(KTSG) - Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tình hình đầu năm 2024 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dài 27 trang giấy A4. Trong đó, dung lượng cho việc triển khai kế hoạch năm 2024 khoảng 18 trang và có tới 12 trong số 18 trang này được dành để nói về các khó khăn, thách thức.
- Việt Nam - Trung Quốc bàn về giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế số
- Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn sinh quyển
Trước thềm kỳ họp thứ 7 của Quốc hội dự kiến khai mạc ngày 20-5-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 33, cho ý kiến về một số nội dung sẽ được trình, thảo luận trên nghị trường, trong đó có tình hình kinh tế - xã hội.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dài 27 trang giấy A4. Trong đó, dung lượng cho việc triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024 khoảng 18 trang và có tới 12 trong số 18 trang này được dành để nói về các khó khăn, thách thức.
Đầu tiên, theo Ủy ban Kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP quí 1-2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đáng chú ý là tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng.
Trong các động lực tăng trưởng truyền thống (gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), chỉ xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng ấn tượng 15% trong bốn tháng đầu năm, còn lại cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%. Tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện, quí 1-2024 nhập siêu dịch vụ là 2,33 tỉ đô la Mỹ. Ngành khai khoáng suy giảm trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như giai đoạn trước dịch Covid-19.
Những tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86.400 doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81.300 doanh nghiệp). Đây là lần đầu tiên trong vòng năm năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong bốn tháng đầu năm thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các doanh nghiệp đều đang phải xoay xở để giữ đơn hàng.
Đây là lần đầu tiên trong vòng năm năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong bốn tháng đầu năm thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (81.300 doanh nghiệp so với 86.400 doanh nghiệp).
Trên thị trường tài chính, tiền tệ, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đã buộc các tổ chức tín dụng phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay để giảm bớt rủi ro (tỷ lệ nợ xấu nội bảng bình quân toàn hệ thống ngân hàng thương mại cuối tháng 2-2024 là 4,86%). Tăng trưởng tín dụng thấp (đến ngày 5-4 đạt 0,95%) trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Cùng với đó, tỷ giá tăng cao ngoài dự báo kể từ đầu năm, thậm chí có ngân hàng đã vượt 25.000 đồng/đô la và dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới. Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cao với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300.000 tỉ đồng (cao nhất trong ba năm gần đây), trong đó nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2%. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh.
Cùng với đó, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Nhiều dự án đường cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, vẫn còn các quy định, thủ tục hành chính chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn bộc lộ vướng mắc, bất cập. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm…
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xác nhận từ đầu năm đến nay phát sinh rất nhiều vấn đề mới tác động đến nền kinh tế. Ví dụ tỷ giá, giá vàng, giá nhà chung cư, giá vé máy bay, hạn mặn ở ĐBSCL, thiếu điện, lạm phát, các động lực tăng trưởng mới… Theo ông Dũng, mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều hội nghị chỉ đạo, điều hành, các công điện, nghị quyết nhưng đúng đây là những vấn đề đang thách thức tăng trưởng của năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quan tâm đến tính bền vững của các động lực tăng trưởng. Ví dụ, thu hút vốn FDI tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, tổng vốn FDI đăng ký bốn tháng đầu năm 2024 đạt 9,3 tỉ đô la - tăng 4,5% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các ngành điện tử, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở các lĩnh vực sản xuất bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu điện. Ông Mẫn cho rằng, các doanh nghiệp đánh giá sự cố thiếu điện năm ngoái ở miền Bắc vào tháng 6, tháng 7 khá nghiêm trọng. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp để đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là gấp rút hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 kéo điện ra miền Bắc, đồng bộ với hệ thống điện quốc gia.
Dù GDP quí 1-2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong quí 1 từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, song báo cáo của Ủy ban Kinh tế và thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân thì khó khăn đang nhiều hơn thuận lợi. Điều này khiến mục tiêu tăng trưởng năm 2024 và giai đoạn 2021-2025 gặp nhiều thách thức.
“Những vấn đề đã được nêu rõ trong báo cáo của các cơ quan thẩm tra rất cần được quan tâm lưu ý và có giải pháp khắc phục”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị với Chính phủ. Ông cũng nhấn mạnh một trong những trọng tâm ưu tiên trong điều hành, đó là tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất, kinh doanh cũng như hoạt động xuất nhập khẩu.