Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam – Trung Quốc bàn về giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế số

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại tọa đàm về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, các doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn tiếp tục có những hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng đã trao đổi về những giải pháp, hướng đến thúc đẩy đầu tư trong thời gian tới như đề nghị Việt Nam sớm ban hành và thực thi chính sách cho các dự án năng lượng mới; hỗ trợ phát triển ứng dụng cho ngành công nghiệp 5G; có chính sách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm năng lượng xanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm với Đoàn 19 Tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số. Ảnh: TTXVN

Ngày 14-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì tọa đàm với đoàn 19 tập đoàn hàng đầu Trung Quốc về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số. Các bên đã trao đổi về ý tưởng, sáng kiến hợp tác, hướng đến hợp tác hơn nữa về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, đồng thời, khẳng định mong muốn đồng hành trong phát triển trong kinh tế xanh, kinh tế số, thông tin từ TTXVN.

Chẳng hạn như các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng gồm Tập đoàn điện lực, Tập đoàn năng lượng Trung Quốc… mong muốn tham gia các dự án năng lượng mới, phát triển các dự án lưu trữ năng lượng tại Việt Nam. Phía doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị Việt Nam sớm ban hành và thực thi chính sách cho các dự án năng lượng này; rút ngắn thời gian mời đấu thầu các dự án điện rác.

Các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện của Trung Quốc như Chery, Yadea mong muốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy điện tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu carbon kép của Việt Nam. Bên cạnh đó là mong Việt Nam có chính sách khuyến khích để người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm năng lượng mới, năng lượng xanh.

Trong lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số, các doanh nghiệp như ZTE, Huawei muốn phát triển ứng dụng công nghiệp 5G tại Việt Nam; đề nghị Việt Nam hỗ trợ phát triển ứng dụng cho ngành công nghiệp 5G và tạo ra các tiêu chuẩn ứng dụng 5G trong các ngành công nghiệp…

Thông tin tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến phát biểu của đại biểu Trung Quốc; yêu cầu các bộ, ngành liên quan của Việt Nam nghiên cứu các ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; có văn bản trả lời cụ thể đối với những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền. Một điểm đáng lưu ý là thành lập tổ công tác để kết nối, xử lý các vấn đề liên quan trên tinh thần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các đối tác.

Giới thiệu về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc vào Việt Nam, người đứng đầu Chính Phủ Việt Nam cho biết, Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước. Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh cũng như Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên như đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao…

Ông cũng mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị. Bên cạnh đó là tiếp tục tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại song phương; ủng hộ việc loại bỏ những rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam…

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỉ đô la Mỹ. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 6 trong tổng số 146 đối tác đầu tư của Việt Nam. Tính đến tháng 3-2024, nước này có hơn 4.400 dự án đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỉ đô la Mỹ.

1 BÌNH LUẬN

  1. Không thể chung chung. Mọi việc phải đi vào hành động cụ thể. Trước khi bàn đến kinh tế xanh cần phải quán triệt pháp lệnh về bảo vệ cây xanh đối với mọi tổ chức và cá nhân (trồng trọt/ chăm sóc/ bảo vệ…). Hiện nay tình trạng phá rừng, triệt hạ cây xanh, bê tông hóa, phá vỡ quy hoạch… đang diễn ra khắp mọi nơi, rất đáng lo ngại. Kinh tế số cũng vậy. Muốn bàn đến câu chuyện này, trước hết phải có chiến lược phổ cập, đào tạo bài bản về nhân lực số hóa. Khi kiến thức căn bản còn sơ sài, amateur, thì việc hiểu/ làm/ điều hành sẽ rất khó khăn. Chưa kể hàng loạt rủi ro khác đang bủa vây rình rập trên không gian mạng. Mọi thứ vì vậy cần được nhận thức sâu sắc, từ tổng quan cho đến chi tiết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới