Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cà phê… luận!

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chủ nhật, giở xem lại mấy bài viết cũ. Bỗng tìm thấy một bài báo đăng ở mục Sổ tay kinh tế vào cuối năm 1994, với tựa đề “Ấm lạnh với cây cà phê”. 30 năm qua, lại nghĩ và luận ra nhiều điều, khi giá cà phê bây giờ đang ở… mức đỉnh!

Bài báo ấy nói về chuyện trồi sụt giá của niên vụ cà phê năm 1994 và khi lên mức cao nhất vào tháng 11-1994 là 37.000 đồng/ki lô gam, để rồi sau đó dao động giảm xuống các mức 32.000, 29.000, 27.000, 22.000 đồng… vào thời điểm cuối năm 1994.

Hái cà phê trong vườn ở Buôn Ma Thuột. Ảnh: T.T.B

Câu chuyện nông sản nói chung và cà phê nói riêng, tất nhiên mỗi thời mỗi khác về năng suất cây trồng và sản lượng xuất khẩu, song vẫn giống nhau về bản chất sự lệ thuộc vào giá cả của thế giới. Ở bài báo ấy của 30 năm trước, tôi đã viết: “Bây giờ đã là cuối vụ, song cà phê vẫn là đề tài thời sự ở thôn cùng xóm vắng. Đêm đêm bên bàn trà, nông dân đàm luận về cây cà phê, đất trồng và giá cả cà phê…”, cả dẫn lời anh nông dân tên là Lê Hoàng Nhân ở ấp Bàu Sen (Long Khánh, Đồng Nai) kể rằng, lúc 10 giờ sáng chở một tạ cà phê ra vựa bán, trưa về ngủ một giấc đến 2 giờ chiều, giá một ki lô gam cà phê đã giảm xuống 3.000 đồng.

Nhiều năm qua, gia đình tôi vẫn uống cà phê theo cách quen của riêng mình. Đặt cà phê từ một người quen từ hồi ở Buôn Ma Thuột cách đây hơn 35 năm, ship về. Mỗi lần 4-5 ki lô gam, đem chia sớt cho đứa con, cũng ghiền cà phê pha phin đậm như tôi, để cùng nhau uống trong vài tháng. Ngày 20-4 vừa qua, là đợt đặt cà phê gần nhất, so với kỳ đặt trước đó ba tháng, giá mỗi ki lô gam từ 140.000 đồng, tăng lên 200.000 đồng. Tính ra, giá cà phê bột nguyên bản như vậy là có thể chấp nhận được, bởi so với giá cà phê nhân mà các doanh nghiệp đang thu mua để xuất khẩu hiện nay, đã tăng gần gấp đôi so với giá mua cùng kỳ năm trước.

Lại đem đề tài này bàn luận với bạn bè lúc ngồi ở quán. Tất nhiên tôi kêu trà gừng, vì mỗi sáng uống một phin đậm là đủ lượng rồi. Nhưng có người nói rằng Sài Gòn miên man quán cà phê: quán sang sân vườn, quán cóc ê hề, xe bán cà phê mang đi, vỉa hè đi mấy bước có một quán xổm vài chiếc ghế nhựa… Lúc này, giá cà phê tăng “nóng” như vậy, liệu người bán có pha trộn gì không, hay vừa pha trộn để bán vừa tăng giá bán mỗi ly để lấy lòng tin, hoặc giữ nguyên giá mà pha trộn nhiều hơn. Cũng có thể họ mua cà phê nhiều trữ trước, bây giờ ngồi kiếm lời, lúc tính tiền lại thanh minh với khách rằng “mong thông cảm, vì giá cà phê tăng cao”!

Đó là chuyện muôn mặt xoay quanh loại cây cho ra hạt đen và đắng này, mỗi khi giá cả trồi sụt bao nhiêu năm qua. Lại lẩn thẩn so ra với giá vàng vốn nhảy múa suốt mấy tháng vừa rồi thì thấy, vào thời điểm 30 năm trước, cứ 2 tạ cà phê nhân là đổi được 1 lượng vàng (giá mỗi ki lô gam là 20.000 đồng, vàng giá 4 triệu đồng/lượng), còn bây giờ cứ lấy giá vàng dao động khoảng 80 triệu đồng/lượng. So với giá cà phê nhân rao trên thị trường là trên 80.000 đồng/ki lô gam, thì để có một lượng vàng, phải bán xấp xỉ cả tấn cà phê nhân!

Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, bởi tùy thời tùy lúc và tùy ở giá trị của mỗi thứ đem ra quy đổi, song cũng nhận ra một điều: giá trị của cây cà phê đối với nông dân là điều khó bàn cãi. Vì vậy, với bài báo xa xưa nói trên, tôi đã viết thêm một điều, rằng: “Vào thời điểm năm 1985, 1986 khi cà phê tăng giá, người nông dân lấy gạo để so sánh. Một ki lô gam cà phê có thể đổi 15-16 ki lô gam gạo. Còn bây giờ, họ lại lấy những thứ khác, đó là vàng và các tiện nghi đắt tiền như xe Cub, Dream, ti vi màu, đầu máy video…”.

Rồi chợt nghĩ miên man thêm, giá trị của mỗi ly cà phê buổi sáng hiện diện trên bàn, đối với thói quen của mỗi người đôi khi là tác nhân để… luận ra đủ thứ, có thể bắt đầu bằng chủ đề của chính nó, như khi tôi ngồi trước máy để viết bài này!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới