Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khi chính sách thuế thay đổi

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dự kiến có ba luật thuế sẽ được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong năm 2024 và đều tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp. Đó là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ba luật thuế nói trên sẽ được đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Cụ thể, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10-2024 và thông qua tại kỳ họp tháng 5-2025. Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được trình Quốc hội sớm hơn, dự kiến vào kỳ họp tháng 5-2024 và thông qua tại kỳ họp tháng 10-2024.

Cả ba luật này đều có tác động và phạm vi ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội và nền kinh tế, vì thế nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh những nhóm doanh nghiệp, nhóm hàng được hưởng lợi khi chính sách thuế thay đổi, thì với định hướng mở rộng cơ sở thuế, bổ sung đối tượng chịu thuế, chắc chắn sẽ có những nhóm doanh nghiệp đối diện với thách thức gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh.

Chẳng hạn, việc dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề nghị bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, trò chơi điện tử trực tuyến… vào diện chịu thuế chắc chắn sẽ gây áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực này.

Hay, với Luật Thuế giá trị gia tăng, dự thảo sửa đổi đề xuất đánh thuế 10% đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu thay vì cho hưởng thuế suất 0% như trước. Lý do của đề xuất này là thời gian qua, cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước.

Trong tiến trình sửa đổi các luật thuế nêu trên, việc mở rộng cơ sở thuế, bổ sung đối tượng chịu thuế, tăng thuế suất cần được cân nhắc thấu đáo trong mối tương quan với “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc phải chịu thuế suất 10% khi xuất khẩu sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với đối thủ từ quốc gia khác; nhất là khi các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Nếu đánh thuế giá trị gia tăng với dịch vụ xuất khẩu, rất có thể doanh nghiệp sẽ sang nước ngoài mở công ty; năng lực xuất khẩu của nước ta sụt giảm; và định hướng công nghiệp số, kinh tế số, xuất khẩu phim, xuất khẩu văn hóa, xây dựng sức mạnh mềm quốc gia… khó thành hiện thực.

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 là nhiệm vụ quan trọng và đã được xác định rõ trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 (Quyết định 508/QĐ-Ttg). Tuy nhiên, trong tiến trình sửa đổi các luật thuế nêu trên, việc mở rộng cơ sở thuế, bổ sung đối tượng chịu thuế, tăng thuế suất cần được cân nhắc thấu đáo trong mối tương quan với “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp.

Cho đến nay, kinh tế trong nước và các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả người lạc quan nhất cũng không dám chắc rằng tình hình có thể cải thiện tích cực trong một vài năm tới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm 2024, trung bình mỗi ngày có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính gộp cả hai tháng có tới 63.000 doanh nghiệp rời thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn thế rất nhiều, chỉ có 41.100 doanh nghiệp và tăng 8,5%.

Trong báo cáo đưa ra vào tháng 1-2024, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng khẳng định “doanh nghiệp kiệt sức là sự thật”. Trong tổng số 2.734 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Ban IV, có tới 69,1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024. Điều này cho thấy khó khăn như vòi bạch tuộc vẫn đang bám chặt doanh nghiệp.

Trước khả năng thay đổi của chính sách thuế trong tương lai gần, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp phải chịu tác động không mong muốn, sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để “ứng phó”. Ở góc độ cơ quan hoạch định chính sách, tiến trình sửa đổi các luật thuế nói trên, bên cạnh việc hướng tới thu đúng, thu đủ thì cần phải coi trọng mục tiêu khoan sức doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu và đưa đất nước phát triển bền vững. Đã có những dự đoán cho rằng, phải 3-5 năm nữa, khủng hoảng kinh tế mới đụng đáy và phải 10 năm nữa, thậm chí hơn, chúng ta mới thấy kinh tế trở lại mức như năm 2018-2019. Khi doanh nghiệp “yếu” thì nền kinh tế tất sẽ “ốm”, và doanh nghiệp cũng không thể đóng góp nhiều cho ngân sách. Vì thế, từng chính sách thuế trong giai đoạn này phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng và cụ thể để giảm thiểu những ảnh hưởng không mong muốn đến các nhóm doanh nghiệp liên quan.

Nhìn xa hơn, quá trình sửa ba luật thuế này là dịp quan trọng để nhìn nhận lại định hướng về chính sách thuế ở nước ta. Thuế tài sản là khái niệm ra đời rất sớm và phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Ở các nước phát triển, thuế tài sản đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, thường chiếm tỷ lệ 3-4% trong tổng số thuế thu được. Đây là nguồn thu mang tính bền vững và do loại thuế trực thu này thu đúng vào người giàu, người có nhiều tài sản nên không gây ra mất công bằng như việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng hay thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong khi đó, ở nước ta, cho đến nay chưa có sắc thuế nào mang tên thuế tài sản. Dù trên thực tế có một số loại thuế mang tính chất là thuế tài sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp nhưng nguồn thu hàng năm từ hai loại thuế này chiếm tỷ lệ rất, rất nhỏ trong GDP, chỉ khoảng 0,036% GDP - theo một thống kê của Bộ Tài chính cách đây vài năm.

Tính công bằng của thuế tài sản, tính ổn định và bền vững của nguồn thu từ sắc thuế này đã được chứng minh bằng thông lệ quốc tế mà nước ta không thể và cũng không nên “lừng chừng” đứng ngoài mãi. Tính cấp bách của việc áp dụng thuế tài sản càng rõ hơn khi sự chênh lệch giữa nhóm người giàu và nhóm có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội ngày càng tăng ở nước ta.

1 BÌNH LUẬN

  1. Xin hỏi khái niệm về dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước. Mong quý báo giải thích. Cảm ơn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới