(KTSG) - Ngày đầu tuần, một cô giáo đang dạy lớp 6 gửi vài bức vẽ của các em học sinh về bảo vệ động vật. Chợt miên man nhớ và nghĩ đến câu chuyện về những cánh chim bay...
- Bỏ quy định dừng nhập khẩu động vật hoang dã
- Đức hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ sinh thái rừng và kiểm soát dịch bệnh từ động vật
1. Khi cô hoa hậu H’Hen Niê cùng các cán bộ ở Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) cách đây mấy hôm tung cánh tay thả chú chim đại bàng hoàng đế từng “đi lạc” để nó vụt bay về với bầu trời châu Âu xa xôi, là nơi mà loài chim này cư trú, sau gần hai tuần được chăm sóc chữa trị vì vết thương ở ngực, tôi chợt mừng. Vì lẽ, đã theo dõi những thông tin về số phận của chú chim này sẽ ra sao trong suốt gần nửa tháng, từ lúc nó vừa được đưa đến trung tâm, được mấy vị chuyên gia trong và ngoài nước mà trung tâm mời về đến bắt tay chẩn đoán, điều trị.
Đó là một tín hiệu vui thỉnh thoảng thấy xuất hiện, khi ngày càng có nhiều người vẫn yêu mến, trọng thị thiên nhiên, xem đó là điều không thể xa lạ với đời sống con người.
Cánh chim ấy cũng khiến tôi nhớ đến câu chuyện của một nhà báo đi tìm cho được loài chim có tên là chim thiên đường (Paradisaeidae) ở vùng Papua New Guinea trong bộ phim tài liệu Hành trình tuyệt đỉnh. Bị thương nặng ở chiến trường Trung Đông và mất đi đôi chân nhưng khi trở về, ông ấp ủ đi tìm, chụp hình và để một lần tận mắt thấy, bảo tồn cũng như xác nhận sự tồn tại của loài chim đậu trên những tán cây cao của vùng rừng mưa nhiệt đới xa xôi, theo di nguyện của người cha đã khuất vốn rất mê chim, lúc nhà báo ấy còn tuổi ấu thơ. Quả thật, cái hành trình tuyệt đỉnh khi ông ngồi trên kiệu đan tết bằng cây rừng, băng qua bao núi đồi sông suối vạn dặm, phải nhờ bạn bè giúp đỡ, thổ dân hướng dẫn để rồi ông được ồ lên sung sướng khi thấy chim thiên đường, đã khiến tôi thán phục!
2. Một bộ phim tài liệu khác được xây dựng mang tựa đề Toucan Nation (nhà đài tạm dịch là Vương quốc chim Tu-căng) của Costa Rica, phát trên kênh Animal Planet từng được xem, cũng lại trở về trong tôi. Nó như một mạch liên tưởng gắn kết những giá trị khó cởi bỏ khi nghĩ về vấn đề bảo vệ động vật và việc yêu quý loài chim. Trên bầu trời cao rộng ấy, dù lúc cư ngụ bản quán hay thiên di, những cánh chim vẫn miệt mài sống đời sống của mình giống như bao chủng loài khác. Giá trị tồn tại của nó, trong bộ phim này, đạo diễn đã lồng một lời bình, là câu hỏi để kết: “ Hãy thử tưởng tượng một đất nước không có chim muông?”.
Cũng hao hao như câu chuyện kể về chú chim đại bàng đầu bài viết, một nữ chuyên gia làm ở trung tâm cứu hộ một hôm nhận được từ người khách của trung tâm một chú chim Tu-căng (theo trong phim là loài chim khá phổ biến và được xem như gần gũi, thân thiết với người dân Costa Rica). Loài chim này khá lớn, có chiếc mỏ ở phần trên màu vàng và to. Đó như một “dụng cụ” để chim gắp mổ. Hỡi ôi, nó bị một ai đó làm gãy, có thể là do bị bạo hành, săn bắn hoặc vô ý ném đá. Chẳng cần biết lý do, song trong suy nghĩ của những nhân viên cứu hộ và các chuyên gia, thì chú chim phải được cứu.
Vậy là một kế hoạch được vạch ra: khám, chẩn đoán, lên kế hoạch chữa trị, đặt từ một công ty nước ngoài thiết kế và dùng chất liệu đặc biệt làm một đoạn mỏ giả để nối lại với phần mỏ chưa bị gãy… Những công việc ấy diễn ra trong trung tâm cứu hộ động vật, song lúc ấy những thông tin về chú chim Tu-căng đang cần được cứu cũng lan truyền ra ngoài. Chẳng ai ngờ, nó trở thành một sự kiện quan trọng với nhiều cộng đồng yêu mến, bảo vệ động vật hoang dã. Họ đã cùng nhau miệt mài vận động, kêu gọi các nhà lập pháp phải thông qua một dự luật bảo vệ loài chim mà họ yêu quý. Sự đấu tranh rốt cuộc cũng giành được thắng lợi, vừa lúc chú chim được lắp chiếc mỏ giả, và có thể tự gắp mổ, ăn uống gần như bình thường!
* * *
Những câu chuyện về cánh chim bay như vậy, trong một thế giới quá nhiều biến động với những chuyện lớn chuyện nhỏ, tự dưng khiến tôi ngẫm thêm một điều về giá trị sống. Và bất giác, tôi lưu lại vài bức vẽ hồn nhiên và ý nghĩa về động vật của các cô cậu thiếu nhi trong lớp học ấy ở vùng ngoại thành, huyện Hóc Môn, TPHCM.