Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất vì lạm phát thiếu cải thiện

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở biên độ 5,25 - 5% lần thứ 6 liên tiếp do lạm phát thiếu cải thiện. Chủ tịch Fed, Jerome Powell bác bỏ khả năng tăng thêm lãi suất nhưng cảnh báo sẽ duy trì chi phí vay ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến.

Tại cuộc họp báo hôm 1-5, Chủ tịch Fed, Jerome Powell bày tỏ lo ngại lạm phát còn quá cao và tiến triển về lạm phát không chắc chắn. Ảnh: CNBC

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, hôm 1-5, Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông báo giữ nguyên lãi suất ở biên độ 5,25-5,5%. Đây là lần thứ 6 Fed duy trì biên độ lãi suất này.

“Trong những tháng gần đây, thiếu tiến triển đối với mục tiêu lạm phát 2% của (Fed)”, tuyên bố của FOMC cho hay. Tuyên bố lưu ý, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng vững chắc và số liệu việc làm vẫn mạnh mẽ.

FOMC không kỳ vọng giảm lãi suất cho đến khi có được niềm tin lớn hơn rằng, lạm phát đang tiến tới mục tiêu 2% của Fed một cách bền vững.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) được Fed theo dõi như là thước đo lạm phát đáng tin cậy hơn trong dài hạn, tăng với tốc độ hàng năm 2,7% trong tháng 3, nhanh hơn so với tháng trước đó. Những lo ngại về lạm phát dai dẳng cho thấy Fed có thể sẽ không sẵn sàng giảm lãi suất trong ít nhất một vài tháng, nếu không muốn nói là lâu hơn.

Tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed, Jerome Powell bày tỏ kỳ vọng lạm phát sẽ nối lại đà giảm trong năm nay. “Nhưng niềm tin của tôi vào điều đó đang thấp hơn”, ông nói thêm.

Ông cho biết, Fed có thể giảm chi phí vay nếu làm phát nhanh chóng hướng về mục tiêu 2%, hoặc nếu thị trường việc làm suy yếu đáng kể. Ông loại bỏ khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo, nhưng cảnh báo, Fed sẵn sàng duy trì biên độ lãi suất hiện nay trong thời gian lâu hơn.

“Có những con đường cản trở giảm lãi suất và cũng có những con đường cho phép giảm lãi suất. Điều đó thực sự phục thuộc vào dữ liệu sắp tới”, ông nói.

Người đứng đầu Fed cho biết, bất kể kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới ra sao, Fed tiếp tục đưa ra quyết định về lãi suất một cách độc lập.

Khi được hỏi về nguy cơ Mỹ đang bước vào thời kỳ “lạm phát đình trệ” với tốc độ tăng trưởng trì trệ và giá cả tăng cao, ông Powell nói rằng, các điều kiện hiện tại không giống như những gì đã thấy vào cuối thập niên 1970 khi giá cả tăng hơn 10% mỗi năm cùng với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Theo các nhà phân tích của Evercore ISI, thông điệp cơ bản từ những phát biểu của ông Powell là “việc cắt giảm bị trì hoãn chứ không hẳn bị loại bỏ”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác không lạc quan về quan điểm ôn hòa của ông Powell. Neil Dutta, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của Renaissance Macro Research, nói: “Ông Powell có thể nói bất cứ điều gì ông ấy muốn, nhưng rốt cục, con số lạm phát sẽ quyết định điều gì sẽ xảy ra”.

Fed vẫn duy trì thông điệp rằng, giảm lãi suất vẫn có nhiều khả năng xảy ra hơn là tăng lãi suất. Nhưng William English, cựu cố vấn cấp cao của Fed cho biết, nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục nóng hơn, Fed sẽ cần phải loại bỏ thông điệp này, mở rộng cánh cửa cho việc tăng lãi suất.

Bên trong Fed, có một nhóm quan chức lo ngại về việc duy trì lãi suất quá cao trong thời gian dài, đặc biệt nếu lạm phát và tăng trưởng tiền lương giảm tốc. Việc duy trì lãi suất ở biên độ hiện tại, mức cao nhất trong hai thập niên, trong thời gian dài có thể gây ra nhiều tổn thất hơn cho các ngân hàng khu vực. Bên cạnh đó, nhà đầu tư bất động sản thương mại và các ngành khác chưa chuẩn bị ứng phó đợt tăng lãi suất mạnh mẽ trong 2 năm qua.

Một nhóm quan chức cho rằng, không cần phải giảm lãi suất trong năm nay vì nền kinh tế đang mạnh mẽ. Họ lo lạm phát sẽ kẹt ở mức trên 2,5%. Họ muốn có thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang chậm lại trước khi giảm lãi suất.

Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà đầu tư đang đặt cược Fed có khả năng bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9. Trước cuộc họp của Fed, họ dự báo động thái giảm lãi suất có thể trì hoãn đến tháng 12.

Trong một diễn biến khác, Fed thông báo sẽ giảm quy mô thu hẹp bảng cân đối kế toán kể từ đầu tháng 1. Cụ thể, Fed sẽ chỉ cho phép 25 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ đáo hạn mà không mua lại mỗi tháng. Con số trước đây là 60 tỉ đô la

Công cụ chính của Fed là lãi suất cơ bản, nhưng cơ quan này cũng điều chỉnh bảng cân đối kế toán để giúp kích thích hoặc làm chậm lại nền kinh tế. Fed đã mua rất nhiều trái phiếu từ năm 2020 đến năm 2022 để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau cơn suy thoái do đại dịch Covid-19. Hoạt động này đã đã đẩy lãi suất giảm xuống ở một số lĩnh vực của nền kinh tế như nhà ở và ô tô. Vào giữa năm 2022, khi lạm phát tăng cao, Fed đã đảo ngược chính sách bằng cách giảm lượng trái phiếu nắm giữ.

 Theo Reuters, CNN, WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới