(KTSG Online) - Dân số của Liên minh châu Âu (EU) đang giảm nhanh hơn dự kiến, có thể gây căng thẳng cho tài chính của các chính phủ và đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của khối này.
Dân số châu Âu bước vào thời kỳ suy giảm kéo dài
Ở Telendos, một hòn đảo nhỏ của Hy Lạp nằm bên bờ biển Aegean, cậu bé Savas Glinatsis là học sinh duy nhất của một trường tiểu học địa phương. 10 năm trước, Telendos có hơn 100 cư dân thường trú nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 60 người. Glinatsis, vừa tròn 8 tuổi vào năm ngoái, là trẻ em duy nhất trên đảo.
Tình trạng thiếu trẻ em ở châu Âu không chỉ giới hạn ở Hy Lạp. Theo dự đoán của Liên hợp quốc (LHQ), năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử EU khi dân số bắt đầu đà suy giảm kéo dài.
Dân số EU tăng trong năm tính đến tháng 1-2023 nhờ làn sóng người di tản từ Ukraine, sau hai năm sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm ngoái, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) dự báo dân số của EU sẽ đạt đỉnh 453 triệu người vào năm 2026. Nhưng với tỷ lệ sinh ở EU trong năm 2023 giảm xuống mức sâu hơn mức mà Eurostat dự báo trong hai thập niên tới, đỉnh dân số của khu vực này có thể đến trước năm 2026.
Sự đảo ngược nhân khẩu học của EU dường như đang đến sớm hơn dự đoán của nhiều chuyên gia. Trong vài thập niên qua, làn sóng nhập cư giúp dân số của EU tăng lên và sự tham gia ngày càng tăng của người nhập cư và phụ nữ vào lực lượng lao động bù đắp cho sự sụt giảm nhanh chóng của dân số trong độ tuổi lao động của khối này. Tuy nhiên, những yếu tố này sẽ sớm không đủ bù đắp cho tỷ lệ sinh đang giảm nhanh.
Nhiều thành viên trong số 27 nước thuộc EU có tỷ lệ sinh cực kỳ thấp trong nhiều thập niên. Với lực lượng lao động đang thu hẹp, áp lực tài chính của các chính phủ trong khu vực tăng thêm, kéo theo những hậu quả tiềm tàng đối với triển vọng kinh tế và vị thế địa chính trị của EU.
EU đã trở thành nơi thử nghiệm các chính sách hỗ trợ sinh sản do chính phủ lãnh đạo. Nhưng hầu hết trong số đó cho đến nay không giúp ngăn chặn tình trạng giảm sinh hiệu quả. Một biện pháp khắc phục khác là tăng cường nhập cư, một chủ đề gây tranh cãi chính trị ở nhiều nước EU. Các đảng dân túy chống nhập cư có thể sẽ giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu được tổ vào đầu tháng 6 tới.
“Nếu không xem xét các xu hướng nhân khẩu học và giảm thiểu tác động, chúng ta có thể dần rơi vào những kịch bản đen tối”, Dubravka Šuica, phó chủ tịch phụ trách dân chủ và nhân khẩu học của Ủy ban châu Âu (EC), cảnh báo.
Bà cho biết thêm, những kịch bản này bao gồm các mối đe dọa tiềm tàng đối với khả năng cạnh tranh của EU, áp lực lên ngân sách, căng thẳng về dịch vụ công và lương hưu, cũng như khả năng thiếu việc làm trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Bà kêu gọi các chính phủ thành lập các bộ phụ trách nhân khẩu học đồng thời hối thúc EU thành lập một hội đồng về nhân khẩu học. Bà giải thích, nếu không có tổ chức phù hợp, không ai cảm thấy có trách nhiệm trước các vấn đề nhân khẩu học. Bà cảnh báo, EU đang trên bờ vực của một biến chuyển lớn về nhân khẩu học, đòi hỏi phải xem xét lại các khuôn khổ thể chế, chính trị, kinh tế và văn hóa của khối này.
Nhân lực thiếu hụt trong nhiều lĩnh vực
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước châu Âu đều trải qua thời kỳ bùng nổ sinh con, góp phần vào đà tăng trưởng dân số vững chắc trên khắp lục địa. Kể từ đó, các yếu tố bao gồm tăng trưởng nhanh chóng về trình độ học vấn, đặc biệt là ở phụ nữ, cải thiện dinh dưỡng và vệ sinh, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và phổ biến các phương pháp ngừa thai đã dẫn đến tỷ lệ sinh giảm mạnh và tuổi thọ tăng lên. Trong thời gian này, tỷ lệ dân số của EU trong dân số toàn cầu giảm hơn một nửa xuống dưới 6%.
Theo dữ liệu của LHQ, dân số trong độ tuổi lao động của EU, những người trong độ tuổi 20-64, đóng góp phần lớn doanh thu thuế, giảm từ mức đỉnh điểm 270 triệu người trong năm 2011 xuống còn khoảng 261 triệu trong năm nay. So với tổng dân số, nhóm dân số trong độ tuổi lao động của EU đạt đỉnh 61,4% vào năm 2008 và hiện nay giảm xuống còn 58%.
Michael Saunders, nhà kinh tế học của Oxford Economics, cho biết với tỷ lệ dân số có việc làm ngày càng giảm, GDP bình quân đầu người của EU sẽ ở mức thấp dai dẳng.
Theo phân tích của Financial Times dựa trên dữ liệu của LHQ, dân số trong độ tuổi từ 20-64 ở Đức đã suy giảm khoảng 2 triệu kể từ khi đạt đỉnh vào năm 1998. Trong thập niên tới, nền kinh tế lớn nhất EU dự kiến mất thêm 10% dân số trong độ tuổi lao động, khoảng 5 triệu người.
Hồi tháng 2, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck cảnh báo tình thiếu lao động là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước. Viện nghiên cứu kinh tế Đức (IDW) ước tính, tình trạng thiếu lao động có thể khiến sản lượng kinh tế của Đức mất 49 tỉ euro trong năm 2024.
Sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động của EU dự kiến làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân lực một số lĩnh vực. EC cho biết, nhiều nước thành viên EU đang có nhu cầu cao về nhân lực có tay nghề trong các lĩnh vực như kỹ thuật, khoa học, công nghệ. Vì vậy, khi thế hệ lao động lớn tuổi nghỉ hưu, tình trạng thiếu hụt nhân lực ở cả các lĩnh vực đòi hỏi tay nghề cao lẫn tay nghề thấp sẽ tăng đáng kể.
Nhu cầu lao động đã giảm bớt trong năm qua khi nền kinh tế Đức gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát của Viện Ifo, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Munich, gần 40% doanh nghiệp Đức đang thiếu lao động có trình độ. Tỷ lệ này tăng lên gần 70% trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý và kế toán.
Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào năng suất lao động
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, tổng số giờ làm việc ở châu Âu sẽ giảm trong 5 năm tới, trong khi con số này dự kiến tiếp tục tăng ở Mỹ. Tương tự, báo cáo về vấn đề già hóa dân số mới nhất của EC dự báo, tổng số giờ làm việc của châu Âu sẽ giảm vào cuối thập niên 2020. Báo cáo cho biết, do số giờ làm việc dự kiến sẽ giảm, tăng trưởng năng suất lao động sẽ trở thành động lực duy nhất cho tăng trưởng GDP của EU. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của EU chậm lại trong hơn một thập niên và giảm kể từ cuối năm 2022, làm gia tăng khoảng cách với Mỹ.
Nhiều chuyên gia kêu gọi các chính phủ EU đầu tư vào kỹ năng và giáo dục để nâng cao giá trị sản phẩm được tạo ra trên mỗi giờ làm việc. EU đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng các sáng kiến như “Năm Kỹ năng châu Âu” (European Year of Skills), bắt đầu từ tháng 5-2023 kéo dài đến tháng 5-2024. Sáng kiến này nhằm trang bị cho lao động trong khu vực những kỹ năng phù hợp và giúp các công ty giải quyết tình trạng thiếu lao động.
“Chúng ta cần phải đầu tư lớn để nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực đang có, thay vì cố gắng tăng tỷ lệ sinh”, Wolfgang Lutz, giám đốc sáng lập của Trung tâm Nhân khẩu học và vốn nhân lực toàn cầu Wittgenstein (Áo), nói.
Ông nói thêm, nếu không làm được điều này, EU sẽ mất đi khả năng cạnh tranh toàn cầu, không chỉ khiến vị thế của EU giảm sút trên thế giới, mà còn cả phúc lợi của người dân ở châu Âu.
Kịch bản này đã được thể hiện rõ qua khoảng cách kinh tế ngày càng gia tăng giữa EU với Mỹ, nơi dân số trong độ tuổi lao động đang tăng lên nhờ dân nhập cư. Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Goldman Sachs, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục mạnh hơn EU trong thập niên tới, chủ yếu là nhờ nhân khẩu học tốt hơn.
Theo Financial Times