(KTSG Online) – Tính minh bạch, đặc biệt sự minh bạch mang tính chủ động của các tổ chức phát hành là yếu tố tiên quyết để thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ phục hồi và phát triển.
- Lãi suất có tín hiệu tăng, ngân hàng tranh thủ phát hành trái phiếu
- Thị trường trái phiếu chưa hấp dẫn được các định chế tài chính lớn
Những điểm nghẽn lớn
Thị trường TPDN riêng lẻ đang từng bước phục hồi, với nhiều tín hiệu tích cực với giá trị TPDN chậm trả theo từng tháng có xu hướng giảm dần trong những tháng đầu năm 2024.
Ngoài ra, sự ra đời của hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ trên HNX vào tháng 7-2023 cũng góp phần tăng quy mô giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp trong giai đoạn cuối năm 2023 - đầu năm 2024, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường này.
Cụ thể, số lượng TPDN đưa vào đăng ký giao dịch đạt 91,6% số mã trái phiếu và 88,9% giá trị trái phiếu phải đăng ký giao dịch theo quy định. Giá trị giao dịch qua hệ thống đạt bình quân trên 4.000 tỉ đồng mỗi phiên.
Việc hoạt động giao dịch TPDN riêng lẻ đã được quản lý tập trung qua hệ thống tại HNX và các chính sách gồm Nghị định số 08/2023 của Chính phủ và Thông tư số 30/2023 của Bộ Tài chính. Điều này cũng khiến các tổ chức phát hành từng bước thực hiện tốt nghĩa vụ công bố thông tin, nỗ lực tái cơ cấu các khoản nợ, đàm phán với trái chủ để hoán đổi trái phiếu, gia hạn nợ, mua lại trái phiếu trước hạn…
Theo đó, hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ ghi nhận sự hồi phục, với khối lượng phát hành đạt 297.000 tỉ đồng trong năm 2023, còn dư nợ TPDN hiện khoảng 1 triệu tỉ đồng - tương đương 9,8% GDP năm 2023 và chiếm 7,4% dư nợ của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, hoạt động xếp hạng dần phổ biến hơn, với 10 ngân hàng thương mại dự kiến có lần đầu tiên sẽ công bố xếp hạng nội địa trong 6 tháng đầu năm 2024.
Nhiều chuyên gia đồng thuận rằng thị trường TPDN riêng lẻ đã lành mạnh hơn sau giai đoạn 2022-2023. Nhưng đây chỉ là bước đầu để phục hồi và phát triển thị trường này theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Đình Duy, Chuyên gia phân tích cao cấp - Khối xếp hạng và nghiên cứu thuộc VIS Rating cho biết thị trường TPDN Việt Nam vẫn tồn tại một số điểm nghẽn.
Nhiều tổ chức phát hành có chất lượng tín nhiệm thấp và hạn chế về thông tin. Thậm chí, có 20% giá trị TPDN lưu hành tới từ các doanh nghiệp vỏ bọc, không có hoạt động cốt lõi nhưng vẫn huy động vốn (SPE), với tỷ lệ chậm trả lên tới 38%, theo số liệu của VIS Rating.
Việc phát hành trái phiếu với mục đích tái cơ cấu nợ cũng có xu hướng gia tăng, chiếm tỷ trọng 78% trong năm 2023.
“Xu hướng này cho thấy các doanh nghiệp sử dụng kênh trái phiếu không nhằm mục đích nguyên thủy là tài trợ các dự án dài hạn, mà chủ yếu như một kênh tài chính để duy trì trạng thái hiện tại, dẫn đến chất lượng phát hành chưa được như kỳ vọng”, ông Duy nói tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” ngày 17-5.
Ngoài ra, chưa có sự phân hóa rõ ràng về đặc thù rủi ro của từng loại hình trái phiếu. Cụ thể, trong số trái phiếu có tài sản bảo đảm (TSBĐ) thì chứng khoán là loại TSBĐ phổ biến nhất với tỷ trọng 38%, dự án hình thành trong tương lai chiếm 32%, bất động sản chiếm 30%.
Cũng vì thiếu sự phân hóa rủi ro, ông Duy cho biết có nhiều trái phiếu ở tình trạng chậm trả và rủi ro cao, nhưng có định giá chưa hợp lý. Thậm chí, mức giá giao dịch của trái phiếu này trên thị trường thứ cấp ngang bằng các trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng trung bình và trên trung bình.
Về tỷ lệ thu hồi chậm trả, các trái phiếu có TSBĐ là chứng khoán có tỷ lệ thu hồi là 20%, dự án là 11%, bất động sản là 10%. Còn tỷ lệ thu hồi với trái phiếu không có TSBĐ chỉ 8%.
“Các trái phiếu có TSBĐ sẽ có tỷ lệ thu hồi cao hơn, nhưng chưa rõ rệt, vẫn gây thua lỗ cho trái chủ. Do đó, bảo đảm bằng tài sản chưa phải yếu tố tiên quyết khi đầu tư và không bảo đảm cho toàn bộ rủi ro của doanh nghiệp”, ông Duy nói.
Cũng theo ông Duy, gần đây các doanh nghiệp phát hành có xu hứng sử dụng bão lãnh của bên thứ ba, nhưng không hoàn toàn đem lại chất lượng tín dụng cao hơn. Cần phải đánh giá điều kiện, điều khoản, khả năng trả tiền của bên bảo lãnh. Thực tế, nhiều đợt phát hành có bảo lãnh của bên thứ ba là cá nhân hay công ty mẹ, như trường hợp Vạn Thịnh Phát, nên khi hệ thống có vấn đề thì việc bảo lãnh hoàn toàn không có giá trị.
Cùng quan điểm, một chuyên gia pháp lý cho biết việc chưa có quy định doanh nghiệp có “sở hữu chéo” vốn góp, cùng hệ sinh thái không được phép mua - bán trái phiếu lẫn nhau là vấn đề cần lưu tâm.
Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý cũng chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể, làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho các nhà đầu tư, để có căn cứ xác định cấu thành tội phạm của các tội phạm về chứng khoán và một số tội phạm có liên quan đến chứng khoán.
Minh bạch - nền móng để thị trường phát triển
Để thị trường TPDN riêng lẻ phát triển đạt mục tiêu đề ra, các chuyên gia cho rằng tính minh bạch, đặc biệt sự minh bạch mang tính chủ động của các tổ chức phát hành là yếu tố tiên quyết.
Ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating cũng cho rằng có ba điều kiện cần để giúp thị trường TPDN Việt Nam đạt quy mô 25% GDP vào năm 2030.
Điều kiện tiên quyết là minh bạch thông tin, vì nếu không minh bạch thị trường sẽ không thể và không bao giờ phát triển được. Theo đó, phải có thông tin mức độ rủi ro trái phiếu bán trên thị trường, gồm: mức độ rủi ro của tổ chức phát hành, khả năng trả nợ, phải có thông tin đầy đủ về rủi ro của tổ chức phát hành được một bên độc lập cung cấp.
Tiếp đó, cần có đường cong lãi suất TPDN làm tham chiếu, để nhà đầu tư dựa vào đó biết trái phiếu đang được giao dịch mức giá thế nào.
“Điều này giúp các nhà đầu tư tránh tình trạng dò dẫm, không biết giá nào đúng để đặt lệnh giao dịch”, ông Minh nói
Cuối cùng, muốn phát triển thị trường thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn dài thì cần tạo điều kiện để số trái phiếu này được nắm giữ bởi các nhà đầu tư là tổ chức, thay vì nhà đầu tư cá nhân.
"Làm được hai điều kiện đầu tiên, thì điều kiện thứ ba tự đến. Hiện chúng ta làm rất tốt tiền đề và bước đầu giải quyết vấn đề cho hai điều kiện đầu. Nếu làm được, thị trường TPDN sẽ phát triển về chất lượng và số lượng tốt hơn so với giai đoạn trước”, ông Minh nhận định.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó trưởng ban, Ban nghiên cứu và điều phối chính sách thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng thông tin từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cung cấp độc lập, khách quan là yếu tố quan trọng cho khách hàng đầu tư vào TPDN.
Với nhà đầu tư, xếp hạng tín nhiệm là chuẩn mực chung, giúp họ có căn cứ để so sánh công cụ, từ đó đưa ra quyết định sản phẩm để đầu tư. Ngoài ra, trong quá trình theo dõi sản phẩm trái phiếu, kết quả xếp hạng tín nhiệm được cập nhật thường xuyên là thông tin quan trọng để khách hàng có thể quản trị rủi ro hiệu quả.
Với doanh nghiệp phát hành, thông tin từ tổ chức xếp hạng cũng quan trọng. Nếu kết quả xếp hạng tốt, doanh nghiệp sẽ có lợi thế trong huy động vốn với chi phí rẻ hơn.
Tương tự, ông Dương Đức Hiếu khẳng định thông tin trong báo cáo xếp hạng tín nhiệm đối với một doanh nghiệp sẽ là công cụ trực quan để nhà đầu tư tham chiếu, phân tích và đưa ra quyết định.
Cùng với đó, các báo cáo xếp hạng tín nhiệm sẽ tách bạch rủi ro của từng loại trái phiếu, tức phân loại chất lượng từng loại trái phiếu thông qua việc phản ánh rủi ro các đơn vị phát hành như: rủi ro thanh toán, tài sản bảo đảm…
Còn vị chuyên gia pháp lý đề xuất cơ quan quản lý cần quy định chặt chẽ về điều kiện doanh nghiệp được phát hành trái phiếu. Trong đó, có quy định cụ thể trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành trái phiếu phải đáp ứng các tiêu chí, gồm: xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp; tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản (không bao gồm các khoản trả trước); tỷ lệ tổng nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu; tỷ lệ tiền mặt/nợ ngắn hạn.
Doanh nghiệp phát hành cũng không được phát hành trái phếu để cho vay, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác. Với trường hợp phát hành trái phiếu có tài sản bảo đảm, phải định giá và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
Về phía cơ quan quản lý, bà Lê Thị Thu Hà, Phó vụ trưởng, Vụ quản lý chào bán chứng khoán thuộc UBCKNN cho biết cơ quan quản lý dự kiến sửa một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung xếp hạng tín nhiệm, với mục tiêu nâng cao tính minh bạch thông tin thông qua đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong các đợt chào bán của doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu ra công chúng.
Tuy nhiên, vị này vẫn nhấn mạnh đây chỉ là quy định bắt buộc. Còn ý thức và mong muốn của doanh nghiệp về minh bạch thông tin vẫn phải xuất phát từ bản thân doanh nghiệp.