Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hà Lan sẽ hợp tác với Việt Nam khai thác cát ngoài khơi

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để khai thác cát ngoài khơi bền vững, Việt Nam cần tiếp cận kinh nghiệm quốc tế về công nghệ khai thác cát ngoài khơi, công nghệ xử lý tuyển rửa cát biển làm vật liệu xây dựng.

Thi công cầu cạn trên tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. Ảnh: TTXVN

TTXVN đưa tin, chiều 19-3, Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Bộ Quản lý cơ sở hạ tầng và tài nguyên nước của Hà Lan tổ chức hội thảo về khai thác cát ngoài khơi bền vững.

Tại hội thảo đại diện Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý tài nguyên nước của Hà Lan cho biết, trong thời gian tới, Hà Lan sẽ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam về khai thác cát ngoài khơi bền vững. Các chuyên gia Hà Lan trao đổi kinh nghiệm khai thác cát bền vững ngoài khơi, hỗ trợ Việt Nam đánh giá và khai thác tài nguyên cát biển ngoài khơi ở khu vực sâu trên 20 mét nước.

Hiện nay nhiều dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nguồn cát để đắp nền đường. Chính phủ đã yêu cầu nghiên cứu giải pháp nhằm sớm giải quyết vấn đề cấp bách này.

Trong năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thí điểm sử dụng cát biển tại vùng biển Trà Vinh - Sóc Trăng để phục vụ hoạt động san lấp nền đường, kết quả cho thấy cát biển đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.

Tuy nhiên Việt Nam cần hoàn thiện và ban hành quy định quản lý về thăm dò, khai thác, sử dụng cát biển và đánh giá tác động khai thác cát biển đến môi trường phù hợp quy định quốc tế.

Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Việt Nam cần sớm tiếp cận các giải pháp công nghệ khai thác cát ngoài khơi, công nghệ xử lý tuyển rửa cát biển làm vật liệu xây dựng từ các nước có nhiều kinh nghiệm như Hà Lan.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải), dự án cao tốc đoạn Cần Thơ-Cà Mau khởi công đầu năm 2023, sau hơn một năm, sản lượng thi công là 3.816 tỉ đồng/18.812 tỷ đồng, đạt 20,3% giá trị hợp đồng, chậm so với tiến độ khoảng 6 tháng. Nguyên nhân chậm trễ chủ yếu do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau cần khoảng 18,46 triệu m3 cát trong khi nguồn vật liệu cát trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang khan hiếm do cùng lúc nhiều dự án cao tốc triển khai đồng loạt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới