, nhưng rất may hiện các hợp tác xã không đủ để bán, việc này giúp tăng thu nhập từ rơm rạ”, ông Nam cho biết và thông tin, đang kêu gọi một số nhà máy quốc tế chuyên sản xuất rơm rạ thành nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp đến ĐBSCL đầu tư.

Yêu tố thứ ba giúp mang lại thu nhập cho người nông dân, theo ông Nam đó là, xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải, giúp tăng giá trị rất lớn. Hiện nay, các doanh nghiệp quốc tế muốn chứng minh là doanh nghiệp xanh/thân thiện môi trường đều phải sử dụng các sản phẩm giảm phát thải. Do đó, gạo mang thương hiệu giảm phát thải sẽ tăng được giá trị cho người nông dân.

Ngoài ra, theo ông Nam, khi thực hiện MRV, tức đo đạc, báo cáo thẩm định tín chỉ carbon thì nông dân sẽ được hưởng lợi nhờ bán tín chỉ carbon. Vấn đề căn bản của giảm phát thải đó là hệ thống thuỷ lợi điều tiết được bao nhiêu ngày giữ nước, bao nhiêu ngày rút nước để đảm bảo nó sẽ không làm tăng phát thải. Cần phải thực hiện đúng quy trình canh tác và phải có người đo đạc, nạp dữ liệu vào hệ thống để các tổ chức quốc tế chi trả tiền bán tín chỉ carbon.

“Về nguyên tắc, sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất sẽ mua tất cả tín chỉ carbon trong đề án 1 triệu héc ta. Khi chúng tôi tính toán ban đầu, 1 tấn carbon giảm đi sẽ có được 10 đô la Mỹ, trong khi 1 héc ta sẽ được 10 tấn, tương đương 100 đô la Mỹ”, ông cho hay.

Đề án 1 triệu héc ta đặt mục tiêu đến năm 2025, vùng canh tác chuyên lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 héc ta và đạt 1 triệu héc ta vào năm 2030.

Về quy trình canh tác bền vững, tức yếu tố sẽ giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80-100 kg/héc ta; giảm 20% lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học; giảm 20% lượng nước tưới so với phương thức canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững như: 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ…; có 70% lượng rơm được thu gom ra khỏi đồng ruộng; giảm trên 10% lượng phát thải.

Đến 2030, lượng giống gieo sạ giảm xuống còn 70 kg/héc ta; giảm 30% lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững; 100% rơm được thu gom ra khỏi đồng ruộng; giảm trên 10% lượng phát thải.

Về giá trị, đề án đặc mục tiêu đến năm 2025, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó, tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 40%; đến năm 2030, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó, tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới