Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tuần tăng giá mạnh nhất của đô la kể từ năm 2022

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đồng đô la Mỹ vừa trải qua tuần tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2022 sau khi số liệu lạm phát đáng lo ngại của Mỹ khiến giới đầu tư tan hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất vào tháng Sáu.

Đô la Mỹ mạnh lên khi các nhà giao dịch từ bỏ hy vọng Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6 đồng thời lo ngại căng thẳng mới nổi lên giữa Iran và Israel. Ảnh: Moneyweb

Lạm phát của Mỹ, căng thẳng Iran-Israel thúc đẩy đô la

Trong tuần kết thúc vào ngày 12-4, chỉ số đô la Mỹ  (DXY), đo lường giá đô la với rổ sáu ngoại tệ mạnh, tăng 1,5%, đánh dấu hiệu suất tăng giá hàng tuần tốt nhất kể từ tháng 9-2022. Đồng euro và đồng bảng của Anh giảm về mức yếu nhất so với đô la kể từ tháng 11 năm ngoái, xuống lần lượt 1 euro đổi 1,0646 đô la và 1 bảng đổi một 1,2469 đô la.

Các chuyên gia đang tranh luận về khả năng đồng euro giảm về mức ngang giá với đô la. Trong khi đó, đồng yen của Nhật Bản chạm mức thấp mới trong 34 năm so với đô la, 153,26 yen đổi 1 đô la.

Đồng bạc xanh nóng lên khi nhà đầu tư từ bỏ đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6 tới. Theo dữ liệu công bố trong tuần này, chỉ số giá tiêu tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 3, tăng ​​3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong 6 tháng. Dữ liệu này khiến các nhà giao dịch tăng đặt cược rằng, Fed có thể thực hiện chỉ 1 đợt giảm lãi suất trong năm nay, thay vì 6 đợt như kỳ vọng vào đầu năm,

“Mỹ là trường hợp đặc biệt, với chính sách tài khóa rất lỏng lẻo và chính sách tiền tệ thắt chặt. Đây là công thức giúp đồng đô la mạnh hơn”, Quentin Fitzsimmons, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại của  T Rowe Price nói.

“Fed đã trông chờ vào 2 kịch bản mà cho đến nay chưa thành hiện thực. Lạm phát được kỳ vọng giảm nhưng đang tăng và nền kinh tế Mỹ được giả định sẽ suy yếu, nhưng thực tế là không phải vậy. Vì vậy, Fed không có cơ sở để giảm lãi suất”, Joseph Trevisani, nhà phân tích cấp cao của FX Street nói.

Bên cạnh đó, rủi ro địa chính trị cũng đang hỗ trợ các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và đô la Mỹ. Căng thẳng mới nổi lên giữa Iran và Israel đã tác động mạnh đến thị trường tiền tệ trong tuần qua.

Các ngân hàng trung ương ở châu Âu dự kiến giảm lãi suất trước Fed

Hôm 11-4, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) báo hiệu vẫn đang duy trì kế hoạch giảm lãi suất vào tháng 6. Đồng euro đang chịu áp lực ngày gia tăng khi thị trường nhận thấy lãi suất của khu vực sử dụng đồng euro sẽ giảm trước lãi suất ở Mỹ.

“Có vẻ như lập trường lãi suất của ECB khiến đồng euro yếu hơn so với đồng đô la”, Chris Turner, người đứng đầu thị trường toàn cầu của ngân hàng ING nói.

Thị trường đang đặt cược ECB sẽ thực hiện ít nhất 3 đợt giảm lãi suất trong năm nay, so với 1-2 đợt giảm dự kiến của Fed.

Thị trường cũng suy đoán Ngân hàng trung ương của Thụy Điển (Riksbank) có thể cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 5 sau khi nước này ghi nhận lạm phát tháng 2 thấp hơn dự kiến.

Alejandra Grindal, nhà kinh tế trưởng của Ned Davis Research, cho biết dữ liệu lịch sử chỉ ra rằng, đồng đô la mạnh lên khi các ngân hàng trung ương lớn khác giảm lãi suất trước Fed.

“Với việc Fed đang ở vị thế thoải mái để giữ nguyên lãi suất so với các nền kinh tế khác có tốc độ tăng trưởng kém hơn, chúng ta có thể chứng kiến nhiều đợt tăng giá mạnh của đô la, đặc biệt là so với các đồng tiền châu Âu”, Dominic Schnider, người đứng đầu bộ phận ngoại hối và hàng hóa toàn cầu của UBS Global Wealth Management nói.

Các nhà quản lý tài sản, quỹ phòng hộ và những nhà đầu cơ khác hiện đang duy trì số lượng vị thế đặt cược đồng bạc xanh tăng giá lớn nhất kể từ mùa thu năm 2022. Dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ  (CFTC), công bố hôm 12-4, cho thấy, tổng vị thế mua ròng đô la của các nhà giao dịch phi thương mại này hiện lên tới khoảng 17,5 tỉ đô la.

Sức mạnh bền bỉ của đồng đô la có thể gây khó khăn cho các nước đang tìm cách cắt giảm lãi suất mà không làm suy yếu đồng tiền của họ và đẩy nhanh tốc độ lạm phát

“Các ngân hàng trung ương khác rõ ràng không muốn đồng tiền của họ suy yếu nghiêm trọng ”, James Novotny, nhà quản lý danh mục đầu tư của Jupiter Asset Management nói và giải thích, đồng tiền của các nước khác suy yếu sẽ gây áp lực lạm phát.

Tại Nhật Bản, đồng yen chịu áp lực nặng nề trước kịch bản Fed giảm lãi suất chậm hơn dự kiến. Giá đồng yen đang mức yếu nhất kể từ năm 1990, khiến Bộ tài chính Nhật Bản báo động đỏ về khả năng can thiệp.

Hôm 11-4, Masato Kanda, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, nói với các phóng viên rằng, nhà chức trách sẽ không loại trừ bất kỳ biện pháp nào nhằm giải quyết những biến động quá mức của tỷ giá hối đoái. Mark Dowding, giám đốc đầu tư của RBC BlueBay Asset Management, nhận định, bất kỳ sự can thiệp nào cũng sẽ tốn kém nhưng chỉ tạo ra tác động tạm thời.

“Đồng yen suy yếu bởi chính sách tiền tệ còn lỏng lẻo của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Có vẻ như đồng yen vẫn dễ bị tổn thương chỉ vì khoảng cách chính sách của BoJ với Fed  còn quá lớn”, ông nói.

Theo Financial Times, Bloomberg

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới