(KTSG Online) - Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư mới và mở rộng về sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, tế bào quang điện, thanh silic... Trong làn sóng đầu tư này, phần lớn là đến từ Trung Quốc.
Dự báo giá sản phẩm này sẽ tiếp tục sụt giảm sâu khi thế giới đang thừa mứa tấm pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất ồ ạt. Điều này đặt ra nhiều nỗi lo cho các quốc gia sản xuất nhiều sản phẩm này như Việt Nam trong bối cảnh các nước nhập khẩu sẽ bảo hộ sản xuất trong nước.
Gia tăng đầu tư từ Trung Quốc
Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia sản xuất sản lượng lớn tấm pin năng lượng mặt trời lớn ở trong khu vực và thế giới. "Thành tích" này được đóng góp bởi phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều nhất là đầu tư từ Trung Quốc.
Đáng chú ý, kế hoạch đầu tư các dự án mới cũng như mở rộng công suất nhà máy ở Việt Nam của các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc này còn tiếp diễn.
Đơn cử như Hainan Drinda sẽ xây nhà máy sản xuất pin mặt trời 450 triệu đô la Mỹ tại KCN Hoàng Mai II, tỉnh Nghệ An, và dự kiến hoàn thành vào quí 4 năm nay.
Hay hồi tháng 2, theo báo điện tử Thái Nguyên, một "ông lớn" khác của Trung Quốc là Công ty TNHH Trina Solar Cell thuộc Tập đoàn Trina Solar nhận chứng nhận đầu tư cho dự án mới nhằm sản xuất module và pin năng lượng mặt trời 454 triệu đô la ở Thái Nguyên.
Nhận câu hỏi KTSG Online về triển khai dự án mới này, bà Elva Wang, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Trina Solar Châu Á Thái Bình Dương, bỏ ngỏ câu trả lời. Dù vậy, theo bà, nhà máy 203 triệu đô la mà Trina Solar đưa vào hoạt động năm ngoái ở Thái Nguyên đang tăng tốc ổn định để đạt công suất tối đa: 6,5GW tấm bán dẫn, 4GW tế bào quang điện và 5GW mô-đun.
"So với lúc đưa vào hoạt động cách đây 8 tháng, nhà máy hiện tăng hơn gấp đôi lao động, đạt 1.500 công nhân. Đây là nhà máy lớn nhất của chúng tôi bên ngoài Trung Quốc với quy trình sản xuất tiên tiến, có giá trị cao như chuyển đổi các tấm bán dẫn thành tế bào quang điện cũng như lắp ráp mô-đun", bà Elva Wang nói.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, trong bối cảnh nhu cầu điện của cả nước tiếp tục tăng do tăng trưởng kinh tế. Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đang hướng tới loại bỏ dần sản xuất điện than vào năm 2050 và tăng công suất lắp đặt điện mặt trời lên 34%, tăng từ 23% vào năm 2022.
Điều này cũng lý giải vì sao đầu tư FDI, nhất là các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc tăng cường mở rộng công suất ở Việt Nam.
Trước đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện với tổng đầu tư 1,5 tỉ đô la cho công ty thực thuộc Jinko Solar. Đây là dự án thứ 3 tại Việt Nam của nhà sản xuất tấm pin năng lượng Trung Quốc này.
Và nỗi lo ảnh hưởng đến xuất khẩu
Đi cùng với xu hướng phát triển năng lượng tái tạo nói chung, và điện mặt trời nói riêng, thị trường pin năng lượng mặt trời trong nước được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển trong những năm tới. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong ngành hiện tại vô cùng khốc liệt, với sự tham gia của doanh nghiệp trong nước chưa nhiều.
Theo Dữ liệu kinh tế Việt Nam - Vietdata - hiện chỉ có Công ty cổ phần năng lượng IREK là doanh nghiệp nội có quy mô thị phần doanh thu tương đối, còn lại phần lớn đều là các công ty thuộc sở hữu nước ngoài, trong đó chủ yếu là các FDI Trung Quốc và Mỹ.
Bà Elva Wang nói Trina Solar đầu tư nhiều vào Việt Nam vì có lợi thế về chính sách đầu tư thuận lợi cùng hệ sinh thái sản xuất tốt.
Tuy nhiên, rót vốn lớn vào Việt Nam, các tập đoàn nước ngoài không chỉ ngắm vào nền kinh tế nội địa mà còn là xuất khẩu.
Cung ứng sản phẩm cho nhiều dự án nhà máy lớn ở Việt Nam, nhưng các mô-đun Vertex của Trina Solar sản xuất tại Việt Nam cũng đang bán trên toàn thế giới. Còn các nhà máy của Jinko Solar Việt Nam đang hoạt động tại Quảng Ninh hiện chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất của tập đoàn ở nước ngoài.
Có thể thấy, công suất tấm pin năng lượng mặt trời đang tăng cao ở Việt Nam từ đầu tư Trung Quốc.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung tấm pin năng lượng mặt trời trên toàn cầu sẽ đạt tổng công suất khoảng 1.100 gigawatt vào cuối năm nay, lớn gấp 3 lần so với mức dự báo hiện tại về nhu cầu. Tình trạng sản xuất ồ ạt ở Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới sự dư thừa này.
Dư cung, dẫn đến giá sản phẩm này ngày càng xuống thấp và bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, và dự báo sẽ giảm sâu hơn nữa khi các nhà sản xuất cạnh tranh để xả hàng tồn.
Theo Reuters, Trung Quốc đang mở rộng sản lượng năng lượng mặt trời và hiện chiếm 80% công suất của thế giới. Dẫn nguồn của công ty nghiên cứu Wood Mackenzie, hãng tin cho biết, chi phí sản xuất các tấm pin ở đây là khoảng 0,12 đô la/watt, trong khi ở châu Âu là 0,22 đô la.
Điều này khiến nhà sản xuất cùng sản phẩm của EU gặp khó khăn như nhà máy Freiberg (Đức) đóng cửa vào tháng 3; Systovi (Pháp) đang tìm kiếm đối tác mua lại...
Hàng nhập khẩu từ Đông Nam Á - nguồn hàng mà Mỹ nhập khẩu hầu hết tấm pin mặt trời vào nước này - được bán với giá rẻ hơn so với sản phẩm do Mỹ sản xuất ngay cả sau khi đã tính thuế.
Nguồn cung tấm pin năng lượng mặt trời được sản xuất từ các Trung Quốc lớn dẫn đến các công ty cùng lĩnh vực của Mỹ, EU... gặp khó khăn. Với tình hình này, theo các chuyên gia, các nước này sẽ hành động để chặn nhập sản phẩm này không chỉ tại các nhà máy ở Trung Quốc mà cả những nước nhận nhiều đầu tư từ nước này như Việt Nam.
Trên thực tế, cuối tháng 4 rồi, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phảm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam.
Thống kê của hải quan Mỹ, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam năm ngoái là 4,2 tỉ đô la, chiếm tỷ trọng 26% trong tổng nhập khẩu pin năng lượng mặt trời của Mỹ (cao nhất trong những nước bị cáo buộc).
Về biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam: 271,45% (cao nhất trong 4 nước bị cáo buộc).
Nguyên đơn cáo buộc doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu pin mặt trời Việt Nam nhận được chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất Mỹ.
Liên quan vụ việc này, theo CNBC, Liên minh Ủy ban thương mại sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ (AASMTC) cáo buộc, các nhà sản xuất ở Đông Nam Á bán tấm pin mặt trời ở Mỹ với các mức giá thấp hơn chi phí sản xuất, hoặc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp, khiến họ không thể cạnh tranh. Họ cho rằng, những nhà sản xuất này có trụ sở chính ở Trung Quốc và nhận được trợ cấp thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường của Bắc Kinh.
Theo CNBC, đơn kiến nghị nhắm đến tấm pin được sản xuất tại 4 nước Đông Nam Á, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu mô-đun năng lượng mặt trời được sản xuất bằng tấm pin có nguồn gốc từ những nước này.
Rõ ràng ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, không riêng tấm pin năng lượng mặt trời mà theo giới phân tích sẽ ảnh hưởng các sản phẩm, lĩnh vực khác.
Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng trưởng nhanh trong những năm qua, trong đó đóng góp nhiều từ đầu tư FDI. Điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất các nước này yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh những năm gần đây. Các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế của các nước có xu hướng gia tăng.
Cụ thể Mỹ sẽ điều tra mặt hàng xuất khẩu vào nước này bị nghi ngờ có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, có thể được nhập khẩu từ một nước thứ ba vào Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ để lẩn tránh thuế.
Thậm chí Mỹ còn sửa đổi lại các quy định pháp luật về điều tra chống lẩn tránh và áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh để làm sao các thủ tục, các điều kiện quy định được chặt chẽ hơn. Từ đó tạo cho cơ quan có thẩm quyền, ở đây là DOC, quyền hạn phù hợp hơn cho các hoạt động điều tra.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo việc tiếp nhận vốn FDI chọn lọc, không để doanh nghiệp ngoại tận dụng những ưu đãi thuế của các thị trường mà Việt Nam ký kết FTA để đầu tư xuất khẩu.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cũng cho rằng, các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đang gia tăng và khuyến nghị doanh nghiệp Việt không nên tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Thực tiễn cho thấy nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.