(KTSG Online) – Các đoàn tàu hàng từ TPHCM, Hà Nội tạm ngừng chạy cho tới khi khắc phục xong sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió qua Đèo Cả. Hiện ngành đường sắt đã chuyển tải ưu tiên được 16 đoàn tàu chở hàng tươi sống, đông lạnh và hàng chuyển phát nhanh.
- Dự kiến 22-4 thông đường sắt qua hầm Bãi Gió
- Tiếp tục xảy ra sạt lở đường sắt Bắc Nam tại hầm Bãi Gió
TTXVN dẫn thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, có 77 đoàn tàu hàng bị ách tắc do ảnh hưởng sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió qua Đèo Cả, VNR phải thỏa thuận với chủ hàng để chuyển tải. Hiện VNR đã chuyển tải được 16 đoàn qua khu vực bị sự cố, ưu tiên hàng tươi sống, đông lạnh và hàng chuyển phát nhanh.
Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang huy động xe tải để đưa những loại hàng hóa đông lạnh trên các toa hàng di chuyển sang container, xe tải để giao kịp cho khách hàng. Toàn bộ chi phí vận chuyển phát sinh do ngành đường sắt chi trả.
Dự kiến, ngày 22-4 đường sắt Bắc - Nam mới thông trở lại sau khi ngành đường sắt khắc phục xong sự cố sạt lở hầm Bãi Gió. Hiện tại VNR đã tạm ngừng chạy các đoàn tàu hàng từ TPHCM, Hà Nội để tránh ùn ứ hàng hóa.
Các đoàn tàu khách Bắc Nam vẫn khởi hành hàng ngày tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, khi đến khu vực gặp sự cố sẽ hành khách được chuyển tải bằng đường bộ.
Ngành đường sắt đã tổ chức vận chuyển hơn 10.000 khách đi trên các đoàn tàu khách chạy qua khu vực ga Tuy Hòa đến ga Giã bằng xe ô tô và tiếp tục vận chuyển hành khách trên cung đường này trong những ngày tới cho đến khi thông tàu trở lại, đồng thời cung cấp suất ăn, nước uống miễn phí.
Sau khi khắc phục xong sự cố sụt hầm Đèo Cả, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị bố trí vốn gia cố bước 1 đối với 12 hầm yếu cần ưu tiên xử lý với kinh phí dự kiến dưới 500 tỉ đồng; trong giai đoạn tiếp theo là trình phương án xử lý 27 hầm yếu trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định thành lập tổ công tác hiện trường xử lý sạt lở hầm Đèo Cả đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM.
Tổ công tác hiện trường có nhiệm vụ thường trực 24/24h tại hiện trường để giải quyết xử lý sự cố và có ý kiến để chủ đầu tư quyết định phương án xử lý phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm nhất.