Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

IMF: Khối nợ công lớn của Mỹ đe dọa ổn định tài chính toàn cầu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo mức nợ cao và đang gia tăng của chính phủ Mỹ đe dọa đẩy tăng chi phí vay trên khắp thế giới, gây bất ổn tài chính toàn cầu.

Nợ công của Mỹ ước tính đang ở mức gần 35 nghìn tỉ đô la. IMF lo ngại mức nợ và lãi suất cao của Mỹ sẽ đẩy tăng chi phí vay trên khắp thế giới, gây bất ổn tài chính toàn cầu. Ảnh: Mises.org

Lợi suất cao của trái phiếu Mỹ gây bất ổn tỷ giá ở các nước

Báo cáo phân tích của IMF hôm 17-4 nhận định, mức chi tiêu tăng, nợ công tăng kết hợp với lãi suất cao ở Mỹ khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ biến động mạnh và duy trì ở mức cao. Điều này có thể khiến các nước trên thế giới tiếp tục duy trì lãi suất cao.

Phân tích của IMF chỉ ra rằng lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn của Mỹ tăng đột biến có liên quan đến sự gia tăng tương tự về lợi suất trái phiếu chính phủ ở các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển khác, đồng thời gây bất ổn cho tỷ giá ở những nền kinh tế này.

Trong tuần qua, một loạt đồng tiền ở châu Á giám giá mạnh khi đồng đô la mạnh lên.

“Chính sách tài khóa lỏng lẻo ở Mỹ gây áp lực tăng lên lãi suất toàn cầu và đồng đô la. Chính sách này đẩy chi phí vay vốn ở phần còn lại của thế giới lên cao, do đó, làm trầm trọng thêm những bất ổn và rủi ro hiện tại”, Vitor Gaspar, giám đốc bộ phận tài chính của IMF, nói.

Đây là lần thứ hai trong tuần này IMF cảnh báo chính phủ Mỹ. Hôm 16-4, cơ quan này cho rằng chi tiêu và nợ công cao của Mỹ đang góp phần khiến nền kinh tế quá nóng, có thể gây khó khăn cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc chiến chống lạm phát.

Lãi suất cao có nghĩ là các hộ gia đình và doanh nghiệp tốn kém nhiều hơn cho chi phí vay, có thể dẫn đến vỡ nợ, gây tổn thất cho ngân hàng và những bên cho vay khác, làm gia tăng bất ổn tài chính.

Cảnh báo của IMF nhấn mạnh mối lo ngại về hậu quả rộng lớn từ khối nợ ngày càng phình to của chính phủ Mỹ, ước tính ở mức gần 35 nghìn tỉ đô la Mỹ. Hôm 16-4, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm chạm mức 5% sau khi Chủ tịch Fed, Jerome Powell báo hiệu rằng lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài do lạm phát dai dẳng.

Chi tiêu lớn của chính phủ Mỹ, bao gồm cả gói kích thích khổng lồ trong thời kỳ đại dịch, đã thúc đẩy sức mua sắm của các hộ gia đình và tăng trưởng kinh tế.

IMF cho biết chính sách tài khóa lỏng lẻo của Mỹ, cùng với khối nợ khổng lồ của nước này, có thể khiến chặng cuối trong nỗ lực đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của Fed trở nên cam go hơn. IMF cũng lo ngại rằng, nếu lạm phát ở Mỹ vẫn duy trì ở mức cao, điều đó sẽ khiến nhà đầu tư tiêu tan hy vọng Fed giảm lãi suất, dẫn đến tình trạng bán tháo tài sản tài chính, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu chính phủ trên khắp thế giới. Kết quả là giá trái phiếu sẽ giảm và lợi suất sẽ tăng lên.

“Theo kịch bản này, các điều kiện tài chính trên diện rộng sẽ bị thắt chặt. Trên toàn cầu, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ do lợi suất trái phiếu cao hơn”, Tobias Adrian, giám đốc bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của IMF, cho biết.

Theo Vitor Gaspar, giám đốc bộ phận tài chính của IMF, vấn đề có thể đặc biệt nghiêm trọng ở các nước thu nhập thấp, nơi những hạn chế về tài chính công “đặc biệt nghiêm trọng”.

Kinh tế Mỹ cũng đối mặt rủi ro

Mỹ cũng sẽ đối mặt với các rủi ro liên quan. Theo IMF, các nhà đầu tư đang yêu cầu lợi nhuận cao hơn khi nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ. Điều này phản ánh mối lo ngại của họ về lạm phát kéo dài, lộ trình chính sách tiền tệ không chắc chắn và việc phát hành thêm nợ ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Phần bù rủi ro đối với nợ chính phủ Mỹ đã tăng lên trong thời gian gần đây và có thể vẫn ở mức cao trong bối cảnh nợ công của Mỹ tăng cao”, nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, nói với các phóng viên hôm 16-4.

Vì vậy, ngay cả khi Fed giảm lãi suất vào cuối năm nay, theo kịch bản trung tâm của IMF, chi phí vay nợ của chính phủ Mỹ có thể không giảm ở mức tương tự, Gourinchas cho biết.

Điều đó sẽ gia tăng áp lực lên tài chính của chính phủ Mỹ, làm giảm nguồn ngân sách chi tiêu cho các dịch vụ công hoặc để hấp thụ những cú sốc bất lợi trong tương lai đối với nền kinh tế, chẳng hạn như khủng hoảng tài chính, đại dịch hoặc chiến tranh.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, chi phí lãi vay của chính phủ Mỹ tăng lên 659 tỉ đô la trong năm tài khóa 2023, kết thúc vào ngày 30-9. Con số này gần gấp đôi so với năm tài khóa 2020.

Và theo Ủy ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm, một tổ chức nghiên cứu chính sách công, trong năm tài khóa 2023, chính phủ Mỹ đã chi nhiều hơn để trả nợ so với chi tiêu cho nhà ở, giao thông và giáo dục đại học.

IMF dự báo nợ công của Mỹ sẽ tiếp tục tăng khiến nợ chính phủ trên toàn thế giới lên gần 100% GDP toàn cầu vào năm 2029, từ mức 93% của năm ngoái.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg hôm 18-4, bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc IMF, cho biết thế giới đang theo dõi chặt chẽ lãi suất và các chính sách công nghiệp của Mỹ.

“Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Mỹ”, bà nói. Bà lưu ý, hai vấn đề lớn nhất mà các nước đang quan tâm là điều gì sẽ xảy ra với lạm phát và lãi suất của Mỹ và các chính sách bảo hộ công nghiệp của Mỹ sẽ tác động đến thế giới ra sao.

Bà cho biết, sức mạnh bền bỉ của đồng đô la Mỹ là điều “đáng lo ngại” đối với các loại tiền tệ khác. Bà nói hiện nhiều nước đang lo lắng vì không biết “Fed sẽ bị mắc kẹt với lãi suất cao hơn trong bao lâu”.

Theo CNN, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới