Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhầm lẫn hay cố ý hiểu sai về phạm vi bảo hộ quyền tác giả?

Nguyễn Ngô Thành Danh(*) - Lê Vũ Vân Anh(**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một doanh nghiệp vừa qua đã khánh thành hai mô hình mẫu công trình đường đô thị và công bố rằng “đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho hai mô hình mẫu công trình này”(1). Và giấy chứng nhận ghi nhận loại hình tác phẩm là “tác phẩm viết”. Liệu rằng việc đăng ký như vậy có thực sự phù hợp với pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT), đem lại sự bảo hộ cần thiết cho chủ sở hữu hay có cân bằng với lợi ích công?

Mô hình mẫu được tuoitre.vn đề cập đến trong bài viết “Công bố bản quyền mẫu đường sắt đô thị trên cao, ông Đường ‘bia’ có ‘chơi ngông’?” - đúng ra là một giải pháp kỹ thuật mới - trong việc xây dựng công trình giao thông chứ không phải là một tác phẩm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nơi mà quyền tác giả đóng vai trò chính yếu(2). Ngoài ra, theo thông tin được công bố, giấy chứng nhận quyền tác giả của hai mô hình mẫu công trình lại ghi nhận các tác phẩm thuộc loại hình “tác phẩm viết”! Điều này không khỏi gây ra sự bối rối.

Copy-right: copy sao cho đúng? Copy ý tưởng, không copy hình thức

Trong pháp luật về quyền tác giả, có tồn tại một nguyên tắc cốt lõi: quyền tác giả chỉ bảo hộ “hình thức thể hiện ý tưởng” của tác phẩm (expression) chứ không bảo hộ các ý nghĩa, tư tưởng mà tác phẩm muốn truyền đạt (ideas). Đây là một nguyên tắc toàn cầu bởi nó được ghi nhận tại khoản 2 điều 9 của Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT năm 1994 (TRIPS) - một hiệp định mà bất kỳ thành viên nào của WTO (bao gồm cả Việt Nam) đều phải tuân thủ và thi hành.

Luật SHTT Việt Nam cũng gián tiếp ghi nhận nguyên tắc này tại khoản 3 điều 15, rằng: “Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu” là các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả vì đây được xem là những ý tưởng cần thiết mà tất cả mọi người cần phải được sử dụng. Và một cách chi tiết hơn, khoản 2 điều 66 Nghị định 17/2023 cũng ngầm thừa nhận nguyên tắc này: Khi xác định việc xâm phạm quyền tác giả, chúng ta phải xem xét “[...] sự thể hiện, biểu hiện của ý tưởng mà không phải bản thân ý tưởng”.

Nguyên tắc phân biệt giữa ý tưởng và biểu hiện nhằm tạo ra sự cân bằng giữa việc bảo vệ các tác phẩm và đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo cũng như tự do biểu đạt. Nguyên tắc này đảm bảo những người khác sẽ có đủ không gian để sáng tạo dựa trên các ý tưởng hiện có và biểu đạt chúng theo những cách khác nhau mà không bị xem là sao chép. Cho phép độc quyền ý tưởng hay một chủ đề cụ thể sẽ bóp chết sự đổi mới.

Ý tưởng và biểu hiện: Ranh giới mong manh

Việc phân biệt giữa ý tưởng và cách thể hiện ý tưởng không phải lúc nào cũng đơn giản, vì chúng thường phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Khó có thể đưa ra một câu trả lời chắc chắn khi nào ý tưởng kết thúc và khi nào cách thể hiện bắt đầu. Khái niệm ý tưởng/biểu hiện (the idea/expression dichotomy) thường được coi là một trong những khái niệm khó nhất trong lĩnh vực luật bản quyền.

Một giải thích chi tiết của Thẩm phán Pritchard trong vụ việc Plix Products Ltd vs Frank M. Winstone (Merchants) Ltd [1986] F.S.R. 63 (New Zealand) - xoay quanh tranh chấp xâm phạm quyền tác giả liên quan đến các túi nhựa đựng kiwi được thiết kế theo các thông số kỹ thuật - có thể giúp chúng ta hiểu hơn về ranh giới này.

Theo quan điểm của thẩm phán, có hai loại “ý tưởng” liên quan đến việc tạo ra một tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả. Trước hết là các ý tưởng chung hoặc chủ đề cơ bản của tác phẩm. Ý tưởng này nảy sinh trong tâm trí của tác giả khi họ bắt đầu việc sáng tác, ví dụ như viết một bài thơ hoặc một cuốn tiểu thuyết về tình yêu đơn phương hoặc vẽ một con chó hoặc thiết kế một túi đựng quả kiwi. “Ý tưởng” này sẽ không được bảo hộ bằng quyền tác giả bất kể chúng có được vật chất hóa hay không.

“Ý tưởng” thứ hai là lúc tác giả biến những ý tưởng cơ bản (trong tâm trí) này thành một dạng cụ thể - tức là sự “thể hiện” ý tưởng - bằng cách thêm vào các chi tiết về hình thức và hình dạng. Người viết tiểu thuyết sẽ nghĩ chi tiết hơn về nhân vật, lời thoại, cốt truyện... Nghệ sĩ sẽ tập trung vào chi tiết, như góc nhìn của chú chó, phối cảnh, màu sắc và ánh sáng. Nhà thiết kế bao bì cũng sẽ cân nhắc các hình dạng và họa tiết sao cho chúng thể hiện ý tưởng một cách hiệu quả nhất. Mỗi tác giả sẽ sử dụng kỹ năng, kiến thức và trí tưởng tượng riêng để thể hiện các ý tưởng cơ bản. Tất cả các phương thức này đều bắt nguồn từ tâm trí tác giả - đều được xem là “ý tưởng”. Tuy nhiên, chỉ khi được biểu hiện dưới một dạng cụ thể (như lúc tiểu thuyết thành hình, hình vẽ chú chó hay túi đựng kiwi hoàn thành...) thì chúng mới được bảo hộ bởi quyền tác giả.

Tuy nhiên, việc xác định khi nào ý tưởng cơ bản kết thúc và sự thể hiện ý tưởng bắt đầu vẫn là một thách thức, một “ranh giới không thể xác định được”, như thẩm phán Pritchard khẳng định.

Ý nghĩa của nguyên tắc ý tưởng/hình thức

Quyền tác giả, hoặc chính xác hơn, những quyền tài sản thuộc về quyền tác giả, thường được đề cập như là các đặc quyền quản lý việc khai thác tác phẩm theo các phương thức cụ thể như sao chép, biểu diễn, truyền đạt, và nhiều hình thức khác. Tuy nhiên, vì nguyên tắc này, phạm vi của những đặc quyền này chỉ giới hạn ở “biểu hiện của ý tưởng” trong tác phẩm. Nói một cách khác, nguyên tắc này đã định rõ rằng quyền tác giả bảo vệ hình thức, không phải ý tưởng; điều này có nghĩa là các ý nghĩa, tư duy mà tác phẩm truyền đạt sẽ không được bảo hộ, và bất kỳ ai cũng có thể sử dụng hoặc sao chép chúng.

Ví dụ, khi bạn viết một cuốn sách về nấu ăn, ý tưởng chính là các công thức, quy trình nấu ăn, trong khi biểu hiện của ý tưởng đó là cách bạn trình bày, viết và tổ chức cuốn sách. Bạn có thể ngăn cấm người khác sao chép cuốn sách hoặc phân tán nó trên mạng, nhưng bạn không thể ngăn cản họ sử dụng các công thức nấu ăn hoặc thậm chí viết lại chúng bằng cách khác.

Do đó, không phải mọi yếu tố trong “tác phẩm” đều được bảo hộ bởi quyền tác giả, ngay cả khi tác phẩm đã được đăng ký bản quyền. Theo đó, quy trình, hệ thống, phương pháp, ý tưởng và nguyên lý nói chung không được bảo hộ, dù chúng có là nội dung chính của tác phẩm. Một ví dụ thực tế là tranh chấp liên quan đến “phương án in và phát hành xổ số sử dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí in vé xổ số”(3).

Trong trường hợp này, nguyên đơn cáo buộc bị đơn đã xâm phạm quyền tác giả vì đã sử dụng phương pháp in vé số mà nguyên đơn đã nghĩ ra. Mặc dù còn có nhiều lý do khác dẫn đến sự thua kiện của nguyên đơn, song một trong số những lý do có ảnh hưởng là sự nhầm lẫn về phạm vi bảo hộ: các phương pháp hoạt động vốn không được bảo hộ bởi quyền tác giả. Việc bảo hộ các yếu tố này sẽ hiệu quả hơn và phù hợp hơn nếu sử dụng các cơ chế bảo hộ khác như đăng ký sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, giải pháp hữu ích khác.

Áp dụng nguyên tắc ý tưởng/hình thức cho hai mô hình mẫu công trình nhắc đến ở đầu bài viết, có thể khẳng định ngay: quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu liên quan đến việc sản xuất các mô hình mẫu đường giao thông sẽ không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Nói cách khác, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho hai mô hình mẫu này chỉ ghi nhận sự bảo hộ đối với cách thức diễn đạt việc thiết kế và giải pháp của công trình (thông qua hình vẽ), chứ không đồng nghĩa với việc xác nhận một độc quyền ngăn cấm người khác áp dụng, sản xuất hai mô hình mẫu này vào thực tiễn.

Nhìn chung quyền SHTT có thể diễn giải đầy đủ là quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, các tài sản này không chỉ giới hạn ở một loại mà bao gồm nhiều loại khác nhau, mỗi loại có các quyền sở hữu, quản lý và bảo hộ riêng biệt, cùng với điều kiện và quyền lợi đặc biệt. Việc nhận diện sai hoặc cố ý đăng ký nhầm “loại hình” tài sản trí tuệ này dưới hình thức khác nhằm tối đa hóa quyền lợi cá nhân có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng.

Điều này là do thời hạn bảo hộ của mỗi loại tài sản trí tuệ là khác nhau; ví dụ, quyền tác giả có thời hạn là 50 năm kể từ khi tác giả qua đời, trong khi quyền sở hữu sáng chế chỉ kéo dài 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền liên quan cần cẩn trọng khi tiếp nhận các đơn đăng ký vì đây là người “gác cổng” đầu tiên đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.

(*) Chuyên gia bộ phận R&D của IPGeekLab.

(**) Giảng viên môn luật SHTT, Đại học Durham, Vương quốc Anh.

(1) Công bố bản quyền mẫu đường sắt đô thị trên cao, ông Đường ‘bia’ có ‘chơi ngông’? https://tuoitre.vn.

(2) https://www.youtube.com/watch?v=RiZtz2ZUkkc&ab_channel=HOABINHGROUP

(3) Bản án số 43/2019/KDTM-ST ngày 16-10-2019 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới