(KTSG Online) - Dự thảo nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang được lấy ý kiến có đề xuất là công trình xây dựng mà có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu thì không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung công năng và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
- Cần có cơ chế, chính sách mua bán điện mặt trời áp mái trước 30-4
- Bài học từ chính sách điện mặt trời của California
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, theo TTXVN.
Nghị định này quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Nhóm áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo dự thảo, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại nghị định này.
Cơ quan quản lý cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện. Bên cạnh đó là ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.
Dự thảo nêu rõ, điện mặt trời mái nhà được định nghĩa là điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và được kết nối với thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện. Mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hiện hữu, được đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp không thuộc phạm vi của dự thảo gồm điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.