(KTSG Online) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Cục hàng không Việt Nam, Vụ vận tải rà soát, kiểm tra giá vé máy bay, nhằm kiểm soát giá vé máy bay, góp phần bình ổn giá. Trước ngày 10-5, đơn vị này gửi kết quả báo cáo đến bộ.
- Kích cầu du lịch nội địa dễ ‘mất đà’ khi vé máy bay chưa hạ nhiệt
- Chuyển đổi xanh bắt đầu khiến giá vé máy bay đắt đỏ hơn
Theo TTXVN, văn bản nêu rõ, thời gian qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao, làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, nhất là dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua.
Trước tình trạng trên, Cục hàng không Việt Nam rà soát, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không.
"Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có). Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định", Bộ Giao thông vận tải cho biết trong văn bản.
Bên cạnh đó, Vụ vận tải chủ động theo dõi, tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định, đặc biệt là dịp cao điểm hè sắp tới.
Thời điểm đầu tháng 4, theo TTXVN, giá vé máy bay đi đến nhiều địa điểm du lịch trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tăng cao. Chẳng hạn như giá vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc đi ngày 28-4, về ngày 3-5 có giá từ 5 triệu đến hơn 7 triệu đồng/vé. Với đường bay Hà Nội - Đà Lạt, giá vé máy bay ngày 27-4, hãng hàng không Vietjet Air có các mức giá dao động từ 2,7-3,9 triệu đồng/vé khứ hồi trong khi Vietnam Airlines là 3,8-13,07 triệu đồng/vé khứ hồi.
Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các cảng hàng không đã đón gần 1,8 triệu hành khách. Trong đó, lượng khách quốc tế hơn 667.600 khách, tăng 31,16% so với cùng kỳ năm 2023. Dịp này, tổng sản lượng khai thác trên toàn mạng cảng hàng không trực thuộc ACV ghi nhận là 11.039 lượt cất, hạ cánh.
Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không cũng ghi nhận sự tăng trưởng ở cả nội địa và quốc tế, lần lượt đạt hơn 7.300 tấn, tăng 18,81% và gần 14.000 tấn, tăng 7,61% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường hàng không Việt, với 100 triệu dân, quả là mảnh đất màu mỡ để nhiều hãng khai thác. Nếu làm ăn theo kiểu “tận diệt/ tận thu ” thì rốt cuộc dân ta sẽ bỏ bay, chuyển sang đường bộ/ đường sắt/ nằm nhà, hoặc bay ra nước ngoài với giá đang ở mức khuyến mại cực rẻ. Hậu quả là tan chảy nguồn lực. Nhất là ngành du lịch, động lực quan trọng của kinh tế đất nước, sẽ dính đòn hồi mã thương nặng nề. Nói đâu xa, một tô phở ở sân bay luôn tính giá gấp 3-4 lần so với ở ngoài. Thu phí tự động ra vào, nói mãi cũng không thay đổi nhiều, chỉ diễn là chính.