(KTSG Online) - Tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam năm 2024 và trong năm tới sẽ cao hơn tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu về điện của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi hiện nay.
Do đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng sử dụng điện tiết kiệm và chuyển dịch năng lượng, tăng trưởng xanh được đẩy mạnh nhiều hơn trong thời gian tới.
- Điện gió ngoài khơi chờ chính sách, lo lỡ quy hoạch
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn ngoại rót vốn vào năng lượng tái tạo
Thông tin trên được ghi nhận tại Hội thảo tham vấn Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng ở TPHCM vào ngày 25-4. Sự kiện do Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Hội thảo nhằm tham vấn, lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành về kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về chuyển dịch năng lượng, góp phần đẩy mạnh sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trong cộng đồng thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Ngọc Thuỷ, Điều phối viên quốc gia của ETP/UNOPS, Chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng. Hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm mọi chủ thể trong xã hội tham gia tích cực, chủ động vào quá trình chuyển dịch năng lượng.
Đây là một nội dung quan trọng của tăng trưởng xanh mà chính phủ Việt Nam đang hướng tới và cũng là yếu tố tiên quyết hỗ trợ cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050.
Bà Thủy cho rằng, ngành năng lượng là ngành phát thải nhiều nhất trong nền kinh tế. Năm 2020 ngành này đã thải ra 347,5 triệu tấn CO2 chiếm 66,3% tổng lượng phát thải của nền kinh tế. Đến năm 2050, tổng lượng phát thải của nền kinh tế do ngành năng lượng chiếm tới 81%. Từ những con số này có thể thấy năng lượng là bài toán thiết yếu nhất và phải có lời giải để hướng đến tăng trưởng xanh.
Chuyển dịch năng lượng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, thay vì mỗi tổ chức, doanh nghiệp, hay cá nhân đơn lẻ.
Mỗi hành động, dù nhỏ ví như tiết kiệm điện, tái chế, sử dụng phương tiện đi lại và sinh hoạt thân thiện với môi trường… cũng góp phần quan trọng vào nỗ lực chung giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng.
Một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, trong kịch bản Net zero, thay đổi trong hành vi sẽ giảm lượng khí thải và giảm nhu cầu năng lượng cho tòa nhà, giao thông đường bộ và hàng không.
Ước tính, tổng lượng khí CO2 phát thải trong kịch bản trung hòa carbon (NZE) từ năm 2021 đến 2050 sẽ giảm khoảng 4% nếu có những hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân.
Theo bà Thủy, giai đoạn 2023 - 2025, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam ngày càng tăng cao, ước tính 8,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc hiểu về các khía cạnh của năng lượng và thay đổi hành vi là điều quan trọng và truyền thông là một phương thức hiệu quả và không thể thiếu.
Cũng theo bà Thuỷ, truyền thông đã và đang được sử dụng như một cầu nối thông tin, là diễn đàn để mọi cộng đồng nêu lên tiếng nói của mình và là phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Kinh tế, công nghiệp dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Quyết định 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu tăng trưởng xanh là bình đẳng, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện tăng trưởng xanh sẽ giảm bệnh tật, đem lại ích cho tất cả các đối tượng, trong đó nhóm yếu thế sẽ được hưởng lợi hơn hết.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về truyền thông và nâng cao nhận thức được giao tại Chiến lược và Kế hoạch hành động của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đối tác ETP/UNOPS triển khai dự án Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong chuyển dịch năng lượng thông qua truyền thông đa phương tiện.
Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân tập thể nhằm hướng tới việc thay đổi hành vi của công chúng một cách bền vững, góp phần thúc đẩy những thay đổi về chính sách, tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi để khuyến khích việc áp dụng các thói quen sử dụng năng lượng bền vững trong cộng đồng.
Trong 15 tháng triển khai, Chương trình sẽ trang bị nâng cao cho công chúng kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể chủ động tham gia và đóng góp vào quá trình hiện thực hóa chính sách chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.