(KTSG Online) - Ngân hàng trung ương của bảy nền kinh tế tiên tiến sẽ hợp tác với các ngân hàng tư nhân để thử nghiệm sử dụng đồng tiền số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC). Đây có thể được xem là một bước tiến tới một hệ thống thanh toán mới, nhằm thúc đẩy giao dịch chuyển tiền quốc tế nhanh hơn, rẻ hơn.
- IMF xây dựng nền tảng giao dịch tiền số của các ngân hàng trung ương
- Quản lý tiền số một cách khoa học, khả thi để chống rửa tiền
- Nhà đầu tư cá nhân nên chọn kênh chứng khoán, trái phiếu, bất động sản hay tiền số?
Nền tảng thanh toán CBDC thứ hai
Được Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) công bố hôm 3-4, dự án Agora quy tụ các ngân hàng trung ương của Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Mexico và Mỹ. Các định chế này sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại lớn ở mỗi nước theo danh sách do Viện Tài chính quốc tế (IIF) giới thiệu.
Trước đó, tháng 6-2023 Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết đang xây dựng một nền tảng hỗ trợ giao dịch đồng tiền số của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. IMF nói có khoảng 130 ngân hàng trung ương trên thế giới đang thăm dò khả năng sử dụng CBDC và khoảng 10 ngân hàng đã đến đích trong nỗ lực phát triển đồng tiền số quốc gia.
Trong thanh toán quốc tế, tính từ tháng 11-2023, rổ tiền tệ chính gồm năm đồng tiền chính trên toàn cầu gồm đồng đô la Mỹ (chiếm tỷ lệ 43%), tiếp đến là euro (23%), bảng Anh và nhân dân tệ Trung Quốc (ngang ngửa nhau ở mức trên 7%) và yen Nhật (khoảng 3%). Ngoại trừ Trung Quốc và EU có đồng tiền số CBDC, Mỹ, Anh và Nhật Bản chưa có đồng tiền số do ngân hàng trung ương phát hành.
Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ của Nhật Bản cho biết đang "tích cực xem xét" việc tham gia, trong khi Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui và Tập đoàn tài chính Mizuho cho biết rằng sẽ cân nhắc việc tham gia sau khi có thông tin chi tiết. Ở Mỹ, Citigroup được xem là một trong những ứng viên tiềm năng.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) tham gia một thử nghiệm đa quốc gia thuộc loại này, với ý muốn “tham gia vào khuôn khổ hợp tác quốc tế và thu thập thông tin”. Nhưng BOJ đã vạch ra ranh giới giữa sự tham gia Agora và việc phát hành tiền kỹ thuật số. Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết không có kế hoạch phát hành tiền kỹ thuật số, nhưng sẵn sàng thực hiện nếu điều này trở nên cần thiết trong tương lai.
Thống đốc Kazuo Ueda phát biểu trong tháng 3 vừa rồi là việc phát hành CBDC bán lẻ ở Nhật Bản sẽ tùy thuộc vào quyết định của công chúng.
Mục tiêu thanh toán theo thời gian thực số tiền lớn
Dự án Agora diễn ra trong bối cảnh cuộc đua toàn cầu nhằm giành thế chủ động về tiền tệ kỹ thuật số CBDC. Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm quy mô lớn đối với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số dành cho cư dân nhiều thành phố lớn. Về phương diện nào đó, một số nhà phân tích nói rằng, đây có thể được xem là “liên minh” hay đối trọng với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Phần lớn các thanh toán xuyên biên giới trên toàn cầu hiện thực hiện qua mạng SWIFT. Tiền được chuyển từ người gửi đến người nhận thông qua các ngân hàng đại lý. Quá trình này có thể mất tới một tuần trong một số trường hợp cũng như phải trả phí. Một phân tích của BOJ cho thấy, chi phí trung bình để gửi 200 đô la ra nước ngoài qua ngân hàng là gần 40 đô la (20%) từ năm 2013 đến năm 2019.
Thương mại toàn cầu đạt quy mô 30.000 tỉ đô la mỗi năm, nhưng thời gian và chi phí chuyển tiền như trên có thể tạo nút thắt.
Dự án BIS sẽ khám phá việc sử dụng tiền số ngân hàng trung ương được mã hóa để thanh toán quốc tế. Điều này nhằm phát triển một nền tảng thay thế mà BIS giả định rằng tất cả các chức năng hiện tại được phân chia giữa SWIFT và các ngân hàng đại lý.
Khung thời gian và các chi tiết cụ thể khác vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng một nguồn tin nói với Reuters rằng dự án có thể sử dụng công nghệ blockchain.
Gửi tiền ngay lập tức, sử dụng blockchain hoặc sổ cái khác để liên kết từng lần chuyển tiền riêng lẻ với dữ liệu trên nguồn sẽ giúp các công ty và ngân hàng dễ dàng theo dõi tiền cũng như thông tin ở một nơi. Phương thức này sẽ giảm thiểu rủi ro do thời gian giao dịch kéo dài, chẳng hạn như khả năng người trả tiền bị phá sản trước khi tiền đến nơi. Đồng CBDC cũng có thể chống lại hành vi rửa tiền mà các những người mua bán đồng tiền mã hóa lợi dụng trong vài năm qua. BIS nói rằng Agora là yếu tố thay đổi cuộc chơi, giải quyết các thách thức của mạng thanh toán hiện tại.
BIS đã tiến hành các thử nghiệm liên quan CBDC. Theo ngân hàng này, các thử nghiệm tương tự của ngân hàng trung ương Hồng Kông và Thái Lan đã cắt giảm thời gian thanh toán từ vài ngày xuống còn vài giây. Mục tiêu của Agora là nền tảng có thể giải quyết các khoản thanh toán lớn ngay lập tức và bất cứ lúc nào.
Dự án mới đáng chú ý vì có sự tham gia của các ngân hàng trung ương lớn từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Shuji Kobayakawa, giáo sư tài chính tại Đại học Meiji ở Tokyo, cho rằng: “Việc các ngân hàng trung ương của bảy nền kinh tế tham gia sẽ mang lại một thỏa thuận minh bạch hơn. Vẫn chưa rõ loại khuôn khổ nào sẽ trở thành tiêu chuẩn quốc tế cho các hoạt động thanh toán xuyên biên giới sử dụng CBDC. Vì vậy điều quan trọng là Nhật Bản phải tích cực tham gia vào việc đưa ra các quy tắc”.
Theo Nikkei Asia, Reuters, IMF