(KTSG Online) - Tổng cục thống kê cho biết, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lạm phát cơ bản tăng 2,78%.
- CPI tăng 3,93%, lạm phát tăng 2,81% sau 4 tháng đầu năm
- CPI hai thành phố lớn tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2024
Theo Tổng cục thống kê, bình quân 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.
Một số nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng khiến CPI tăng theo như chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,7%; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%; chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,6%. Ngược lại, nhóm bưu chính, viễn thông có chỉ số giá giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 5, CPI tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của giá thịt heo, giá điện sinh hoạt tăng. Cả nước có 7 trong tổng số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá so với tháng trước.
Về lạm phát, cũng theo số liệu Tổng cục thống kê, 5 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%). Riêng trong tháng 5, lạm phát cơ bản tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5-2024 ước tính tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Cũng so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%. Riêng ngành khai khoáng giảm 9,4% so với cùng kỳ.
Như vậy, trong 5 tháng qua, IIP ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm ngành tăng trưởng mạnh, góp phần làm tăng chỉ số IIP như ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%... Cả nước có 55 địa phương tăng chỉ số sản xuất công nghiệp và chỉ số này giảm ở 8 địa phương.
Lạm phát 5 tháng đang ở mức cao. Tăng so cùng kỳ gần 0,5% (3,55%). Gần tiến tới mục tiêu kỳ vọng cả năm (4,5%). Khả năng kiểm soát lạm phát phụ thuộc vào điều hành cung cầu thị trường và chi phí đẩy. Cung, vẫn còn dư địa để tăng. Cầu, khó tăng cao, vì mãi lực đang suy giảm. Vậy nên, chỉ còn nhân tố chi phí. Không để đột biến quá cao và bất ngờ, nhất là vào 2 quý còn lại của năm.