Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu leo thang sẽ càng làm kinh tế khó khăn hơn

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Giá dầu đã liên tục bứt phá trong những tuần qua do xung đột địa chính trị leo thang và tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Việc giá dầu tăng cao đang thổi bùng nỗi lo lạm phát và có thể cản trở việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Căng thẳng địa chính trị đẩy giá dầu tăng

Trong tuần giao dịch kết thúc hôm 5-4, giá dầu thế giới đã tăng hơn 4%, lên mức cao nhất trong vòng năm tháng qua. Giá dầu Brent vượt mức 91 đô la/thùng và đã tăng tổng cộng 18% kể từ đầu năm tới nay, trong khi giá dầu WTI thậm chí còn bứt phá mạnh hơn với mức tăng 21%.

Sau một tháng biến động trong phạm vi hẹp, giá dầu đã liên tục tăng mạnh trong hai tuần qua, với động lực chính đến từ những lo ngại về căng thẳng địa chính trị leo thang tại Trung Đông và Đông Âu.

Tại Trung Đông, Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã tuyên bố sẽ trả đũa Israel, buộc chính quyền Thủ tướng Netanyahu phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công tên lửa vào lãnh sự quán nước này ở Damascus khiến hai tướng lĩnh hàng đầu của Iran thiệt mạng.

“Khả năng gián đoạn nguồn cung đang gia tăng”, ông Andy Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates, cho biết, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng một cuộc tấn công trả đũa có thể dẫn đến sự gián đoạn. “Rất dễ xảy ra khả năng giá dầu Brent bị đẩy lên mức 95 đô la. Và nếu một sự kiện địa chính trị khác xảy ra ở Trung Đông, mức giá 100 đô la đối với dầu Brent cũng không phải là chuyện không thể xảy ra”.

Trong khi đó, tại Đông Âu, Ukraine vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, với nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của nước này vừa bị tấn công hồi tuần trước. Theo ước tính của JPMorgan, từ đầu năm đến nay, quân đội Ukraine đã tấn công 18 nhà máy lọc dầu, khiến công suất lọc dầu của Nga bị sụt giảm khoảng 670.000 thùng/ngày.

Các cuộc tấn công được cho là đã khiến Nhà Trắng lo lắng. Một số nguồn tin thân cận chia sẻ với Financial Times hồi cuối tháng 3 rằng, chính quyền Tổng thống Biden đã phải yêu cầu Kyiv ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga do lo ngại điều này có thể ảnh hưởng đến giá dầu.

John Kilduff, đối tác sáng lập của Again Capital, cho biết: “Các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga đã thực sự được thị trường ghi nhận”. Ông nói rằng Kyiv đã “gây hư hại cho các nhà máy lọc dầu, cùng nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng khác, ảnh hưởng đáng kể đến năng lực sản xuất của Nga”.

Cũng theo ông Kilduff, đây là lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột bùng phát, một lượng lớn nguồn cung nhiên liệu của Nga bị loại ra khỏi thị trường. Và tình hình này được dự báo sẽ còn tiếp diễn, bởi Ukraine vẫn không ngừng các nỗ lực tấn công, bất chấp những yêu cầu từ phía Washington.

Áp lực thiếu hụt nguồn cung đè nặng lên thị trường

Ngay cả trong trường hợp căng thẳng địa chính trị bắt đầu lắng dịu, các nhà phân tích tin rằng, giá dầu vẫn sẽ có xu hướng tăng cao khi thị trường vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Một mặt kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều đang ghi nhận dấu hiệu phục hồi tích cực, khi hoạt động sản xuất mở rộng trở lại sau nhiều tháng thu hẹp. Sự khởi sắc của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, sẽ góp phần thúc đẩy đáng kể nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.

Trong khi đó, nguồn cung dầu thô lại đang trong tình trạng thắt chặt do các động thái hạn chế sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, còn gọi là OPEC+.

Không những vậy, báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa ra dự báo rằng tăng trưởng nguồn cung từ các nước bên ngoài nhóm OPEC+ sẽ chỉ đạt 1,6 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm đáng kể so với mức 2,4 triệu thùng/ngày trong năm 2023.

Bank of America dự đoán tình trạng này sẽ dẫn đến việc thị trường thế giới thiếu hụt nguồn cung khoảng 450.000 thùng dầu/ngày trong quí 3. Một báo cáo khác của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định đến tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay, giá dầu Brent có thể đạt mức 100 đô la/thùng.

Ehsan Khoman, người đứng đầu bộ phận hàng hóa tại MUFG, cho biết với việc OPEC+ vẫn duy trì chính sách hạn chế nguồn cung, giá dầu có thể sẽ tiếp tục tăng cao miễn là các nền kinh tế phát triển lớn không rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng OPEC+ có thể sẽ giảm bớt các biện pháp hạn chế sản lượng nếu giá dầu tăng vượt ngưỡng 100 đô la/thùng.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Bart Melek, Giám đốc điều hành chiến lược hàng hóa toàn cầu tại TD Securities, lưu ý rằng quốc gia chủ chốt của OPEC+ là Arập Saudi sẽ không mong muốn giá dầu tăng quá cao, bởi điều này có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ, và có nguy cơ khuyến khích các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ tăng sản lượng khai thác để giành thêm thị phần. Arập Saudi hiện có công suất dự phòng 3 triệu thùng/ngày và có thể ngay lập tức gia tăng sản lượng khai thác, nếu giá dầu tiếp tục tăng cao.

Nỗi lo lạm phát nóng trở lại

Theo các chuyên gia, việc giá dầu tiếp tục leo thang có thể gây tổn hại đến chi tiêu của người tiêu dùng và làm mất đi những thành quả đã đạt được trong quá trình kiềm chế lạm phát.

Ví dụ như tại châu Âu, các dự báo kinh tế hồi tháng 3 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được xây dựng dựa trên giả định rằng, giá dầu sẽ đạt mức trung bình 79 đô la/thùng trong cả năm 2024. Tuy nhiên, giờ đây, nếu giá dầu thô tiếp tục ở mức cao, hoặc thậm chí tăng thêm trong những tháng tới, tình hình lạm phát tại châu Âu chắc chắn sẽ thay đổi và có khả năng buộc ECB phải trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Mỹ, khi giá dầu tăng cao đã đẩy giá xăng tăng lên mức cao nhất trong năm tháng, khoảng 3,58 đô la/gallon.

“Đó là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế”, chuyên gia Kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Không có gì gây thiệt hại cho nền kinh tế nhanh hơn giá dầu cao hơn”.

“Chúng ta có thể tiêu thụ dầu ở mức giá 85 đô la hoặc 90 đô la. Nhưng nếu giá vượt quá mức 90 đô la và tiến gần hơn tới ngưỡng 100 đô la thì đó là cả một vấn đề”, ông Zandi nói. “Người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng - đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp. Điều này sẽ làm xói mòn niềm tin người tiêu dùng. Mọi người coi giá xăng như một phép thử cho tình hình tài chính của chính họ”.

Việc áp lực lạm phát nóng trở lại, cùng với các dữ liệu việc làm mạnh hơn dự kiến trong thời gian gần đây sẽ càng khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thêm lý do để trì hoãn việc cắt giảm lãi suất và giáng một đòn mạnh vào tâm lý các nhà đầu tư Phố Wall.

Bart Melek, Giám đốc điều hành chiến lược hàng hóa toàn cầu tại TD Securities, cho biết: “Chúng ta sẽ thấy lạm phát toàn phần gia tăng trở lại, và điều đó khiến cho công việc của Fed gặp nhiều khó khăn hơn. Giá năng lượng tăng có thể ảnh hưởng đến thời gian hoặc mức độ cắt giảm lãi suất của Fed”.

Không những vậy, những hậu quả chính trị to lớn có thể xảy ra nếu giá xăng tại Mỹ tăng vọt lên trên 4 đô la/gallon và duy trì ở mức này trong thời gian dài.

Đáng chú ý, việc giá xăng tăng sẽ là yếu tố có thể khiến cán cân bầu cử nghiêng về phía có lợi cho cựu Tổng thống Donald Trump. Chuyên gia Mark Zandi dự báo: “Nếu giá xăng vượt trên ngưỡng 4 đô la/gallon trong hơn hai hoặc ba tháng, ông Trump có nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng”. Và việc ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, cũng đồng nghĩa với một giai đoạn khó lường đối với nền kinh tế Mỹ, cũng như kinh tế toàn cầu.

Nguồn: CNN Business, CNBC, Financial Times, Bloomberg, Euronews

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới