(KTSG Online) – Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, hàng hóa bán chậm, phải cạnh tranh với kênh bán hàng trực tuyến ngày càng phổ biến, nhiều chủ kinh doanh không chịu nổi mức giá thuê nhà mặt phố nên đã chuyển vào thuê cửa hàng trong các con ngõ. Chính vì vậy thời gian gần đây tại Hà Nội, ngày càng nhiều mặt bằng trống ở đường lớn treo biển tìm khách thuê, trái ngược với cảnh nhiều cửa hàng bắt đầu 'mọc' lên các các ngõ nhỏ.
- Xu hướng rời phố lớn vào hẻm để kinh doanh
- Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh
Khách hàng không quá quan tâm đến việc cửa hàng trong ngõ hay mặt phố
Thùy Linh, sinh viên của Học Viện Ngân Hàng sinh sống tại Hà Nội, hào hứng cùng bạn bè đến một quán cà phê mới mở ở trong một con ngõ trên phố Khâm Thiên, Hà Nội. Đây là quán mới mở, có không gian khá đẹp mà Thùy Linh biết đến qua hoạt động giới thiệu (review) về quán của một TikToker (người sản xuất nội dung trên TikTok) có tiếng trên mạng xã hội.
Thùy Linh cho biết gần đây cô và bạn bè thường đến uống cà phê tại nhiều quán mới được mở tại nhiều con ngõ của Hà Nội chứ không phải các quán mặt phố như trước. Vốn dĩ đây là các con ngõ mà cô không có việc phải đi qua. Song hầu hết các thông tin cô được biết về quán mới đều qua review của các TikToker nổi tiếng.
Ở Hà Nội, hiện không chỉ Thùy Linh mà còn rất nhiều bạn trẻ khác cũng chọn trải nghiệm ở những quán cà phê, quán ăn mới đẹp đẽ trong các con ngõ của Hà Nội, chứ không nhất thiết phải là các quán tại phố lớn. Bởi xu hướng truyền thông trên mạng xã hội phát triển, khá thuận lợi cho các cửa hàng, quán xá quảng bá tiếp cận khách hàng.
Hiện nay, khách hàng, nhất là các khách hàng trẻ tuổi không quan tâm quán được mở trong ngõ hay mặt phố mà họ quan tâm đến những trải nghiệm mới lạ, khám phá những quán mới với không gian mới mẻ hoặc chất lượng đồ ăn, đồ uống ra sao...
Chính vì nắm bắt được tâm lý của khách hàng, nên thời gian gần đây nhiều hàng quán được mở trong các con ngõ ở Hà Nội nhiều hơn trước. Các chủ quán lấy số tiền giảm được so với thuê nhà mặt phố để đầu tư thuê thiết kế các không gian đẹp đẽ để thu hút nhiều khách hàng trẻ thích check in (đăng facebook ảnh chụp tại quán có đính kèm địa điểm). Ngoài ra, một số quán còn đầu tư trả lương cao hơn để thuê những nhân viên pha chế, đầu bếp giỏi để tạo thành những món ngon để thu hút khách hàng... Khi chuyển thuê cửa hàng từ đường lớn vào ngõ nhỏ, các quán có thể có không gian đẹp hơn, đồ ăn uống ngon hơn mà chi phí nuôi quán lại rẻ hơn, giúp quán vượt qua thời điểm kinh tế khó khăn này.
Ghi nhận thực tế tại ngõ 612 phố Đê La Thành và nhiều con ngõ tại khu Thành Công Hà Nội, số hàng quán mở trong ngõ trogn nửa năm trở lại đây nhiều gấp đôi so với trước. Không ít quán vừa mới mở mà lúc nào cũng đông khách.
Tại ngõ 10 Láng Hạ, một tiệm tóc mới vừa chuyển từ đường lớn vào đây được vài tuần. Đây là tiệm tóc đã mở cửa từ nhiều năm ở một con phố lớn. Chủ tiệm tóc này cho biết do kinh tế khó khăn nên lượng khách đến làm tóc ít hơn, anh phải chuyển cửa hàng từ mặt phố vào trong ngõ để cắt giảm chi phí. Do làm lâu năm nên đã có khách quen, nhờ chuyển đổi cửa tiệm từ phố vào ngõ mỗi tháng anh giảm được nửa chi phí thuê nhà.
Còn chị Minh Thu, một người sở hữu vài căn nhà cho thuê trong ngõ để làm cửa hàng, cho biết trước dịch Covid-19, nhà ngõ của chị đôi khi phải để trống, không có khách thuê để kinh doanh. Đôi khi không tìm được khách thuê kinh doanh chị phải cho thuê giá thấp hơn, phục vụ nhu cầu cho thuê để ở.
Song, sau Covid-19 đến nay, xu hướng thuê nhà trong ngõ để kinh doanh ngày càng nhiều, các căn nhà cho thuê của chị không bao giờ phải để trống. Khách này chưa hết hợp đồng thì môi giới đã dẫn khách mới đến hỏi thuê “gối đầu” luôn. Với nhiều năm chuyên kinh doanh nhà thuê trong ngõ, chị Thu không ngờ hậu Covid-19 xu hướng thuê nhà ngõ để kinh doanh lại đắt hàng đến vậy.
Thuê cửa hàng trong ngõ giá bằng nửa thuê nhà mặt phố
Khảo sát mới đây của website Batdongsan.com.vn ghi nhận các mặt bằng bán lẻ nằm trong các ngõ nhỏ của Hà Nội có tỷ lệ lấp đầy khá cao, tập trung ở phân khúc giá từ 3-10 triệu đồng/tháng. Tại một số khu vực gần trung tâm thành phố hoặc nơi đông dân cư, cung không đủ cầu và giá thuê thường cao hơn. Một số mặt bằng kinh doanh tại quận Cầu Giấy, nằm trong ngõ nhỏ thuộc các phường Dịch Vọng, Quan Hoa, Mai Dịch, Nghĩa Tân, Trung Kính… có diện tích từ 20-40m2, giá thuê phần lớn ở mức từ 6,5-10 triệu đồng/tháng. Những mặt bằng trống, giá hợp lý đều nhanh chóng có người thuê ngay khi mặt bằng được trả lại.
Tại quận Hà Đông, nơi xa trung tâm và mật độ dân cư thưa hơn tại quận Cầu Giấy, các mặt bằng trong ngõ thuộc phường Quang Trung, Vạn Phúc, Chiến Thắng, Dương Nội, La Khê, Mỗ Lao… giá thuê đang duy trì mức phổ biến rừ 3-9 triệu đồng/tháng. Do xa trung tâm Hà Nội hơn lượng mặt bằng trống tại khu vực này hiện đang dồi dào hơn so với Cầu Giấy, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, đặc biệt ở phân khúc có giá thuê 8-9 triệu đồng/tháng.
Tình trạng ảm đạm của mặt bằng bán lẻ ở các tuyến phố lớn tại Hà Nội đã khiến không ít môi giới cho thuê bất động sản chuyển hướng sang những mặt bằng bán lẻ nằm trong các ngõ nhỏ. Thị trường này trở thành nguồn hàng chính của nhiều môi giới bất động sản trong thời gian gần đây, mà vốn dĩ trước đây họ chỉ chuyên môi giới nhà mặt phố Hà Nội.
Anh Trọng Nam, một môi giới mặt bằng bán lẻ tại các quận nội thành Hà Nội, cho biết giá thuê cửa hàng tại các con ngõ lớn hoặc ngõ thông ra đường to hoặc thông sang các con ngõ khác – có lưu lượng xe qua lại lớn - thường cao hơn giá thuê mặt bằng tại ngõ nhỏ và ngõ cụt.
Cho thuê mặt bằng bán lẻ trong ngõ có mức hoa hồng thấp hơn nhiều so với các mặt bằng bán lẻ ở mặt phố song anh Nam vẫn phải chấp nhận vì xu hướng thuê cửa hàng đang thay đổi để thích ứng với kinh tế suy thoái.
Anh Nam cho biết phần lớn khách thuê qua anh môi giới là chuyển cửa hàng từ mặt phố vào ngõ để giảm chi phí, sau khi đã có lượng khách quen. Chỉ một phần nhỏ khách hàng mới bắt đầu khởi sự kinh doanh thuê cửa hàng trong ngõ do lo ngại mới kinh doanh mà thuê mặt bằng trên các phố lớn sợ không chịu nổi chi phí, trong khi kinh doanh chưa biết lời lỗ ra sao.
Trước xu hướng thị thường xuất hiện một số doanh nghiệp đã bỏ qua mặt bằng ngoài phố để thuê những vị trí nằm trong ngõ, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội, cho biết xu hướng này xuất phát từ định hướng kinh doanh của khách thuê. Tuy không có được lợi thế về nhận diện thương hiệu, mặt bằng ở trong ngõ sở hữu chi phí thuê hợp lý hơn. Đổi lại, các cửa hàng này sẽ phải phụ thuộc 90% việc tiếp thị thông qua hình thức trực tuyến. Cách làm này phù hợp với mô hình kinh doanh hiện đại trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, bà Minh nói.
Các chuyên gia cho rằng đại dịch Covid-19 đã góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, chuyển sang mua sắm trực tuyến. Do vậy, các cửa hàng không nhất thiết phải thuê mặt bằng trên các phố lớn mà có thể thuê trong ngõ và đẩy mạng bán hàng qua mạng.
Theo báo cáo hành vi người tiêu dùng Việt Nam 2023 của McKinsey & Company, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng giảm thiểu chi tiêu trên hầu hết các ngành hàng, trừ một số ngành hàng cốt lõi như tạp hóa, xăng dầu, sức khỏe cá nhân, ngành hàng mang tính trải nghiệm cao và chất lượng tiên tiến. Phân khúc thời trang, mỹ phẩm, giải trí, thể hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hành vi tiêu dùng của người dân đã tác động đến sức mua tại các cửa hàng. Mà sức mua trực tiếp tại các cửa hàng giảm sút mạnh, kênh bán hàng trực tuyến tăng cao sẽ ảnh hưởng đến việc chọn địa điểm kinh doanh, thuê nhà mặt phố hay trong ngõ của khách hàng để cắt giảm chi phí.